Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Công nghiệp 4.0 làm thay đổi căn bản xã hội

“Việt Nam đang đứng trước một áp lực rất mạnh mẽ về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây không chỉ là áp lực riêng cho Việt Nam, mà còn là áp lực có tính phổ biến toàn cầu, nhất là đặt ra những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực đối với các nước đang phát triển, hoặc đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, thay đổi cơ chế quản lý - như ở Việt Nam chúng ta”.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, mở đầu cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP như vậy khi đề cập đến nội dung của loạt bài Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? đăng tải trên báo SGGP những ngày qua. Ông nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra một loạt vấn đề về phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay.

Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Công nghiệp 4.0 làm thay đổi căn bản xã hội ảnh 1 Giáo sư Hoàng Chí Bảo
 Bùng nổ dữ dội về thông tin
PHÓNG VIÊN: Thưa giáo sư, trong thực tế nhiều người còn chưa hiểu về công nghiệp 4.0?
Giáo sư HOÀNG CHÍ BẢO: Đúng là nhiều người chưa hiểu về công nghiệp 4.0 là gì, thậm chí còn có cách hiểu rất sai lệch. Hãy nhìn lại ở nước ta sẽ thấy rõ. Khi bước vào đổi mới, nước ta rất ngỡ ngàng với nền kinh tế thị trường, rồi sau đó lại đến kinh tế tri thức và bây giờ lại là nền kinh tế số, chính phủ điện tử, trí tuệ nhân tạo… để thúc đẩy quá trình toàn dân khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, nhất là đối với thế hệ trẻ.
So với các nước, Việt Nam là nước đi sau, đến muộn trong nền kinh tế thị trường, mà chuyển được từ nền kinh tế cũ hiện vật, tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường phát triển như ngày nay là cả một thành công lớn của Đảng ta trong đổi mới tư duy kinh tế, của Chính phủ trong điều hành tổ chức sản xuất và kinh tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập như hiện nay, khi Việt Nam đang hướng đến phát triển bền vững và hiện đại hóa, thì sự quan tâm của toàn xã hội, mà trước hết của các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có đội ngũ trí thức về công nghiệp 4.0 là rất cần thiết. Nó đang là vấn đề rất thời sự, rất nóng hổi trong tư duy, trong thiết kế chương trình hành động và trong việc tìm tòi các giải pháp đột phá để phát triển. 
Công nghiệp 4.0 tác động như thế nào đối với Việt Nam hiện nay, thưa giáo sư?
Công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến đảo lộn về sự phát triển của sản xuất và lực lượng sản xuất, tác động đến cả hệ thống quản lý - không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội. Nó làm thay đổi một cách căn bản phong cách sản xuất, phong cách lao động, phong cách công tác, làm việc, kể cả ứng xử giữa người với người. Người ta gọi nó là sự bùng nổ dữ dội về thông tin. Một dòng thác thông tin mãnh liệt có thể chảy với một tốc độ gia tốc cực kỳ lớn, mà nếu con người không nắm bắt kịp thời tri thức mới thì sẽ bị đào thải trước sự phát triển rất đột biến, mau lẹ của tình hình thế giới cũng như của từng lĩnh vực chuyên môn.
Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, chưa thành thạo nghề nghiệp của chúng ta còn là một con số rất lớn. Đấy là điều lo ngại, là thách thức dữ dội khi chúng ta đã ở trên ngưỡng cửa của công nghiệp 4.0. Thậm chí, công nghiệp 4.0 bây giờ đã tràn vào đời sống xã hội rồi, nhất là trong sản xuất, trong hoạt động kinh tế. Trước tiên là sự thay đổi về tư duy. Mọi người phải có những cách suy nghĩ mới, cách tiếp cận mới và tìm ra một giải pháp mới cho một việc làm, một hoạt động cụ thể. Công nghiệp 4.0 không để cho ai tự bằng lòng với những hiểu biết, những kiến thức đã có, vì nó rất nhanh chóng trở thành lạc hậu.
Do đà phát triển của thông tin, cho nên mỗi một văn bằng, chứng chỉ thì tuổi thọ trở nên rất ngắn. Những kiến thức đã có trước đây, kể cả những kiến thức được đào tạo cơ bản ở trình độ cao, nếu không cập nhật thông tin, không làm mới thông tin, không làm thay đổi được chiều hướng tư duy, phương pháp tư duy thì sẽ trở thành lạc hậu. Như thế, tất yếu sẽ bị đào thải khỏi công việc, khỏi chỗ làm việc. Với công nghiệp 4.0, tự con người phải làm mới tư duy của mình. Phát triển bền vững bây giờ không phải chỉ trên 3 chiều là kinh tế, xã hội và môi trường, mà còn vấn đề văn hóa nữa. 
Biến thách thức thành thời cơ
Đã có những dự báo chưa sát với công nghiệp 4.0. Điều này có đúng không, thưa giáo sư?
Công nghiệp 4.0 tác động đến tư duy của đội ngũ chuyên gia, của những nhà lãnh đạo quản lý, tư duy của doanh nghiệp, doanh nhân. Thành hay bại, lỗ hay lãi, nhanh hay chậm, tiến kịp với thời đại hay bị tụt lùi lại phía sau, chính là từ giải pháp tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống và gắn liền với cả dự báo. Công nghiệp 4.0 đặt vào tất cả máy móc, kỹ thuật công nghệ sự thay đổi nhanh chóng, do luôn có thế hệ công nghệ mới. Cho nên phải có đầu óc tiên liệu, dự báo trước để không bị động, không chậm trễ. Tư duy dự báo, tư duy chiến lược trở thành sức mạnh có tính ưu thế đối với các đối thủ cạnh tranh với nhau. Dự báo đúng hay sai, nhanh hay chậm tùy thuộc vào giải pháp sáng tạo.
Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Công nghiệp 4.0 làm thay đổi căn bản xã hội ảnh 2 Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (Khu Công nghệ cao TPHCM), nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho công nghiệp 4.0
Có phải chúng ta đã chậm trễ trong phát triển nguồn nhân lực cho yêu cầu của công nghiệp 4.0? 
“Công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp vào khâu quản lý, lãnh đạo, đặt ra cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan hành chính phải thích nghi với đời sống hiện đại, với vai trò chủ động, chủ đạo của công nghệ. Sự phát triển của công nghiệp 4.0 buộc chúng ta phải tăng nhanh cải cách hành chính, tạo ra nền hành chính công minh bạch, thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các chính sách về kinh tế, xã hội, các cơ chế thúc đẩy tính tích cực của con người, các chế tài để xử lý các tình huống của xã hội hiện đại cần được thể chế hóa cho phù hợp với điều kiện của công nghiệp 4.0” - Giáo sư Hoàng Chí Bảo.
Quá chậm trước đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực hoàn toàn mới của công nghiệp 4.0. Trong điều kiện công nghiệp 4.0, rất nhiều ngành nghề cũ bị mất chỗ đứng, hoặc không tồn tại nữa. Đặc biệt, những nghề lao động cơ bắp, thủ công truyền thống trước đây sẽ biến mất. Ngay như làm nông nghiệp cũng trở thành ngành kinh doanh, nhà nông có trí tuệ để xây dựng các trang trại, gia trại hiện đại, bảo đảm đầu ra các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, phù hợp với cạnh tranh của thế giới.

