Chuẩn bị tâm thế hội nhập thị trường ASEAN

Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước năm 2017 ước đạt 35,2 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2016. 
Mặt hàng cà phê tận dụng được ưu đãi 100% thuế khi xuất khẩu sang các nước ASEAN Ảnh: CAO THĂNG
Mặt hàng cà phê tận dụng được ưu đãi 100% thuế khi xuất khẩu sang các nước ASEAN Ảnh: CAO THĂNG
Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu có xu hướng chuyển dịch sang các nước mà Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thương mại (FTA), đặc biệt là thị trường ASEAN, với các hiệp định đã có hiệu lực.
Mở rộng thị phần tại ASEAN
Theo Sở Công thương TPHCM, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA; trong đó, 10 FTA đã có hiệu lực liên quan đến khu vực ASEAN, gồm: ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản... Các FTA này đã góp phần tích cực trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sang thị trường ASEAN. Song song đó, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng đã góp phần thúc đẩy cải thiện nội lực của doanh nghiệp Việt, tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt và giảm sự phụ thuộc vào một số ít thị trường. 
Dẫn chứng cụ thể, các chuyên gia nhấn mạnh, hiện khu vực ASEAN đã hài hòa 200 bộ tiêu chuẩn liên quan đến các lĩnh vực như điện - điện tử, thực phẩm chế biến, nông sản… Đây là những thành tựu quan trọng về cơ chế đồng công nhận tiêu chuẩn mà các nước trong khu vực ASEAN đã đạt được trong năm 2017. Thành tựu này đã giúp doanh nghiệp nội mở rộng thị trường và tăng tỷ lệ xuất khẩu hàng sang các nước trong khu vực. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN tăng gần 12,4 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên gần 20 tỷ USD trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN tận dụng cơ chế thuế quan ưu đãi chiếm từ 20% - 50%, tùy mặt hàng và thị trường. Trong đó, mặt hàng cà phê được tận dụng 100%. Tiếp theo có thể kể đến các mặt hàng giày dép, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm hơn 90%. Còn lại, mặt hàng thủy hải sản, rau quả, sắt thép… chiếm hơn 70%. Ngoại trừ số ít sản phẩm như máy móc, dây điện, dây cáp điện, cao su và sản phẩm cao su… tận dụng ít lợi thế ưu đãi, chiếm khoảng hơn 20%. Các thị trường doanh nghiệp tận dụng được nhiều ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa là Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan... 
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, theo lộ trình cam kết, giai đoạn 2017 - 2020, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó có thể tận dụng lợi thế của thị trường ASEAN về mặt địa lý, tương đồng thói quen tiêu dùng, chi phí sản xuất...
Tăng khả năng tận dụng thuế ưu đãi 
Theo nhiều doanh nghiệp Việt, các FTA đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở ra nhiều thị trường mới, giảm tình trạng xuất khẩu phụ thuộc vào một số thị trường, nhưng cũng đặt ra những đòi hỏi khắt khe cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng khả năng thích ứng nhanh và giải quyết ngay các vấn đề đáp ứng tiêu chí truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu... Bởi với 98% dòng thuế giảm về 0%, độ mở thị trường lớn sẽ dẫn đến mức độ cạnh tranh cao giữa hàng hóa sản xuất trong nước với làn sóng hàng ngoại tại thị trường nội địa. Những ngành được đánh giá sẽ chịu tổn thương lớn nhất gồm nông nghiệp, chế tạo và sản xuất chế biến thực phẩm, xăng dầu... 
Ông Vũ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TPHCM), nhấn mạnh nhiều FTA mà Việt Nam tham gia không chỉ đặt ra thách thức cho doanh nghiệp nội địa mà kể cả nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam. Điển hình, đối với ngành công nghiệp đồ uống, nếu trước đây có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu, thì thời gian tới thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Ngoài ra, đây cũng là một trong những ngành hàng thường xuyên đối mặt với vấn nạn hàng nhập lậu, hàng giả. Riêng 2 mặt hàng được cảnh báo sẽ bị cạnh tranh gay gắt, bắt đầu từ đầu năm 2018 là ô tô và đường cát, do 2 sản phẩm này vốn là lợi thế của một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia...
Đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên mặt trận hội nhập thị trường ASEAN, ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng ASEAN (Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương), cho rằng nguyên nhân doanh nghiệp cảm thấy gặp rất khó khăn là do một phần doanh nghiệp nội chưa có bước chuẩn bị kỹ cho quá trình hội nhập, vẫn sản xuất kinh doanh những mặt hàng dễ bị cạnh tranh bởi doanh nghiệp trong khu vực. Không dừng lại ở việc cạnh tranh hàng hóa, những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt còn là những vấn đề cạnh tranh về năng lực lao động và việc làm. So với trình độ lao động Việt Nam, lao động các nước trong khu vực có lợi thế hơn về trình độ, kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ… Mặt khác, tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nội lực sản xuất của doanh nghiệp Việt. 
Chính vì vậy, về lâu dài để thích ứng với độ mở của thị trường ASEAN trong thời gian tới, một số chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu lợi thế của xuất khẩu cũng như cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh cho những mặt hàng dễ bị tổn thương bởi hàng ngoại nhập. Về phía các cơ quan chức năng cần thiết phải đẩy nhanh hiệu quả của việc đơn giản thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất.
Ông Vương Đức Anh, Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết thêm bộ này đã và đang thực hiện minh bạch quy trình, thủ tục để cấp chứng nhận ưu đãi về các quy tắc xuất xứ (C/O) trên hệ thống thông tin điện tử. Hiện trung bình Tổng cục Hải quan cấp C/O đạt 5.000 - 6.000 bộ/ngày, tăng trung bình 15% - 20% so với thời gian trước đây. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại TPHCM với 1.500 bộ/ngày; Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương khoảng 600 bộ/ngày. Riêng số lượng cấp C/O điện tử là 650.000 bộ/ngày. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ hướng đến cho phép doanh nghiệp tự thực hiện, tự chứng nhận C/O để gia tăng nội lực cạnh tranh và rút ngắn thời gian xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp trong nước.

Tin cùng chuyên mục