Chuẩn hóa đơn vị

Nhiều người tưởng rằng số giày dép đã được quy chuẩn để thống nhất số (cỡ) được tính toán trên cơ sở của chiều dài và chiều ngang của chân với những người có bàn chân bình thường. 

Thế nhưng ở nước ta, các nhà sản xuất khác nhau hình như có cách tính size khác nhau, nên với cùng một số giày mà lại không đồng nhất về kích cỡ. Số áo quần may sẵn cũng vậy. Chỉ căn cứ size S, M, L, XL, XXL thì mới không có sự khác biệt đáng kể, chứ căn cứ size bằng số thì lắm khi mua đúng số áo quần của mình lại không mặc vừa.

Thương mại hiện đại nên được quy chuẩn chặt chẽ, để việc buôn bán được chính xác, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nên đưa về các đơn vị đo lường chính xác theo hệ tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Riêng hệ tiêu chuẩn Việt Nam phải được xây dựng chặt chẽ, hợp lý với thông lệ thương mại quốc tế và dung hòa được đặc thù thương mại của Việt Nam. Cũng cần có quy định bắt buộc nhà sản xuất phải thực hiện đúng quy chuẩn một cách thống nhất. Khi đó, người tiêu dùng sẽ không phải phân vân cỡ giày số 34 của doanh nghiệp này có khác với cỡ 34 của doanh nghiệp khác hay không; hay áo size L của Việt Nam sản xuất có khác với áo size L nhập khẩu. 

Việc chuẩn hóa phải được tính toán thận trọng để không quá cứng nhắc mà cũng không trở nên tùy tiện. Chẳng hạn, dù giày dép cỡ 42 của các hãng khác nhau về cơ bản sẽ có kích thước chiều ngang, chiều dọc tương đương nhau, tuy trong điều kiện nhiệt độ, khí hậu nhất định nào đó có thể có sự sai lệch và sai số (theo điều kiện khách quan và chất liệu) nhưng phải trong một khung hẹp để tránh tạo ra sự cách biệt lớn. Không riêng gì quần áo, giày dép, các mặt hàng khác cũng cần có quy chuẩn và với các thiết bị, phụ tùng kỹ thuật, độ “khớp” (chính xác) của hàng cùng loại, dù cho hãng nào.

Tin cùng chuyên mục