Chuẩn hóa, lành mạnh thị trường thực phẩm chức năng

Nghị định 15/2018-NĐ/CP vừa có hiệu lực quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) phải có chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). 
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan

Đây được xem là công cụ để cơ quan chức năng siết chặt quản lý đối với TPCN nhưng cũng vừa tạo điều kiện cho ngành sản xuất TPCN phát triển bền vững, bảo vệ người tiêu dùng. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM xung quanh vấn đề này.

 PHÓNG VIÊN: Thưa bà, việc bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN phải đạt chứng nhận GMP có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

 PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN: GMP (Good Manufacturing Practices) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, bao gồm những nguyên tắc, quy định về điều kiện sản xuất, áp dụng cho các cơ sở sản xuất thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế... nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn GMP được áp dụng lần lượt cho sản xuất thuốc, mỹ phẩm, và Nghị định 15/2018-NĐ/CP đã quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn GMP cho tất cả các cơ sở sản xuất TPCN kể từ ngày 1-7-2019. Việc yêu cầu sản xuất TPCN phải đạt GMP đồng nghĩa với các tiêu chuẩn để sản xuất mặt hàng này nghiêm ngặt như đối với thuốc chữa bệnh. Việc chuẩn hóa điều kiện sản xuất là rất cần thiết, góp phần cơ bản vào việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, bởi TPCN ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (có thể coi nôm na là thuốc bổ) nên phải có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn là thực phẩm thông thường.

Thông qua quá trình thẩm định và tái thẩm định công nhận đạt chuẩn GMP từ cơ quan quản lý, cơ sở có trách nhiệm duy trì bảo đảm các quy trình tiêu chuẩn của GMP và chịu sự hậu kiểm thanh tra, bị rút giấy chứng nhận GMP nếu vi phạm. Và chỉ có những sản phẩm bảo đảm chất lượng mới được phép lưu hành. Số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN ở nước ta không đạt chuẩn GMP.

 Lâu nay, TPCN bị cho là “thả nổi” quản lý. Với Nghị định 15/2018-NĐ/CP, việc quản lý loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe này đã đủ “chặt” chưa, thưa bà?

 Thị trường TPCN đã bùng nổ những năm gần đây, với hơn 10.000 loại sản phẩm và gần 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh. Thật sự việc quản lý TPCN đang đứng trước rất nhiều thách thức, gần như đang phải chạy theo thị trường. Mặc dù vậy, trong các quy định pháp luật về thực phẩm, TPCN đang được quy định nghiêm khắc nhất, thí dụ như TPCN vẫn được thẩm định hồ sơ và xác nhận công bố tại Cục ATTP chứ không do doanh nghiệp tự công bố như các thực phẩm khác. TPCN phải đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất, các quy định quảng cáo TPCN cũng được siết chặt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại những cơ sở sản xuất theo “công nghệ xô chậu” và quảng cáo quá mức về công dụng.

Ngoài tiêu chuẩn GMP trong sản xuất, theo tôi cần lưu ý thêm về điều kiện kinh doanh, nhất là kinh doanh TPCN qua mạng để giải quyết vấn nạn TPCN giả. Bên cạnh tính hợp pháp của các trang điện tử, cần công khai số công bố của sản phẩm, đơn vị sản xuất và phân phối. Việc quảng bá TPCN thông qua hội thảo, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cũng phải siết chặt hơn để người dân không hiểu lầm TPCN là thuốc chữa bệnh.

 Để quản lý TPCN hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Ban quản lý ATTP TPHCM có kế hoạch thanh, kiểm tra đối với việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này như thế nào?

 Ban quản lý ATTP đã và đang có kế hoạch tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN trên địa bàn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, không đạt GMP, không đạt điều kiện tối thiểu về vệ sinh ATTP. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh tra việc kinh doanh phân phối TPCN, nhất là mua bán không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, Ban quản lý ATTP đã thành lập tổ công tác thường trực rà soát và xử lý các vi phạm về quảng cáo TPCN. Chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt hơn trong thời gian tới để trả lại sự lành mạnh cho thị trường TPCN, khuyến khích các cơ sở chân chính với các sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp, cơ sở là ý thức được mình đang sản xuất kinh doanh sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Thị trường TPCN còn rất tiềm năng, sẽ luôn có cơ hội cho những sản phẩm chất lượng và an toàn. Thời gian qua, bên cạnh những cơ sở mọc như nấm sau mưa ăn theo phong trào “công nghệ xô chậu” thì vẫn có các đơn vị âm thầm đầu tư công nghệ GMP để sản xuất TPCN bảo đảm chất lượng. Hiện nay, với việc luật hóa điều kiện GMP trong sản xuất chính là tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sản xuất TPCN phát triển bền vững, bảo vệ người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục