Chung sức vì nền giáo dục đại học chất lượng

Sáng 17-7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. 
Niềm vui hoàn thành môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT 2019 ở điểm thi Trường THPT Lý Thánh Tông, quận 8, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Niềm vui hoàn thành môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT 2019 ở điểm thi Trường THPT Lý Thánh Tông, quận 8, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tham dự có hơn 1.000 đại biểu là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm cùng chuyên gia đầu ngành về giáo dục đại học (GDĐH). 

Trăn trở kỳ thi THPT quốc gia

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này, bộ sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT để bàn kỹ về phổ điểm này, lý giải nguyên nhân môn này, môn kia thấp, rút kinh nghiệm. Kỳ thi THPT quốc gia không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh. Dù năm nay phổ điểm môn Lịch sử và Tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả vẫn chưa chấp nhận được, cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sang năm.

GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng các trường đang sốt ruột chờ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34. Ảnh: THANH HÙNG
Tại hội nghị, một số ý kiến tiếp tục đề nghị xem xét lại việc có cần thiết tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, đề xuất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thi cử cũng sẽ phải thay đổi, làm sao để bảo đảm chúng ta không mất quá nhiều công sức cho việc thi cử. “Có cần thi cho tất cả các thí sinh, khi mà năm nào cũng trên 90% đậu tốt nghiệp. Ví dụ, ở các địa phương, chỉ nên tổ chức thi cho khoảng 30% học sinh có học lực yếu, còn lại 70% học sinh được đặc cách xét tốt nghiệp. Kết quả thi 30% đó cũng đã đủ số liệu để đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương. Việc có em thi, có em không phải thi cũng là áp lực để xã hội giám sát việc dạy và học, việc thi. Cùng với đó, vì 70% học sinh không có điểm thi nên bắt buộc các trường ĐH phải tự chủ khâu tuyển sinh”, TS Lê Trường Tùng nói. 


Một lần nữa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển ĐH-CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Hiện Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình đổi mới thi cho những năm tiếp theo. 

Về khâu tuyển sinh, các ý kiến tại hội nghị đều đánh giá, việc ra đề thi năm nay có sự phân hóa tốt. Với kết quả 94,06% tỷ lệ tốt nghiệp đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương trên cả nước. Rất nhiều trường ĐH đã đề xuất cần duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 để tạo cơ sở thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển. 

Tăng ảo trong công tác tuyển sinh 

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, cho rằng, hiện nay các trường có rất nhiều phương án tuyển sinh như xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, tuyển thẳng học sinh trường chuyên theo đề án riêng, thi đánh giá năng lực, xét điểm thi THPT quốc gia. Điều này tạo thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều phương thức tuyển sinh làm cho tình trạng ảo tăng mạnh. Nhiều trường cũng tổ chức thi theo đề án riêng nên nhiều phương án tuyển sinh sẽ gây ảo lớn, gây xáo trộn công tác tuyển sinh của các trường. Thực tế cho thấy, thí sinh trúng tuyển 27 điểm 3 môn (xét học bạ) nhưng kết quả thi THPT quốc gia chỉ ở mức 17-18 điểm…

Một vấn đề rất nhạy cảm là tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu. Thật sự với quy định và chỉ tiêu như hiện nay hiệu trưởng các trường rất lo vì tuyển vượt sẽ bị phạt, tuyển không được thì không đủ nuôi “quân”. Mà đa phần tuyển vượt là nằm ở những trường tốt, trường có uy tín. Vấn đề là gọi bao nhiêu là vừa? Trước đây, bộ từng nhắn tin yêu cầu các trường gọi vừa thôi nhưng làm theo bộ, năm đó không tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, Bộ GD-ĐT nên tính toán lại thưởng - phạt trong tuyển sinh. 

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, phân tích: Các phát biểu trong hội nghị cho thấy có 2 luồng khác nhau giữa trường công và trường tư, giữa trường tự chủ và chưa tự chủ về cùng một vấn đề tuyển sinh đã cho thấy Bộ GD-ĐT phải xem lại quy định này. Như ĐH Luật TPHCM, chỉ xét điểm THPT quốc gia nhưng bắt buộc phải qua bài thi kiểm tra năng lực. Có 4.000 thí sinh đăng ký, trường phải công bố điểm trúng tuyển nhưng không được, phải chờ và tham gia lọc ảo.  

