Chưa có “thuốc đặc trị”

Cả nước đang hân hoan chào đón năm mới 2019, vậy mà, mỗi ngày vẫn có trên dưới 30 người không bao giờ còn được trở về ngôi nhà ấm áp của mình, đồng thời, hàng chục con người sẽ phải mang thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Đó là những con số được báo trước, bởi vì, đã gần như mặc định, cứ vào dịp lễ tết, tai nạn giao thông (TNGT) lại tăng mạnh so với ngày thường, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, không khó để “chỉ mặt, đặt tên” nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng trong những ngày nghỉ lễ, tết. Từ thực tế nhiều năm làm công tác ATGT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, đã nhận định, trong số các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT tăng cao trong dịp tết, nguyên nhân hàng đầu vẫn là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, nhất là ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, tình trạng lái xe chạy quá tốc độ, vi phạm lấn làn đường, vượt xe trái quy định diễn ra phức tạp trên các tuyến quốc lộ, cao tốc. Đặc biệt, tình trạng không đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe máy diễn ra phổ biến từ thành thị đến nông thôn. 

Đã nhìn thấy nguyên nhân, ắt có giải pháp. Từ nhiều năm qua, Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành liên quan và địa phương đều có kế hoạch, có nhiều chiến dịch đảm bảo trật tự ATGT trong dịp cao điểm lễ tết. Trong đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng đều cam kết sẽ huy động tổng lực để ra quân, trong đó tập trung mạnh vào xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như sử dụng rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, chở quá số người quy định… Thế nhưng, kết quả vẫn là những con số thương vong rất cao, được lặp lại hết năm này đến năm khác. Vì sao một căn bệnh đã được xác định rõ ràng nhưng lại không có thuốc đặc trị?


Trước hết, có thể thấy rằng, TNGT vẫn tăng cao là do ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến tích cực. Vào những ngày lễ tết, khi mật độ phương tiện lưu thông tăng cao, các hành vi vi phạm trật tự ATGT lại càng nhiều. Nếu chính người tham gia giao thông không biết quý trọng mạng sống của bản thân, không nghĩ đến trách nhiệm của mình với gia đình để dũng cảm từ chối rượu bia, cẩn trọng khi điều khiển phương tiện, tuân thủ các quy định về trật tự ATGT, thì tai nạn ắt sẽ còn xảy ra. Trách nhiệm này thuộc về mỗi cá nhân, thuộc về gia đình và cả cộng đồng khi chưa đủ sức để giáo dục, cảnh tỉnh về nguy cơ TNGT và những hệ lụy của nó. Phần còn lại là trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng khi không quyết liệt, triệt để thực hiện các giải pháp đã được đề ra. Điều này có thể nhận thấy, trong dịp tết, ở nhiều địa phương, lực lượng chức năng chỉ tập trung ở một số điểm nóng, còn tại nhiều tuyến đường, kể cả quốc lộ, các tuyến giao thông nông thôn thì hầu như bỏ ngỏ. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng chủ yếu được thực hiện trong giờ cao điểm, những khung giờ khác trong ngày gần như vắng bóng lực lượng chức năng. Ông Khuất Việt Hùng cũng thừa nhận, các địa phương đều có kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, nhưng trên thực tế, có rất ít địa phương thực hiện triệt để. Chưa kể tâm lý nể nang của lực lượng chức năng khiến tình trạng vi phạm trật tự ATGT trong ngày tết không những không giảm mà còn tăng cao hơn ngày thường. Đặc biệt, việc kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng còn chưa được nghiêm túc, thậm chí, ở đâu đó, lực lượng chức năng còn dung túng, tiếp tay cho các hành vi vi phạm bằng hình thức “làm luật”, đồng nghĩa với việc “thần chết” vẫn nhởn nhơ trên mọi cung đường.

Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi đang đến gần, ai cũng có quyền ước mong về một cái tết sum họp, an lành cho gia đình và cho mọi nhà. Thế nhưng, nếu mỗi cá nhân không nhận thức rõ về những hành vi vi phạm trật tự ATGT, nếu các cơ quan quản lý không thực hiện triệt để các giải pháp đề ra thì TNGT sẽ còn tăng cao. Và như vậy, không biết đến khi nào chúng ta mới tìm được “thuốc đặc trị”cho TNGT.

Tin cùng chuyên mục