Chưa quyết liệt triển khai thu phí không dừng

Những vấn đề bất cập trong hoạt động thu phí đường bộ sẽ cơ bản được giải quyết nếu áp dụng hệ thống thu phí không dừng (ETC). Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, việc triển khai ETC vẫn đang còn trì trệ. Có nhiều lý do để biện minh cho sự chậm trễ này nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn là sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Các dòng xe chờ qua Trạm thu phí Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG ​
Các dòng xe chờ qua Trạm thu phí Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG ​
Doanh thu thu phí tự động chỉ đạt 10%

Đã hơn 3 năm kể từ ngày Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư dự án thu phí ETC giai đoạn 1 trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 có 28 trạm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được triển khai thu phí ETC. Đến tháng 3-2017, trước nhu cầu về sự đòi hỏi phải minh bạch trong thu phí các dự án đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đến hết năm 2018, toàn bộ 44 trạm BOT với trên 600 làn thu phí của các tuyến đường trên phải thực hiện ETC. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, mới chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn thu phí ETC được đưa vào vận hành.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), tiến độ này chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Với các trạm còn lại trên toàn quốc, hiện Tổng cục ĐBVN đang đốc thúc các nhà đầu tư nhưng tiến độ triển khai rất chậm, khó hoàn thành theo đúng thời hạn là cuối năm 2019.

Thông tin từ Tổng cục ĐBVN cho biết, số lượng xe đã được dán thẻ để thu phí ETC đến nay mới chỉ đạt trên 680.000 trong tổng số 3,5 triệu xe, chiếm 22%; tỷ lệ xe đã sử dụng dịch vụ thu phí ETC đạt 18% trên tổng xe đã dán thẻ; doanh thu thu phí qua ETC trung bình chỉ đạt 10% trong tổng doanh thu các trạm.

Trong khi tiến độ áp dụng thu phí ETC bị chậm trễ, những nghi ngờ về sự bất minh trong hoạt động thu phí tại các dự án đường bộ đang không ngừng tăng lên, đặc biệt, sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm Dầu Giây hôm 7-2. Trước áp lực của dư luận, Tổng cục ĐBVN vừa báo cáo lên Bộ GTVT về doanh thu của các trạm thu phí.

Theo đó, doanh thu của 63 trạm thuộc 57 dự án BOT trên cả nước đạt 12.192 tỷ đồng, bình quân các trạm thu được 537 triệu đồng/ngày. Ngay sau đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng công bố doanh thu trong dịp Tết Kỷ Hợi với 4 dự án cao tốc đều có doanh thu khủng, có dự án đạt 3-4 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, đây mới là con số báo cáo của chủ đầu tư. Doanh thu thực tế của các dự án có thể còn cao hơn nhiều, vì thực tế không ít trường hợp nhà đầu tư đã bị phát hiện gian lận, che giấu doanh thu.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN), cũng thừa nhận việc giám sát doanh thu thu phí từ trước đến nay đều dựa trên báo cáo của nhà đầu tư. Tổng cục ĐBVN chỉ giám sát định kỳ, kiểm tra đột xuất xem báo cáo đúng không, bằng các hình thức như kiểm tra ổ cứng, kiểm tra dữ liệu lưu trữ nhưng cũng rất khó phát hiện sai phạm.

Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm

Tổng cục ĐBVN cho biết sẽ mời cơ quan cảnh sát điều tra cùng phối hợp kiểm tra trạm thu phí Dầu Giây để làm rõ doanh thu của trạm này có phải là khoảng 2,2 tỷ đồng/ca như dư luận đang đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế cho một vụ việc đang gây bức xúc dư luận. Các chuyên gia giao thông khẳng định, để giải quyết dứt điểm vấn đề minh bạch trong thu phí đường bộ, giải pháp tốt nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống ETC.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, những lợi ích của việc thu phí ETC đã rõ ràng, hạn chế gian lận, giao thông thông suốt, giảm chi phí vận hành, đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát được nhà đầu tư. Điều đó đồng nghĩa với việc càng đẩy nhanh tiến độ áp dụng thu phí ETC thì những bất cập, bất minh trong hoạt động thu phí đường bộ càng sớm được giải quyết. Những vụ việc như sử dụng tiền lẻ qua trạm, cướp trạm thu phí cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ, nhất là khi doanh thu tại các trạm lên tới hàng tỷ đồng tiền mặt mỗi ngày. Vấn đề là phải nhận diện chính xác những nguyên nhân khiến tiến độ triển khai ETC bị chậm.

Là doanh nghiệp được giao thực hiện dự án ETC, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, cho biết, dự án đang gặp khó khăn do một số nhà đầu tư BOT tìm cách gây khó dễ. Một số nhà đầu tư không chịu bàn giao mặt bằng để mở rộng làn thu phí không dừng. Một số nhà đầu tư yêu cầu nghiệm thu xong chỉ số KPI (độ chính xác) mới cho triển khai tiếp nhưng lại không chấp nhận chỉ số VTEC đã nghiệm thu với nhiều nhà đầu tư BOT khác và được Tổng cục ĐBVN nghiệm thu. Trong nhiều cuộc họp đốc thúc tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đã nhận định, việc các nhà đầu tư muốn trì hoãn là do họ chưa sẵn sàng minh bạch.

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất của doanh nghiệp là hướng đến lợi ích của mình còn nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là phải đảm bảo minh bạch, công bằng. Dưới góc độ quản lý nhà nước, cái gì đúng quy định, mang lại lợi ích và sự công bằng cho xã hội thì phải mạnh tay, làm triệt để chứ không thể thỏa hiệp với doanh nghiệp.

Rõ ràng, Bộ GTVT đã nhận diện được nguyên nhân chậm tiến độ dự án ETC nhưng chưa quyết liệt xử lý. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GTVT phải có trách nhiệm với sự chậm trễ này. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo đúng lộ trình thì phải có chế tài xử lý. Nếu năng lực của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải thay hoặc yêu cầu tăng cường. Chính phủ đã có chỉ đạo, người dân đang mong muốn, dự án ETC cần phải đẩy nhanh tiến độ, số làn thu phí tự động cũng phải triển khai tối đa để phát huy hết hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thẳng thắn: “Bộ GTVT cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân tại sao các trạm BOT lại chưa thực hiện việc thu phí không dừng. Đặc biệt, cần phải làm rõ việc trì hoãn này có xuất phát từ lý do lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế của chủ đầu tư?”.

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, việc thu phí không dừng giúp tiết kiệm thời gian cho lái xe, đặc biệt là minh bạch trong việc hạch toán tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vận tải vẫn không mặn mà dù hiệp hội đã thông báo đến các thành viên nhưng vẫn chưa có ai tham gia. Nhiều chủ phương tiện lý giải là vì rất ít trạm thu phí có làn ETC, thậm chí nhiều trạm không có nên không dán. Trong khi đó, giới tài xế (lái thuê) cũng không thích giải pháp thu phí này, vì họ sẽ mất một khoảng “ăn gian” kiếm thêm được từ việc thu phí thủ công xưa nay.

Anh Nguyễn Văn Trí, chủ doanh nghiệp vận tải Phương Linh, thì ủng hộ và cho rằng: “Cơ quan chức năng cần phải quyết liệt việc triển khai thu phí tự động này. Nếu doanh nghiệp BOT nào cố tình chây ỳ trong việc triển khai thì phải có hình thức xử lý nghiêm”.                           

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục