Chưa có giải pháp cho các tranh chấp về chủ quyền biển đảo

(SGGPO).- Ngày 26-9, bên lề Khóa họp 67 của Đại hội đồng LHQ, đang diễn ra tại New York (Mỹ), đã diễn ra các cuộc gặp gỡ và thảo luận về những tranh cãi chủ quyền giữa Nhật Bản – Trung Quốc, Nga – Nhật Bản, liên quan đến các quần đảo… Tuy nhiên, các cuộc gặp đã không đạt được bước đột phá nào. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton đã kêu gọi tất cả các bên hữu quan giữ bình tĩnh, tìm kiếm các giải pháp hòa bình.
Chưa có giải pháp cho các tranh chấp về chủ quyền biển đảo

(SGGPO).- Ngày 26-9, bên lề Khóa họp 67 của Đại hội đồng LHQ, đang diễn ra tại New York (Mỹ), đã diễn ra các cuộc gặp gỡ và thảo luận về những tranh cãi chủ quyền giữa Nhật Bản – Trung Quốc, Nga – Nhật Bản, liên quan đến các quần đảo… Tuy nhiên, các cuộc gặp đã không đạt được bước đột phá nào. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton đã kêu gọi tất cả các bên hữu quan giữ bình tĩnh, tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản chịu trách nhiệm hoàn toàn

Ngày 26-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi đã gặp gỡ và thảo luận về tranh cãi chủ quyền liên quan đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, vấn đề đang gây căng thẳng quan hệ song phương. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền “không tranh cãi” với một số đảo ở Senkaku/Điếu Ngư.

Hai tàu đánh cá của Đài Loan (Trung Quốc) bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản chặn đường yêu cầu rời khỏi khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 25-9
Hai tàu đánh cá của Đài Loan (Trung Quốc) bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản chặn đường yêu cầu rời khỏi khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 25-9

Tân Hoa Xã dẫn lời Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói rằng “Trung Quốc sẽ không dung thứ bất cứ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản” đối với quần đảo tranh chấp, sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Nhà ngoại giao này cũng đổ lỗi căng thẳng hiện nay là do Nhật Bản châm ngòi và Tokyo phải chịu “hoàn toàn trách nhiệm” cho những gì đã làm (ám chỉ việc Nhật Bản mua một số đảo hồi đầu tháng 9).
 
Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Nhật Bản mua các đảo kể trên. Tuy nhiên, Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Gemba cho biết bầu không khí cuộc gặp, kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, “rất gay gắt”, không khí cuộc gặp cho thấy Nhật Bản rất khó tìm kiếm sự chấp nhận của Bắc Kinh đối với việc chính quyền Nhật Bản mua lại ba trong số 5 đảo chính của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phía Trung Quốc rõ ràng duy trì quan điểm cứng rắn đối với vấn đề này.
 
Trước đó, ngày 25-9, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng có tiêu đề “Điếu Ngư - Vùng lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”, trong đó khẳng định các tài liệu lịch sử cho thấy quần đảo Điếu Ngư /Senkaku được phát hiện lần đầu tiên, được đặt tên và khai thác bởi Trung Quốc.

Nga – Nhật – Hàn tăng cường cảnh giác và các cuộc tham vấn song phương

Bên lề khóa họp, Ngoại trưởng Nhật Bản và Nga cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng tại thủ đô Tokyo vào trung tuần tháng 10 tới, đồng thời tăng cường các cuộc tham vấn song phương nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ kéo dài lâu nay đối với quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc).
 
Hãng tin Yonhap ngày 26-9 đưa tin chính phủ Hàn Quốc sẽ điều tra thông tin về việc Trung Quốc quyết định sẽ tiến hành quan trắc nhằm kiểm soát đảo Ieo, một bãi đá ngầm nằm ở phía Tây Nam đảo Jeju, bằng máy bay tuần tra không người lái. Hàn Quốc đã bố trí thêm máy bay tuần tra tại căn cứ ở thành phố Yeosu, tỉnh Nam Jeolla, để tăng cường tuần tra trên vùng biển Tây Nam, bao gồm khu vực đảo Ieo, vốn đang tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc.
 
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp an ninh cấp cao để thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng trên hải giới với CHDCND Triều Tiên. Người phát ngôn Nhà Xanh, bà Lee Mi-Yon cho biết “những vấn đề liên quan tới CHDCND Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh và ngoại giao nổi bật khác sẽ được thảo luận tại cuộc họp này”.

Trước đó ngày 24-9, Tổng thống Lee Myung-bak đã cảnh báo “những đe dọa ngày càng gia tăng” đối với an ninh hàng hải của nước này xuất phát từ CHDCND Triều Tiên cũng như các tranh chấp lãnh thổ khu vực liên quan tới chuỗi đảo cô lập.

Hãng tin AFP ngày 26-9 dẫn lời Thứ trưởng Thương mại Philippines Cristino Panlilio nói rằng chính phủ nước nàyđang mời chào 15 công ty Nhật Bản với các điều kiện ưu đãi hơn các điều kiện mà họ được hưởng khi đang đầu tư ở Trung Quốc. Theo đó, để thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Philippines ưu đãi thuế quan và cam kết chống tham nhũng triệt để…Năm ngoái, cũng nhờ chính sách này, Philippines cũng đã thành công trong việc thu hút nhiều công ty Thái Lan và Nhật Bản sang đầu tư khi 2 nước này gặp khó khăn về thiên tai (động đất ở Nhật và lũ lụt ở Thái Lan).

Các công ty như Toshiba, Canon, Toyota và Hitachi đã tăng cường sự có mặt ở Philippines trong năm qua.


Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục