Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: TPHCM làm quy trình bầu thêm 3 Phó Chủ tịch UBND

Tại Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội quý 1, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2019 diễn ra vào chiều 4-4, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin TPHCM đã làm quy trình 5 bước để bầu bổ sung các Phó Chủ tịch UBND TPHCM và đang chờ ý kiến của Trung ương.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Cụ thể, TPHCM đã làm quy trình bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách kinh tế và Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách nội chính. Sắp tới, TPHCM tiếp tục làm quy trình bổ sung thêm Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách văn hóa - xã hội. Đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP đã được phân công nhiệm vụ mới, giữ chức Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy. 

Đối với nhân sự các sở - ngành, UBND TP đã kiện toàn và đang chờ Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến.

Sớm xác định ranh ngoài quy hoạch Thủ Thiêm

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, trong những tháng đầu năm 2019, các cấp, các ngành của TPHCM đã vào cuộc quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRPD) tăng 7,64% (tương đương cùng kỳ).

Song, khu vực dịch vụ và 6/9 ngành dịch vụ chủ yếu có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng nêu 7 vấn đề còn tồn đọng trên địa bàn TPHCM như tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp; nghiên cứu lập quy hoạch mới phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, đề án xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước; tập trung thực hiện các kết luận thanh tra liên quan đến dự án như Khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh), Thảo Cầm viên Safari (huyện Củ Chi)...

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nêu rõ về sự chậm trễ trong giải quyết vấn đề liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để phê duyệt ranh khu 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An (được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm) thì TPHCM đang chờ ý kiến từ các bộ, ngành liên quan.

Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng có ý kiến để TPHCM hoàn thiện việc xác định ranh khu 4,3 ha. "UBND TPHCM đã làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần và đang hoàn thiện để phê duyệt ranh khu 4,3 ha này”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin và khẳng định, từ kết quả này, UBND TP sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Cùng đó, UBND TP cũng đang hoàn thiện và sẽ triển khai các bước triển khai giải quyết các chính sách tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Người đứng đầu UBND TPHCM cũng thông tin về kế hoạch giải quyết các vấn đề tồn tại đã nêu; đồng thời yêu cầu các sở ngành, quận huyện rà soát lại công việc được giao, để đánh giá công việc theo quý. Đây là kết quả để chi trả thu nhập tăng thêm và qua đó cũng xác định những giải pháp đẩy nhanh tiến độ, tạo chuyển biến rõ nét vì sự phát triển của TP.

Siết chặt cấp phép, xử lý quyết liệt công trình xây dựng sai phép

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm nhận xét, chủ đề của năm 2019 là đột phá cải cách hành chính, với nhiều việc cần phải bàn và làm quyết liệt hơn. Ở các cơ quan, đơn vị đã có sự chuyển động nhưng sự chuyển biến chưa rõ ràng.

Do đó, Sở Nội vụ sẽ trình UBND TP quy chế đánh giá phân loại để hưởng thu nhập tăng thêm, theo hướng siết lại việc đánh giá. Yêu cầu đặt ra là người được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thực sự tiêu biểu, người hoàn thành nhiệm vụ được hưởng thu nhập tăng thêm phải khác với người không hoàn thành. "Việc đánh giá phải sát hơn, chất lượng hơn. Người được hưởng thu nhập tăng thêm phải xứng đáng, từ đó ở hiệu quả công việc tốt hơn, người dân phải hài lòng”, ông Trương Văn Lắm bày tỏ.

Bày tỏ quan tâm đến chủ đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, chủ đề năm 2019 là năm đột phá cải cách hành chính. Các giải pháp đã được nêu ra đầy đủ nên vấn đề là việc quyết tâm thực hiện.

Đặc biệt, cải cách hành chính là một chương trình đột phá của TPHCM, đã được thực hiện nhiều năm. Do đó, các sở ngành, quận huyện cần thấy rõ được hạn chế và có sự thay đổi quyết liệt nhằm tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, Sở Nội vụ phải tập trung tham mưu để trong tháng 5-2019, UBND TP ban hành quy trình phối hợp giải quyết hồ sơ hành chính giữa các sở ngành, quận huyện, với thời hạn cụ thể.

