Chữa ung thư bằng Đông y?

Nhiều bệnh nhân ung thư quá mệt mỏi, tuyệt vọng đã từ bỏ các khái niệm hóa trị, xạ trị... để quay lại với y học cổ truyền bằng cách ăn gạo lứt muối mè, châm cứu, uống thuốc nam... Bệnh chưa thấy khỏi nhiều người đã “ra đi” chẳng nhẹ nhàng vì quá kỳ vọng...
Chữa ung thư bằng Đông y?

(SGGP-TB).- Nhiều bệnh nhân ung thư quá mệt mỏi, tuyệt vọng đã từ bỏ các khái niệm hóa trị, xạ trị... để quay lại với y học cổ truyền bằng cách ăn gạo lứt muối mè, châm cứu, uống thuốc nam... Bệnh chưa thấy khỏi nhiều người đã “ra đi” chẳng nhẹ nhàng vì quá kỳ vọng...

Ăn gạo lứt, châm cứu, uống thuốc nam

Bệnh nhân Đ.N.T. (Vũng Tàu) được phát hiện ung thư vùng họng hầu cách đây một năm. Chị kể, đang nằm ngủ bỗng nhiên thấy khó thở, chị choàng dậy và thấy máu mũi chảy ròng ròng ướt cả giường, mặt mày choáng váng. Gia đình vội đưa chị đi cấp cứu. Bệnh viện phát hiện chị có một khối u ác tính vùng hầu họng và yêu cầu chị phải xạ trị ngay.

Chuẩn bị xạ trị, các bác sĩ phải nhổ của chị năm chiếc răng hàm. Đến ngày xạ trị chị lại bị hoãn vì quá tải bệnh nhân. Trong lúc chờ đến lượt mình, chị chứng kiến tận mắt các bệnh nhân ung thư đau đớn, quằn quại sau xạ trị. Hoảng quá, chị nhất định xin về. “Xạ trị hại sức khỏe lắm. Càng xạ càng… chết dần chết mòn. Sạt nghiệp luôn mà có hết bệnh đâu? Tui không biết nên mới cho họ nhổ hết răng. Giờ không ăn uống gì được, làm sao sống, làm sao trị hết bệnh!” – chị T. nói.

Theo sự giới thiệu của một người bạn, chị tìm đến một cơ sở y học cổ truyền để điều trị ung thư. Thực đơn hàng ngày của chị là hai bữa cơm gạo lứt, muối mè và các loại rau, củ. Mỗi ngày chị được các thầy thuốc cho uống hai chai thuốc nam được sắc sẵn, “có khả năng hủy diệt khối u, chữa lành ung thư”.

Cùng nằm điều trị với chị T. là hai bệnh nhân ung thư phổi đã hóa trị nhiều lần. “Lúc trước tôi không biết nên mới đi hóa trị, tốn tiền mà chẳng khỏi bệnh. Khi sang đây tôi mới biết bệnh này, chỉ có Đông y mới chữa được”. Các cô giảng giải theo lời thầy thuốc: “Chữa ung thư giống một trận chiến. Trong đó, hóa trị, xạ trị chẳng qua là phương pháp đánh “độc” toàn thân. “Quân cướp” (các tế bào ung thư) thì không diệt hết mà còn khiến “quân ta” (các tế bào lành) cũng bị thương tổn. Một lúc nào đó, “quân cướp” sẽ lợi dụng thời cơ để tấn công trở lại. Còn Đông y là dùng nội lực, tăng cường miễn dịch để chống trả. Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh thì cơ thể sẽ ngăn chặn được mọi bệnh tật, kể cả ung thư!” Hai cô cho biết, đã ngừng hóa trị để chuyển hẳn sang trị ung thư bằng Đông y.

Không ít bệnh nhân ung thư đã bị các bệnh viện “chê” cũng đến đây để tìm liệu pháp tinh thần: “Được ngày nào hay ngày nấy!” Tại đây, mỗi sáng các bệnh nhân được các thầy thuốc châm cứu để thông huyệt đạo, được ăn theo chế độ ăn kiêng với gạo lứt muối mè và uống thuốc nam để “sống chung” với ung thư. Họ lập luận: “Trước sau gì cũng chết. Hóa trị, xạ trị hay mổ xẻ cũng không cứu được. Theo Đông y, nếu có “ra đi” cũng nhẹ nhàng, không đau đớn!!”.

“Sống chung” với ung thư?

Nhiều bệnh nhân ung thư ở BV Ung bướu TPHCM

Nhiều bệnh nhân ung thư ở BV Ung bướu TPHCM

Cách đây hai năm rưỡi, bệnh nhân N.V.T. (Bến Tre) được chẩn đoán bị ung thư gan. Chạy chữa khắp các bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Ung Bướu… vẫn bó tay vì bệnh đã vào giai đoạn cuối. Anh quyết định trở về với y học cổ truyền. Từ hai năm nay, anh chỉ toàn uống thuốc nam, ăn chay và luyện… khí công để chống chọi với ung thư.