Có thể nói, lao động chất xám, lao động trí tuệ, lao động làm chủ công nghệ hiện đại đang là yêu cầu có tính phổ biến, thay thế cho lao động giản đơn, lao động cơ bắp, học vấn thấp, kỹ năng nghề nghiệp kém. Đảng ta đã thừa nhận có 3 điểm nghẽn cản trở phát triển, đó là: Về thể chế kinh tế; về hạ tầng kỹ thuật công nghệ và về chất lượng thấp của nguồn nhân lực. Đảng có yêu cầu phải đột phá chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải cách giáo dục đào tạo bậc đại học và dạy nghề.

Với công nghiệp 4.0, nếu ta nhận thức đúng thì đây là một thách thức. Nếu ta biết cách xử lý thì từ thách thức trở thành thời cơ. Nếu thời cơ bị bỏ lỡ thì thách thức sẽ gay gắt hơn. Công nghiệp 4.0 vừa đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, vừa tạo ra những tiền đề rất thuận lợi để thế hệ trẻ tự mình thông qua đào tạo, giáo dục có thể trở thành một sản phẩm của đội ngũ lao động chất lượng cao. Làm được điều này, chúng ta sẽ biến tiềm năng thành tiềm lực, biến trữ năng thành thực lực, để có thể đứng vững trong cuộc đua của thế giới với sức đẩy của công nghiệp 4.0. 

Bài toán nguồn nhân lực thông qua giáo dục - đào tạo được đặt ra như thế nào, thưa giáo sư?

Thứ nhất, đó là giáo dục đại học phải là nơi cung cấp trực tiếp nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải chú trọng đến phương pháp và phong cách, tư duy sáng tạo. Phải điều chỉnh lại cấu trúc, chương trình, nội dung kiến thức của từng môn học, để đảm bảo sự phát triển cân đối giữa tri thức cơ bản hàn lâm với tri thức có tính hướng nghiệp và rèn luyện nghề, để người học ra trường đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thứ hai, chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc vào các yếu tố trình độ của người thầy và khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học. Đây là 2 nhân tố tác động trực tiếp vào chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ ba, phải tăng tự chủ cho các trường đại học. Tự chủ về chuyên môn, về tài chính, về thi cử, đánh giá, sử dụng… Phải sớm sửa Luật Giáo dục đại học, để cung cấp công cụ pháp lý cho việc tự chủ của các trường. Mặt khác, phải thay đổi căn bản tâm lý xã hội về việc coi đại học mới là nơi thể hiện được giá trị, ý nghĩa cuộc sống, dẫn đến xem thường học nghề. Phải tăng cường xu hướng làm thợ, làm thợ trí tuệ, biết tôn trọng người thợ, tôn trọng trường dạy nghề. 

Giải pháp cơ bản nữa là thực hiện một cách hợp lý và hiệu quả sự kết hợp giữa trường đại học và viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nơi tiếp nhận sản phẩm, trường đại học là nơi đào tạo, viện là nơi nghiên cứu để thúc đẩy đào tạo. Liên kết tam giác này giúp đội ngũ công nhân lao động của chúng ta hội nhập nhanh hơn với công nghiệp 4.0.  

Xin cảm ơn giáo sư! 

Tin cùng chuyên mục