Chùm sách chào mừng ngày 30-4

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đơn vị xuất bản trong nước đồng loạt giới thiệu nhiều đầu sách chủ đề chiến tranh cách mạng, xây dựng đất nước. 
Chùm sách chào mừng ngày 30-4

Trong đó, nhiều tác phẩm đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng sống động, chân thực và gần gũi.

Ấn phẩm về cuộc chiến tình báo

Những điệp viên may mắn là tác phẩm mới của NXB Trẻ, xuất bản chào mừng dịp lễ lớn 30-4 năm nay. Tác giả cuốn sách Nguyễn Văn Tàu cũng chính là một chiến sĩ của Cụm tình báo H.63, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, làm nhiệm vụ bám trụ tại vùng đất thép Củ Chi những năm chiến tranh vô cùng ác liệt. Với tư cách một nhân chứng lịch sử, tác giả đã ghi lại những mẩu chuyện vui, buồn, nguy hiểm trong cuộc đời làm tình báo của bản thân cũng như của đồng đội. Trong đó, có câu chuyện về nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, nữ điệp viên Tám Thảo - thư ký của viên sĩ quan tình báo hải quân Mỹ, nữ anh hùng Nguyễn Thị Ba - người giữ liên lạc hàng tuần với điệp viên Phạm Xuân Ẩn, nữ giao thông viên tình báo Minh Tâm - người bị bọn mật vụ dùng kim đóng xuyên qua móng tay… Những câu chuyện đã tái hiện lại hình ảnh quân dân gắn bó trong suốt mấy mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Một minh chứng cho thấy nếu không có sự gắn bó quân dân thì khó lòng có những chiến công lừng lẫy của ngành tình báo.

Cũng với chủ đề này, Công ty Văn hóa Trí Việt cùng NXB Tri thức đã gửi đến bạn đọc một ấn phẩm đặc biệt, tác phẩm Một người Việt trầm lặng (tựa gốc tiếng Pháp: Un Vietnamien bien tranquille) của Jean-Claude Pomonti. Đây là tác phẩm viết về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn với một cách thể hiện mới lạ, độc đáo. Cuộc đời, lý tưởng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn hiện lên phía sau những dòng chữ đầy sống động, làm bật lên sự nhân ái, thành tín với bạn bè, đồng nghiệp không phân biệt chiến tuyến. Một điều khá đặc biệt là cùng với việc miêu tả nhân vật, tác giả cũng mô tả đời sống Sài Gòn thập niên 1960-1970, một mảng tư liệu miền Nam thời chiến rất quý giá. Jean-Claude Pomonti từng là phóng viên thường trú của tờ Le Monde (Pháp) ở Sài Gòn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ông đã từng bị chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi miền Nam hai lần, vào các năm 1973 và 1974.

Những người góp phần làm nên lịch sử

NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM (VHVN TP) giới thiệu một chùm sách về các lực lượng chiến đấu, các anh hùng góp phần mang đến chiến thắng lịch sử 1975. Mở đầu trong số đó là Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 _ 1975). Đây được xem là một tác phẩm đặc biệt bởi nó do chính vị tư lệnh lực lượng, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hùng, bí danh là Tư Chu (1928 - 2012) thực hiện. Được xuất bản dạng song ngữ, tác phẩm giúp bạn đọc trong nước và thế giới hiểu thêm về một lực lượng chiến đấu đặc thù trong kháng chiến chống Mỹ. Những chi tiết, thông tin trong sách trở thành nguồn tư liệu quý giá nhằm chuẩn bị cho một công trình tổng kết đầy đặn về các đơn vị chiến đấu đặc biệt trong lòng địch giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Bà Đại tá (NXB VHVN TPHCM) là cuốn hồi ký đầy đủ nhất về người nữ kiệt miền Đông Hồ Thị Bi. Qua ghi chép của tác giả Võ Trần Nhã, người nữ anh hùng hiện lên từ tuổi thơ gian khó đến những ngày tháng chiến đấu vì dân tộc và cả những năm tháng hòa bình, góp phần xây dựng đất nước. 

Nữ tướng Lương Hoa cũng là một ấn phẩm ra mắt dịp này của NXB VHVN TPHCM. Ấn phẩm dạng bút ký do nhà văn Thanh Giang thực hiện trong nhiều năm, khắc họa chân dung vị nữ tướng tài ba của nước ta, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Đằng sau những vinh quang, chiến công như huyền thoại còn có những đau thương, mất mát, trăn trở mà trong suốt cuộc đời mình, bà không thể nào quên. Đó là nỗi đau mất chồng, mất con, là trách nhiệm với bà con từng cưu mang đùm bọc bà, chở che cách mạng và biết bao gia đình đồng chí, đồng đội khác…

Tư liệu đặc biệt về chiến tranh

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn Trần Mai Hạnh (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) ngay khi ra mắt đã tạo dấu ấn mạnh bởi lối thể hiện dạng tiểu thuyết tư liệu lịch sử. Những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia (Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ) cùng những tư liệu tác giả viện dẫn trong cuốn sách gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, có độ chính xác và tin cậy cao. Tác phẩm ra mắt lần đầu năm 2014 và liên tục giành được nhiều giải thưởng lớn như “Giải thưởng Văn học năm 2014” của Hội Nhà văn Việt Nam, “Giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN)”. Trước những giá trị của tác phẩm, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định dịch Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sang Anh ngữ “nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới”. 

Nhật ký chiến trường của liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (NXB VHVN TPHCM) là một tác phẩm đặc biệt, ghi chép lại sống động cuộc sống và cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng dũng cảm, hào hùng của quân và nhân dân Quảng Đà thời điểm sau Xuân Mậu Thân 1968. Nhật ký chiến trường cũng là một trong những minh chứng về tinh thần chiến đấu dũng cảm và lao động sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có bản thân chị, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Chị được công nhận là liệt sĩ và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007.

Tin cùng chuyên mục