Chứng khoán thế giới trồi sụt thất thường

Bất chấp cú tăng mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á vẫn ở thế giằng co. Màu xanh và màu đỏ luân phiên thế chỗ nhau trong những phiên giao dịch của thị trường chứng khoán châu Á ngày 26-10.

 

Sắc đỏ ngập tràn thị trường chúng khoán Trung Quốc ngày 26-10
Sắc đỏ ngập tràn thị trường chúng khoán Trung Quốc ngày 26-10

Châu Á lỗ nặng

Với mức tăng giảm chưa tới 1%, biến động ở các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Á diễn ra liên tiếp. Nikkei, S&P/ASX, DJ New Zealand, Shanghai, Hang Seng… đều chung tình cảnh. Trong phiên giao dịch ngày 26-10, chỉ số có mức tăng trưởng lớn nhất là SZSE Component với mức tăng 0,65%. Các thị trường còn lại đều chỉ có mức tăng khoảng 0,3% trở lại. Ở chiều ngược lại, các thị trường giảm điểm cũng không chịu sự mất mát quá nhiều. Trong số các thị trường chìm trong màu đỏ, KOSPI mất nhiều nhất với 1,63%. Hang Seng cũng chịu mức sụt giảm khoảng 0,7%, tương đương khoảng 180 điểm. Nikkei 225 và S&P/ASX 200 với mức sụt giảm lần lượt là 0,31 và 0,22%.

Diễn biến giằng co ở thị trường chứng khoán châu Á trái ngược hoàn toàn với cú tăng hơn 400 điểm của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 25-10. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 1 ngày trước, hơn 600 điểm đã bị thổi bay khỏi Dow Jones, nhấn chìm mọi thành quả của năm 2018. Cú sụt giảm nghiêm trọng của chứng khoán Mỹ kéo theo phản ứng tồi tệ với chứng khoán châu Á, khiến 4.900 tỷ USD giá trị vốn hóa bị thổi bay khỏi thị trường này kể từ đầu năm đến nay.

Trong tuần này, các nhà đầu tư lại có một mối quan ngại khác chính là đồng USD mạnh. Đồng USD đã tăng giá trong năm nay và tốc độ này đang tăng lên. Tiền có thể bị rút trở lại Mỹ, khiến cho việc rút vốn ở các thị trường mới nổi trở nên tồi tệ hơn so với 3 quý đầu của năm. Đồng USD mạnh dẫn đến việc rút vốn hàng loạt khỏi các quỹ đầu tư châu Á, buộc ngân hàng trung ương ở các quốc gia phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng tiền đang giảm giá của mình. Điều đó lần lượt tạo ra nhiều áp lực hơn với thị trường chứng khoán và dấu hiệu này có vẻ chưa kết thúc. Với mức giảm lên tới 11% trong tháng 10, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đang hướng đến mức giảm theo tháng tồi tệ nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ 10 năm trước.

Châu Âu trầm lắng

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi những căng thẳng về mối quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia bị đẩy lên cao, lo ngại về ngân sách của Italy và các cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra đều là những nguyên nhân khiến tâm lý thị trường lắng xuống.

Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu giảm hơn 1,6% trong các phiên giao dịch, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2016. Chỉ số DAX của Đức đã dẫn đầu các mức sụt giảm trên các sàn giao dịch lớn, với mức giảm hơn 2,4%. Các cổ phiếu công nghệ của châu Âu cũng giảm hơn 4% khi những tin tức về báo cáo thu nhập lần lượt được công bố. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip AMS giảm mạnh, đến hơn 28% ngay sau khi mở cửa phiên, khi dự báo về báo cáo thu nhập của công ty trong 3 tháng cuối năm không thể thuyết phục các nhà đầu tư. 

Còn các cổ phiếu riêng lẻ, Wartsila của Phần Lan công bố lợi nhuận hàng quý thấp hơn dự kiến, cho biết nguyên nhân là do nhu cầu về dịch vụ kinh doanh này thấp. Cổ phiếu của công nghệ tàu và nhà máy điện hạt nhân này đã giảm 9% sau khi đưa ra báo cáo lợi nhuận. Trong khi đó, Travis Perkins của Anh đã vươn lên vị trí đầu tiên của các chỉ số châu Âu sau khi công bố kết quả diễn biến của cả năm tương đương với kỳ vọng, cổ phiếu niêm yết tại sàn London tăng 3%.

Sự biến động của thị trường chủ yếu là do cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này, trong bối cảnh áp lực quốc tế đang gia tăng.

Tin cùng chuyên mục