Chung một đôi chân

Nửa đêm, ông Hào bật dậy quờ quạng tìm xung quanh giường. Ông sờ từ đầu xuống ngực, xuống đùi rồi khựng lại khi chạm hai đầu gối. Vẫn là khoảng trống và những mảnh ký ức chập chờn bom đạn. 
Vậy mà trong giấc mơ ông thấy mình đang đạp xe ra thăm đồng. Đôi bàn chân xỏ trong dép rọ bộ đội còn mới cóng. Đang đi, gặp xe bò chở lúa bị trật xuống vệ đường, ông còn dừng lại đẩy giúp. Hai bàn chân bám chặt xuống đất, dùng hết sức mới bẩy được bánh xe. Ngón chân cái vấp phải đá bật máu, ông vặt vội búp chuối non ven đường nhá đắp vết thương. Lúc tỉnh giấc vẫn còn nguyên cảm giác đau ở ngón chân.
Bà Hòa ngồi dậy nắm lấy hai bàn tay ông, đặt lên chân mình thủ thỉ: “Chân của ông đây. Ngủ đi ông. Mai còn dậy sớm sửa lại giúp em cái xe đạp trước khi mở quán”…
Suốt mấy chục năm qua, mỗi lần thấy ông hốt hoảng tìm chân, bà vẫn thường nói vậy. Như cái ngày ôm bọc quần áo về nhà, ông nằng nặc đòi ở lại, bà cũng đã nói: “Em sẽ là đôi chân của anh. Đưa anh đến những nơi anh muốn đến. Cùng anh làm những việc anh muốn làm. Chỉ cần mình thương nhau”.
Nói xong bà mang quần áo vào nhà, xăng xái đi cọ nồi nấu cơm. Càm ràm ông sao để cửa nhà bừa bộn. Sao sờ đến muối mắm thứ gì cũng hết. Sao nhà không tìm đâu ra cái kim, cuộn chỉ. Ông lớ ngớ giữa nhà mình, nhìn người ta cọ chén, lau bàn.
Trước đó, ông đã tự nhủ phải gồng lên mạnh mẽ, kiên quyết không để người ta phải khổ vì mình. Vậy mà nhìn dáng bà cúi xuống thổi bếp rơm là lòng ông mềm oặt. Ai mà chẳng có quyền hạnh phúc, ngay cả người thương binh trở về từ chiến trường với đôi chân đã cụt như ông…
Ông nằm xuống cạnh bà, cố gắng thoát khỏi ý nghĩ về một cơn ảo mộng. Dù ông đã quen với việc mình không còn đôi chân như bao người khác. Kể từ buổi sáng tháng 10 năm 1970, Mỹ ném bom dữ dội tại quê nhà. Làng mạc tan hoang, người dân không kịp đi sơ tán, hoảng loạn tìm chỗ nấp. Bom dội khắp nơi, những căn nhà bốc cháy ngùn ngụt như lòng căm thù giặc.
Lính Mỹ đổ bộ càn quét xóm làng. Ông Hào lúc đó đang cùng đồng đội đóng quân trên khu rừng bao quanh làng. Nhìn cảnh làng quê bị giày xéo, những người lính như ông càng quyết tâm phải tiêu diệt kẻ thù.
Vượt qua những làn đạn bay vun vút trên đầu đến lạnh cả sống lưng, ông cùng đồng đội luồn rừng hướng về phía địch mà nã đạn. Nhưng trong lúc áp sát địch, chẳng may ông đạp phải mìn. Một tiếng nổ chát chúa vang lên làm ông bất tỉnh. Lúc tỉnh lại, ông đã được đồng đội đưa về trạm quân y. Đôi chân ông lúc ấy đã nát bét và cần cắt bỏ. 
Sau khi hồi phục sức khỏe, ông được trả về địa phương. Nhưng ông không muốn trở về làng với đôi chân cụt ngủn của mình nên đã đi nơi khác mưu sinh.
Ban đầu, ông đi hớt tóc thuê cho bệnh nhân trong bệnh viện quân dân y của tỉnh. Đồ nghề không có gì ngoài cái kéo, chiếc lược cũ và mảnh gương bé xíu. Đôi nạng gỗ thay thế đôi chân đi khắp các phòng bệnh cắt tóc thuê. Những bệnh nhân nghèo ông không lỡ lấy tiền.