"Trong các kỳ họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng sắp tới, Văn phòng UBND TP cũng phải đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính dựa trên 10 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định”, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu và cho rằng không nhất thiết phải đánh giá đầy đủ cả 10 giải pháp. Song, việc đánh giá phải được tập trung ở các giải pháp liên quan đến mối quan hệ, giao dịch giữa các sở ngành, quận huyện với người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt là cần phân tích kỹ trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính.

Đề cập đến một số hạn chế cụ thể khác, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhắc đến các điểm nóng về xây dựng không phép, nhất là ở các vùng ven. Do đó, Sở Xây dựng và các nơi để xảy ra xây dựng trái phép nhiều như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9... phải siết chặt công tác cấp phép và xử lý quyết liệt đối với các công trình sai phép, không phép.

Ngoài ra, Sở Xây dựng phải hoàn chỉnh đề án thí điểm đưa thanh tra xây dựng về địa phương để việc kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm xây dựng đạt hiệu quả hơn. Cùng đó, Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị các thủ tục để sau khi được ủy quyền, UBND sẽ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín đường Vành đai 2. Đặc biệt, các sở ngành, quận huyện cần tập trung chỉ đạo thực hiện 19 nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy giám sát và 10 đề án trọng tâm năm 2019 của TPHCM.

Về tình trạng xây dựng trái phép ở địa phương, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện có kế hoạch phối hợp liên tịch với Sở Xây dựng kiểm tra, giám sát, xử lý các công trình xây dựng trái phép, nhất là ở các địa bàn nóng như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng. Trong 3 năm qua, số công trình vi phạm ở huyện giảm mỗi năm 5%.

Mặc dù địa phương cương quyết xử lý nhưng tình trạng xây dựng lén lút vẫn còn. Nguyên do, diện tích huyện Bình Chánh rộng, dân số đông với trên 60% là dân nhập cư có thu nhập không cao. Họ có nhu cầu xây dựng nhà nhỏ, từ đó xuất hiện các đối tượng xây dựng lậu chuyên nghiệp.

Về giải pháp hạn chế xây dựng trái phép, ông Trần Phú Lữ cho biết, huyện sẽ tập trung tuần tra, giám sát; rà soát lại việc phân công, phân nhiệm từ cán bộ địa chính ở các xã, thị trấn đến cán bộ quản lý địa bàn, phân rõ khu vực, tuyến đường tuần tra, giám sát và báo cáo hàng ngày cho UBND xã và UBND huyện để tổng hợp, theo dõi. Qua đó tránh bỏ sót hoặc xảy ra việc cán bộ cố tình bao che cho các công trình vi phạm. Huyện cũng tăng cường giám sát cán bộ công chức, nếu phát hiện cán bộ công chức khi kiểm tra nhưng không lập biên bản thì sẽ xử lý nặng hơn những cán bộ công chức tiếp tay cho sai phạm.  

Ông Trần Phú Lữ cũng nhìn nhận, việc xử lý các công trình trái phép ở huyện thời gian qua chưa đủ răn đe, nhiều công trình tái phạm. Do đó, ngoài xử lý hành chính thì cần xử lý hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần, nhất là các “đầu nậu” xây dựng không phép và cán bộ, công chức tiếp tay cho sai phạm. Huyện cũng kiến nghị TP có giải pháp đẩy nhanh thực hiện 140 dự án đang triển khai trên địa bàn, để hạn chế tình trạng xây dựng không phép.

Trong tuần này, huyện Bình Chánh sẽ hoàn tất việc kiểm điểm cán bộ cấp xã và cấp huyện, đồng thời giao công an huyện tiến hành điều tra, xác minh có hay không việc cán bộ tiếp tay cho xây không phép để có cơ sở xem xét, xử lý.

Tin cùng chuyên mục