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Về chấm thi phúc khảo, Sở GD-ĐT chuyển dữ liệu phúc khảo cho hội đồng thi ngày 24-7. Tổ chức phúc khảo bài thi hoàn thành trước ngày 2-8. Tổng chỉ tiêu năm 2019 là 489.637, tăng 7% so với năm 2018 do các trường kiểm định xác định theo năng lực. Trong đó, xét bằng điểm thi THPT quốc gia 341.840 tương đương năm 2018; chỉ tiêu phương thức khác 147.979, tăng 36.000 so với năm 2018; chỉ tiêu sư phạm 46.285, chỉ đạt 73% nhu cầu các tỉnh. Đặc biệt, năm 2018 chỉ tuyển được 44% nhu cầu đào tạo sư phạm của các tỉnh. Từ ngày 6 đến ngày 8-8 thực hiện quy trình xét tuyển và lọc ảo. Ngày 9-8 sẽ công bố điểm chuẩn. 

Siết chặt thanh tra, kiểm tra tuyển sinh

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng các trường khai trong đề án tuyển sinh chưa chính xác về giảng viên cơ hữu. Báo chí đã phản ánh và Bộ GD-ĐT cũng đã xử lý và yêu cầu sửa lại đề án. Bộ sẽ tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên chuẩn của giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, thông tin về xét tuyển khối ngành sức khỏe chưa rõ ràng, nhiều trường thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp. Do đó, sắp tới công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm công tác tuyển sinh năm 2019 sẽ siết chặt. Bộ sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên của các trường, danh sách thí sinh nhập học của các trường trong năm 2018, 2019 trên Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường. Cơ sở giáo dục nào vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý. 

Sốt ruột chờ hướng dẫn luật mới 

Vấn đề thi hành Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) cũng là vấn đề nóng không kém vấn đề tuyển sinh được tranh luận tại hội thảo. GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Luật số 34 đã có hiệu lực nhưng hiện nay các trường băn khoăn vì không biết thực hiện như thế nào. Giá như trong hội nghị này có các nghị định hướng dẫn để phân tích bàn thảo thì quá tốt nhưng rất tiếc là chưa có. Các trường hiện nay thật sự rất lúng túng, không biết thực thi và áp dụng luật mới như thế nào? Ví dụ Luật số 34 cho phép các trường đầu tư, khai thác... nhưng hiện nay làm có được không vì vướng Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công... Do đó Bộ GD-ĐT phải quyết liệt, phải sớm có nghị định hướng dẫn thi hành luật thì các trường mới có cơ sở pháp lý để thực hiện. 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nói: “Chúng tôi rất lo vì hiện chưa có các thông tư hướng dẫn thi hành Luật số 34. Học phí có trường thì 18 triệu đồng/năm nhưng một số trường chỉ 8-9 triệu đồng/năm thì làm sao cạnh tranh. Trường công không tự chủ lại có hiện tượng chảy máu chất xám, giảng viên bỏ qua trường tư. Nếu không phát huy tự chủ tốt, các trường công lập sẽ yếu đi so với trường tư”.

PGS-TS Trần Hoàng Hải thẳng thắn: Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chuẩn bị các cơ sở và điều kiện để áp dụng thi hành Luật số 34 trong tháng 6. Nhưng đã giữa tháng 7 vẫn chưa có, tại hội nghị này cũng chưa có và giờ chuyển sang tháng 9. Các trường đang sốt ruột chờ nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34, vì hiện nay các trường đang đứng trước thực tế: làm theo luật cũ nhưng hiệu lực đã hết, làm theo luật mới nhưng chưa có hướng dẫn, không biết làm theo cách nào.  

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, GDĐH tới đây chỉ gói gọn trong một từ: Chất lượng! Phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng, bao gồm kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường. Trường nào chất lượng kém sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa, để trong hệ thống đại học các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tránh trường hợp có những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên, các thông số về học sinh, sinh viên, điểm vào 2 năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường có việc làm, học phí… đều phải công khai. Từ đó tạo ra cạnh tranh công khai minh bạch, tạo dựng uy tín cho giáo dục đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các trường ĐH cùng nhau quyết tâm xây dựng nền GDĐH trung thực, chất lượng. Không có lý do gì khi chất lượng học sinh phổ thông tốt, năng lực đào tạo tốt, giảng viên ĐH tâm huyết, nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển lớn mà GDĐH lại không cho ra nguồn nhân lực tốt. Tự chủ ĐH là trục xuyên suốt, tuyển sinh chỉ là một khâu. Một trường ĐH phát triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Mỗi trường ĐH phải trở thành trung tâm động lực phát triển cho địa phương, cho vùng. “Quan điểm là Bộ GD-ĐT chỉ kiến tạo, giám sát và trọng tài, còn tự cuộc sống, tự xã hội tôn vinh chất lượng của các trường. Bộ sẵn sàng cùng các trường bảo vệ cái đúng, gỡ những chỗ vướng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh

Tin cùng chuyên mục