Chung tầm nhìn để chuyển đổi số thành công

Trong xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, nếu doanh nghiệp chậm chuyển đổi sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh.

 Việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động và nhanh chóng tiếp cận khách hàng, mà còn tập hợp được dữ liệu phục vụ cho các quyết định quản trị hiệu quả.

Muốn chuyển đổi số, trước hết phải thay đổi cách làm chuẩn. Tất cả các công tác đều được bổ sung nhiệm vụ nhập dữ liệu, in báo cáo và tương tác với hệ thống phần mềm chuẩn. Bên cạnh đó, nhân sự phải được đào tạo cách làm mới, cách sử dụng các phần mềm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Không phải ai cũng quen với các áp lực từ thay đổi, cũng như không phải ai cũng có khả năng tiếp thu cái mới tốt. Không phải mọi người trong ban lãnh đạo cấp cao, cũng như đội ngũ thực thi cấp dưới đều có thể nhìn thấy triển vọng của sự đổi mới, trong khi sự mất mát, xáo trộn trong tổ chức là việc trước mắt và ai cũng có thể nhìn thấy. Cái mất mát trước mắt luôn là cái cớ, cái lý để người không ủng hộ phản biện, chống đối lại những tư tưởng đổi mới, làm cho tầm nhìn, định hướng đổi mới khó đạt được sự đồng thuận. Do vậy, xung đột thường xảy ra trong giai đoạn đầu triển khai dự án chuyển đổi số.

Do đó, phải chuẩn bị kỹ lưỡng đội ngũ cùng chung tầm nhìn để chuyển đổi số thành công. Muốn vậy, cần có đầy đủ thông tin, dữ liệu về lợi ích của những cách làm mới từ các doanh nghiệp tiến bộ trên thế giới để so sánh với công ty mình. Từ đó chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi nếu muốn tồn tại, mất mát trước mắt chỉ là bước lùi để bắt đầu cho sự vươn lên của ngày mai. Trăm nghe không bằng một thấy, để tạo dựng niềm tin, cần dẫn dắt nhóm hạt nhân đổi mới tham quan các mô hình, phương thức kinh doanh, cách làm mới ở các doanh nghiệp tiến bộ trên thị trường để họ được trải nghiệm và so sánh với cách làm của mình.

Đội ngũ hạt nhân đổi mới cần được bố trí vào các vị trí quan trọng nhằm phục vụ cho công cuộc chuyển đổi. Không nhất thiết phải thay người cũ bằng người mới, cách làm này sẽ rất rủi ro vì ảnh hưởng đến các mối quan hệ của những thế hệ lãnh đạo trước. Quan trọng là tác động vào nhận thức của những người phụ trách các bộ phận, lôi kéo họ trở thành trung tâm thực hiện đổi mới chứ không phải là đối tượng bị ruồng bỏ trong công cuộc đổi mới. Từ đó tạo thêm sinh khí và động lực để họ chỉ đạo, điều hành bộ phận mình tích cực tham gia đổi mới.

Cố gắng tạo ra thành quả từ những hành động chuyển đổi số bước đầu để tạo khí thế cho công cuộc đổi mới, là bằng chứng để tuyên truyền về sự đúng đắn của đường lối đổi mới. Thay vì loại bỏ đối tượng chống đối thì hãy làm thay đổi tư duy của họ, biến họ trở thành những người tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số để hạn chế những xung đột gây ảnh hưởng xấu. Nếu buộc phải thay đổi nhân sự thì đảm bảo sự thay đổi đó phải thúc đẩy bầu không khí đổi mới, hạn chế tối đa những xung đột gây tác dụng ngược.

Tin cùng chuyên mục