Ban đầu, chỉ uống thuốc nam do các thầy ở Bến Tre kê toa, anh mua về tự sắc uống. Thấy cũng không đỡ, nghe ở TPHCM có cơ sở y học cổ truyền trị ung thư bằng Đông y, anh khăn gói lên khám. Được các thầy thuốc gieo hy vọng, anh mua hàng tá thuốc về uống, mong khỏi bệnh.

Đến đầu tháng 3-2010, bệnh anh bỗng tái phát dữ dội, bụng căng trướng. Anh vội từ Bến Tre lên TPHCM khám, lấy thuốc uống tiếp nhưng lần này bệnh trở nặng, anh phải nằm lại điều trị. Sau hai ngày uống thuốc nam tại đây, anh rơi vào hôn mê, cơ thể hoàn toàn suy kiệt vì một thời gian dài chỉ toàn ăn rau, củ không đủ dưỡng chất. Người nhà vội chuyển sang Bệnh viện Bình Dân, một tuần sau anh qua đời trong đau đớn. Chẩn đoán tại BV Bình Dân là vỡ khối u gan.

Không chỉ anh T., nhiều bệnh nhân ung thư cũng hy vọng khỏi bệnh nhờ phương pháp tăng cường nội lực. Một số bệnh nhân ở đây cho biết, cứ “bấu được gì thì bấu”. Khi nào ở đây không chữa được thì họ chuyển sang… bệnh viện khác. “Ở đây theo Đông y, đâu có đủ dụng cụ mổ xẻ. Chuyển sang bệnh viện khác tiếp máu, đỡ đỡ rồi lại qua đây chữa tiếp!” – nhiều bệnh nhân ung thư ở đây “hồn nhiên” nói. Trong khi đó, một bác sĩ hồi sức cấp cứu ở một bệnh viện lớn tại TPHCM cho biết, nhiều bệnh nhân ung thư “mù quáng” theo chế độ ăn kiêng để trị ung thư đến kiệt sức, thời gian sống rút ngắn lại. Nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển viện đã bị suy kiệt đến mức không còn hồi sức được nữa!

Đông y có trị được ung thư?

Theo một vị GS.BS đầu ngành về ung thư, đúng là một số bài thuốc Đông y có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, nhưng đây chỉ là hỗ trợ điều trị, chứ không thể chữa khỏi hẳn bệnh. Các bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị sở dĩ luôn cảm thấy mệt mỏi vì lượng hồng cầu sụt giảm rất nhiều sau mỗi lần trị liệu. Trong khi đó, các bài thuốc Đông y chủ yếu là thuốc mát, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thậm chí tăng lượng hồng cầu nên khiến cơ thể dễ chịu tạm thời. Nhưng đây không phải là phương pháp để chữa khỏi ung thư.

PGS.BS Nguyễn Thị Bay, giảng viên khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TPHCM kể trường hợp một bệnh nhân nữ 48 tuổi mắc ung thư cổ tử cung nhưng không cho phẫu thuật mà quyết định chữa theo Đông y. Các thầy thuốc Đông y đã phải ra sức thuyết phục bệnh nhân nên theo cách điều trị y học hiện đại, còn thuốc Đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ. Cuối cùng, bệnh nhân đã chấp nhận phẫu thuật, xạ trị. Sau đó, được hỗ trợ điều trị bởi Đông y.

Đến nay, bệnh nhân đã 65 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Theo BS Bay, từ xưa thầy thuốc đã ghi nhận những trường hợp bệnh có biểu hiện lâm sàng như ung thư ngày nay. Tuy nhiên, các bệnh đã được ghi nhận đó có phải là ung thư vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào kết luận.

Qua khảo sát tư liệu, có 60 bài thuốc được sử dụng điều trị các chứng có các biểu hiện lâm sàng ung thư. Riêng về khả năng điều trị ung thư của các bài thuốc Đông y, cần phải được sàng lọc, nghiên cứu tiếp tục. Không nên khuyến khích sử dụng những phương pháp chưa được chứng minh khoa học. Thuốc Đông y chỉ có thể hỗ trợ trong trường hợp phát hiện ung thư giai đoạn muộn nhưng còn khả năng sử dụng các phương pháp điều trị của y học hiện đại.

Ở các bệnh nhân này nên điều trị bằng y học hiện đại, kết hợp thêm thuốc y học cổ truyền để hỗ trợ, khắc phục những tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị như nôn, tiêu chảy, suy kiệt... Riêng ung thư giai đoạn sớm phải triệt để tuân thủ các phương pháp điều trị bằng y học hiện đại.

Hải Minh

Tin cùng chuyên mục