Ở bệnh viện, ông quen nhiều người cùng cảnh ngộ như mình. Người còn chân thì mất tay, người còn đủ tay chân thì hỏng mắt. Cũng có người nhìn tưởng lành lặn mà đạn găm lồng ngực. Lại có người mất một tay, một chân xoay xở kiểu nào cũng quá nhọc nhằn.
Vậy mà họ vẫn lạc quan sống, vẫn hướng đến những điều tốt đẹp. Họ cũng như ông, đã bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường bom rơi đạn lửa. Nhưng ý chí sắt đá thì vẫn còn nguyên vẹn. Trận chiến nào cũng khó khăn. 
Buổi trưa, ông tranh thủ ra ngoài vỉa hè hớt tóc thuê cho khách đi đường. Chọn chỗ ngồi dưới gốc cây xà cừ, ông ủ thêm ấm nước chè ngồi đón khách. Nhiều người đến không phải để cắt tóc mà chỉ vì muốn trò chuyện cùng ông.
Ông đâu biết, lúc lúi húi cắt tóc cho khách thì có người đứng ở phía xa âm thầm dõi theo mình. Lúc ông vội thu dọn đồ đạc chạy mưa trên đôi nạng gỗ, có người thương cảm. Lúc ông ăn vội bữa cơm trưa bị ho khan nấc nghẹn ngồi ôm ngực, có người xót xa.
Ông đâu biết, mình được người phụ nữ thôn quê đi làm thuê trong quán cơm bên kia đường đã thầm thương, trộm nhớ. Nhiều khi nghĩ lại, bà Hòa thấy ông trời đúng là khéo xe duyên.
Có vài người theo đuổi bà không ưng, chỉ một lòng ấp ủ hình ảnh người đàn ông tật nguyền, cần cù chịu khó. Bà phận nghèo còn ông thì tàn tật, không thương nhau còn biết thương ai. Bà nói hoài mà ông đâu có chịu. Lần nào cũng bảo: “Tôi thế này nào dám thương ai. Lấy em về chỉ càng làm đời em thêm khổ. Thà ở vậy một mình…”. “Anh mất đi đôi chân thì đã có chân của em đây. Tụi mình cứ nương tựa vào nhau mà sống. Trời thương người lành hiền đâu có tận đường sống của ai”.
Đêm nằm, ông nghĩ về một mái nhà có người ra người vào thổi lửa nấu cơm ấm cúng. Ông sẽ kết thúc quãng ngày sống lang thang nơi vỉa hè, bệnh viện. Sẽ về quê dựng nhà, làm vài sào ruộng, nuôi mấy trăm vịt đẻ. Những ngày mưa không còn phải nhìn trời thở dài buồn bã. Sẽ lúi húi trong nhà đan rổ rá kèm con học bài, chờ nồi cơm vợ nấu đang sôi. Đêm sẽ không còn dài thức chờ gà gáy. Những hôm trái nắng trở trời đau nhức, kể mà có ai đó càm ràm mấy câu cũng thấy bớt đi.
Nghĩ vậy, nhưng e người ta sẽ khổ. Nên ông bỏ về quê xem như cắt đứt sợi dây thương nhớ với “người ta”. Nhưng bà đâu có chịu. Bà vào viện tìm hỏi mấy người từng thân quen hàn huyên tâm sự cùng ông. Buổi chiều hôm ấy, lúc ông ra đồng về, đã thấy bà ôm bọc quần áo đợi ngoài thềm.
Chung một đôi chân ảnh 1 Minh họa: DIỄM KHANH
Giờ thỉnh thoảng nghĩ lại ông vẫn bảo: “Người đâu mà dai như đỉa. Muốn đuổi cũng đâu có dễ”. “Chứ sao. Thử hỏi ngày ấy nếu không bền bỉ thì giờ đâu có thể nằm bên nhau mà nhắc chuyện xưa. Sao có mái nhà che nắng che mưa. Sao có hai đứa con mà ngày đêm ngóng đợi.
Ông có được đôi chân, còn em thì… có thêm hạnh phúc”. “Nhưng nếu lấy người khác, cuộc sống của em đã chẳng phải trải qua quá nhiều cực khổ”. “Trời sắp xếp cả rồi ông ơi. Bởi vậy mà ông có muốn một mình tung hoành dọc ngang với chiếc lược và cây kéo cũng đâu có được”. Họ cùng cười với nhau trước khi đêm kịp tàn, ngày kịp đến. 
