Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Phân tích hiệu quả từng ngành để phát triển đúng định hướng

7 tháng đầu năm, TPHCM có 440 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng vốn gần 750 triệu USD; 25.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 313.000 tỷ đồng. 
Sáng 17-8, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư về kết quả 7 tháng đầu năm và thực hiện kế hoạch năm 2017.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP, hiện sở đang quản lý 7.042 dự án, trong đó có 23 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư 71.170 tỷ đồng, 130 dự án PPP với vốn đầu tư gần 381.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TP có 238 dự án đang kêu gọi đầu tư.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Phân tích hiệu quả từng ngành để phát triển đúng định hướng ảnh 1 TPHCM đang kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng giao thông đô thị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cũng cho biết, 7 tháng đầu năm, TPHCM có 440 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng vốn gần 750 triệu USD; 25.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 313.000 tỷ đồng. 
Về thực hiện chỉ tiêu kinh tế, theo kế hoạch năm 2017 chỉ số tăng trưởng GRDP của TPHCM phải đạt 8,4%, thế nhưng theo báo cáo chỉ mới đạt 7,8%, nên cần phải “chạy nước rút” những tháng cuối năm với chỉ số tăng trưởng khoảng 9% mới đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Các sở ngành cũng chỉ ra nhiều bất hợp lý hiện nay như lượng doanh nghiệp tư nhân của cả nước chỉ chiếm gần 40% số lượng doanh nghiệp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế chiếm đến 60%; các ngành dịch vụ chủ yếu tạo ra giá trị gia tăng lớn, chiếm đến 59% trong khi vốn đầu tư lại tập trung vào các ngành như bất động sản - ngành tạo giá trị gia tăng không cao.
Do vậy, để hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, TPHCM cần đầu tư đúng trọng điểm, đó là thu hút đầu tư vào nhóm ngành dịch vụ, có tính toán cụ thể từng ngành để ưu tiên thúc đẩy các nhóm ngành có giá trị gia tăng phát triển. 
Về sản phẩm chủ lực, các năm trước sản phẩm chủ lực của TPHCM chiếm đến 50% giá trị xuất khẩu của cả nước, nay giảm còn 18%. Số lượng công ty lớn của TPHCM tham gia cuộc chơi toàn cầu rất ít.
Theo bình bầu của một tạp chí nước ngoài vào năm 2015, cả nước có 40 thương hiệu thì TPHCM chỉ có 10 thương hiệu. Nguyên nhân là do hoạt động thu hút đầu tư của TPHCM chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.  
Về thực hiện mục tiêu phấn đấu phát triển 500.000 doanh nghiệp của TPHCM, cần phải đi sâu nghiên cứu, phân tích hiệu quả từng ngành để tập trung phát triển, đạt được hiệu quả, chất lượng tăng trưởng bền vững.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết sẽ đánh giá hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài để cho ra con số hiệu quả cụ thể, giúp TP xác định vốn đầu tư vào ngành nào là hiệu quả. 
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, với 281.000 hộ kinh doanh cá thể hiện nay thì tỷ lệ hộ cho thuê nhà chiếm số lượng lớn, do vậy việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp không nhiều.
Hơn nữa, việc chuyển đổi này không làm tăng giá trị gia tăng cho xã hội, mà phải tập trung khảo sát các hộ kinh doanh xem họ gặp khó khăn gì thì hỗ trợ giúp người dân làm ăn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Về các dự án đang kêu gọi đầu tư có liên quan tới đất đai, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành nghiên cứu tham mưu theo hướng tạo ra quỹ đất sạch rồi đem đấu giá công khai, minh bạch, tránh thất thoát nguồn tài nguyên của TP. 

Tin cùng chuyên mục