Chủ tịch Quốc hội: Đầu tàu mà chậm thì sao cả nước đi nhanh được

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về cơ chế đặc biệt cho TPHCM sáng 14-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Chúng ta đều biết TPHCM thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về trung ương cũng lớn nhất, nhưng tỷ lệ được để lại cho địa phương bây giờ rất ít nên không thể phát triển nhanh. Đầu tàu mà đi chậm thì sao cả nước đi nhanh được”.

Chủ tịch Quốc hội: Đầu tàu mà chậm thì sao cả nước đi nhanh được

Khẳng định quan điểm “TPHCM phát triển thì cả nước cùng phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nói, ngoại trừ Thủ đô, đã có Luật Thủ đô điều chỉnh, thì trong các thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, TPHCM là lớn nhất về quy mô kinh tế, thu ngân sách, dân số, song những năm gần đây tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Vì thế, việc ban hành một cơ chế đặc biệt cho TPHCM là hết sức cần thiết.

Ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt của Chính phủ và chính quyền TPHCM, chủ tịch Quốc hội bình luận: “Đây là một Nghị quyết thí điểm, đã được bàn kỹ nên đề nghị Quốc hội cho thông qua trong 1 kỳ họp, nếu không sẽ bị lỡ cơ hội. Nhiệm kỳ này của Quốc hội đã đi qua được một nửa rồi”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành nghị quyết phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái với các cam kết quốc tế và không làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương cũng như trần nợ công mà Quốc hội đã quyết định.

Một yêu cầu không kém phần quan trọng khác, theo Chủ tịch Quốc hội, là phải được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm mất tính cạnh tranh của TPHCM.

Soi chiếu vào những nguyên tắc này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ nội dung về thuế suất. Bà phân tích: “Tăng thuế suất sẽ làm nhà đầu tư cân nhắc. Về thuế tài sản, đây là một sắc thuế tiến bộ, dù là mới ở Việt Nam. Nhưng Nghị quyết số 25/2016/QH13 ngày 9-11-2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đề ra giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Việc nghiên cứu thuế tài sản để TPHCM thí điểm thực hiện trước, sau đó tổng kết đánh giá, xây dựng luật trình Quốc hội quyết định để áp dụng trên địa bàn cả nước cũng là hợp lý”.

Chủ tịch Quốc hội: Đầu tàu mà chậm thì sao cả nước đi nhanh được ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  
Về việc tăng thuế, Chủ tịch Quốc hội tán thành việc cho địa phương áp dụng thuế cao hơn đối với một số sắc thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt – những loại thuế không ảnh hưởng nhiều đến đại đa số cộng đồng dân cư. “Nhưng đề nghị tăng tất cả các sắc thuế thì tôi không đồng ý, vì có thể làm mất đi tính hấp dẫn của môi trường đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội tán thành việc trao quyền chủ động hơn cho thành phố trong việc quyết định dự toán ngân sách, trừ một số khoản quan trọng do Quốc hội quyết định như chi cho giáo dục, chi cho khoa học công nghệ.

“Kiểu giao cứng đồng này mua mắm, đồng này mua tương thì người không cần tương, muốn ăn mắm lại không mua được”, Chủ tịch Quốc hội ví von. Chính sách đặc thù cho TPHCM về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý… đều được người đứng đầu Quốc hội ủng hộ.

Riêng đề xuất về việc không tiếp tục giao 18.800 tỷ mà ngân sách trung ương đã bố trí cho dự án chống ngập và xây dựng bệnh viện cho TPHCM, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Đây là khoản tiền đã bố trí, chứ không phải chưa giao. Bây giờ muốn trao cơ chế đặc thù cho TPHCM phát triển mà lại lấy khoản này về thì không nên. Với 18.800 tỷ đầu tư này, có khi TPHCM có thể tạo ra nhiều hơn, đóng góp về ngân sách trung ương nhiều hơn. Đã là đặc biệt thì nên cho thêm chứ đừng lấy bớt”.

Khép lại ý kiến của mình, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi nhớ ông Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore) từng chia sẻ kinh nghiệm: Nếu tôi có nguồn lực chưa thật nhiều, tôi sẽ giao cho người có khả năng làm giàu trước, để họ làm ra tiền và đất nước sẽ có thêm nhiều hơn để san sẻ cho các địa phương khác. Chứ nếu nguồn lực còn ít mà đem chia đều thì tất cả dàn hàng ngang cùng tiến chậm”.

Tin cùng chuyên mục