Ông bà sẽ cùng thức dậy lúc năm giờ sáng. Bà quét dọn cửa nhà, đun nước pha chè cho ông. Rồi bà chặt củi, nhóm bếp thổi một nồi xôi to để kịp bán cho tụi nhỏ trước giờ vào lớp. Ông đang lúi húi sửa xe đạp cho bà.
Cái xe thỉnh thoảng lại phải tra dầu mới dịu đi những tiếng kêu lọc cọc. Ông tính bán sắt vụn quách, mua cái khác để đi nhưng bà không chịu. Bà nói, đó là cái xe “tình yêu” của ông với bà. Hồi mới về ở với nhau, phấn đấu mãi mới mua được cái xe chạy chợ.
Nghĩ cũng khổ, ngày ấy bà chạy chợ hai chục cây số, hết đi bán bánh cuốn lại buôn trứng vịt, chè xanh, chổi cọ. Cứ thứ gì người ta cần là bà tìm mối bán buôn.
Chợ xa, xe thì thỉnh thoảng lại hỏng hóc. Có hôm bà về đến nhà đã giữa buổi chiều, chỉ vì lóc cóc dắt xe cả chục cây số. Hôm nào bà cũng đi từ ba giờ sáng, lúc ông và các con vẫn còn yên giấc.
Có hôm trời tối không nhìn thấy đường, xe đâm phải hòn đá ngã sõng soài làm mấy trăm trứng vịt lăn lóc vỡ đi già nửa. Bà vừa đi vừa khóc vì nghĩ đến khoản tiền nộp học cho con nhà trường đang giục đóng.
Ông khi ấy ở nhà nuôi vịt, làm mấy sào ruộng. Bị cụt mất chân nên mỗi khi lội ruộng là bùn ngập gần lên ngực. Bổ một nhát cuốc xuống ruộng lầy là bùn bắn tung tóe lên mặt mũi.
Có hôm, ông phải dùng túi ni lông đục lỗ trùm lên đầu cho bùn không bắn vào mắt. Vất vả nhưng có hề gì, chỉ cần nghĩ đến vợ con là ông gắng sức. Người bình thường cố gắng một, ông phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Để những bữa cơm không còn phải độn thêm khoai sắn. Để các con được cắp sách đến trường. Để không phải ăn bữa nay, lo bữa mai.
Rồi những năm tháng cực khổ nhất cũng qua. Hai đứa con ông đều đã trưởng thành.
Đứa lớn học xong đại học ra trường, vừa đi làm, vừa mở cửa hàng kinh doanh ẩm thực dưới phố. Đứa thứ hai, ông cho đi xuất khẩu lao động vài năm về, lấy vốn mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Cả hai đứa đều đã xây dựng gia đình ra ở riêng dưới phố.
Chúng đã thôi ý định năn nỉ bố mẹ về ở chung. Đất quê lề thói quen rồi, xuống phố ông bà thấy sống không thoải mái. Tuy các con lo cho đủ đầy nhưng ông bà cũng chẳng thiết ngồi không. Bà bán xôi buổi sáng, ông mở quán cắt tóc túc tắc mà làm. Phần vì kiếm đồng ra đồng vào, không phiền đến các con. Phần vì có khách là thêm người bầu bạn kể chuyện làng trên xóm dưới cho vui.
Chỉ thỉnh thoảng giấc mơ về đôi chân vẫn ám ảnh ông. Có đêm, ông thấy mình là chú rể ăn mặc bảnh bao, khoác tay bà thong dong đi giữa hai bên anh em dòng họ. Tay bà ôm hoa hồng, miệng cười bẽn lẽn. Tỉnh dậy, thấy thương bà vì chưa một lần được mặc áo cô dâu.
Bà nghe ông kể thì cười bảo: “Ngày em ôm bọc quần áo về đây tìm ông chính là ngày cưới đấy thôi. Áo cô dâu của em có vài miếng vá”. Ông nắm lấy bàn tay nhăn nheo gầy guộc của bà, thủ thỉ: “Đợi các con về đông đủ. Cả nhà mình chụp chung một bức ảnh gia đình”. Siết nhẹ tay ông, trong bóng đêm bà gật đầu khe khẽ…

Tin cùng chuyên mục