Chung tay bình ổn quan hệ lao động - Bài 1: Bất cập từ chính sách tiền lương

Thang bảng lương “kiểng”
Chung tay bình ổn quan hệ lao động - Bài 1: Bất cập từ chính sách tiền lương

Trong tháng 6 và 7-2011, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động. Điều đáng nói là mỗi lần Nhà nước tăng lương tối thiểu hay cho ra đời các chính sách tăng trợ cấp cho công nhân (CN) là y như rằng nguy cơ tranh chấp lao động lại tăng cao trong khi lẽ ra khi có chính sách hỗ trợ đời sống, tăng thu nhập, người lao động (NLĐ) phải vui mừng mới phải. Nguyên do nào dẫn đến điều đó?

Chính sách đúng nhưng chậm

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với NLĐ trong doanh nghiệp (DN) theo Quyết định số 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, NLĐ có tên trong danh sách của DN tại thời điểm ngày 30-3 có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống, trừ các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế của DN, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm, là đối tượng được hưởng trợ cấp.

Từ tháng 8-2011, các DN căn cứ vào nguồn quỹ tài chính hợp pháp và khả năng tài chính của DN để quyết định mức trợ cấp khó khăn cụ thể cho NLĐ, tối thiểu là 250.000 đồng/người.

Tin vui này vừa đến, chủ DN, cán bộ công đoàn đã lo. “Phải chi chính sách này ban hành và đi vào thực hiện sớm hơn, vừa khi đời sống của NLĐ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tăng giá thì hay biết chừng nào. Chính sách của mình đúng, nhưng ra quá chậm. Bây giờ, hầu như các DN đều đã tăng tiền lương, tiền trợ cấp trung bình 200.000 - 500.000 đồng/CN. Đến tháng 8, nếu buộc DN tiếp tục tăng trợ cấp, dù khoản tiền này không dùng làm căn cứ để nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn thì cũng sẽ ít nhiều gây khó khăn cho DN” - ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP nói. Nếu không có sự giải thích cặn kẽ, NLĐ rất dễ có tâm lý ngừng việc tập thể đòi DN tiếp tục tăng tiền trợ cấp khi quy định mới của Nhà nước có hiệu lực.

Công nhân may quần kaki, jean xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

Công nhân may quần kaki, jean xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

 
Tiền lương: Vẫn mãi là người đến sau
 
Trước tình hình đời sống càng lúc càng khó khăn, lương tối thiểu cho NLĐ trong khối DN đã được Bộ LĐTB-XH đề xuất tăng sớm hơn 1 quý so với mọi năm, áp dụng từ 1-10-2011 thay vì ngày 1-1-2012. Theo đề xuất của Bộ LĐTB-XH, các mức lương áp dụng cho 4 vùng sẽ có mức tăng từ 500.000 - 570.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện tại.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tại vùng 1 dự kiến 1,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 550.000 đồng/người/tháng. Tại vùng 2, mức lương tối thiểu dự kiến 1,73 triệu đồng/tháng, tăng 530.000 đồng/người/tháng. Ở vùng 3, mức lương tối thiểu sẽ tăng thêm 500.000 đồng/người/tháng, lên mức 1,55 triệu đồng/tháng. Vùng 4, lương tối thiểu có mức tăng 570.000 đồng, lên mức 1,4 triệu đồng/người/tháng. TPHCM, trừ huyện Cần Giờ, sẽ nằm trong quy hoạch vùng 1, mức tăng lương dự kiến là 1,9 triệu đồng/ người/ tháng.

“Quy định mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp nên trong các KCX-KCN không có DN nào vi phạm. Thế nhưng nếu tới đây lương tối thiểu tăng theo mức đề xuất của Bộ LĐTB-XH thì NLĐ cũng không sống nổi. Chúng tôi mới khảo sát 250 DN trong các KCX-KCN có đến 200 DN đã tăng trợ cấp cho CN khi xảy ra lạm phát, trượt giá. Có DN từ đầu năm đến nay phải tăng đến 3 lần” - ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM chia sẻ.

“Theo khảo sát của tổ chức công đoàn TP, với tình hình giá cả như hiện nay, để một CN có đủ 2.300 calo/ngày, đúng theo yêu cầu về dinh dưỡng, họ phải tốn 10.000 đồng bữa sáng, 20.000 đồng bữa trưa và 20.000 đồng bữa chiều” - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Trương Lâm Danh cho biết.

Như vậy, mức tiền lương tối thiểu sắp tăng chỉ đủ CN chi ăn uống, số dư còn lại không đủ trả tiền nhà trọ. Tất cả các khoản chi phí khác đều trông chờ vào tiền phụ cấp, tăng ca. Đó là chưa kể họ còn phải nuôi con nhỏ và gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.
 

Công nhân KCN Pouyuen đi chợ chiều. Ảnh: KIM NGÂN

Công nhân KCN Pouyuen đi chợ chiều. Ảnh: KIM NGÂN

Thực tế, rất nhiều DN đã trả lương cơ bản bằng hoặc cao hơn so với mức tiền lương tối thiểu do Bộ LĐTB-XH đề xuất. Tại Công ty Freetrend, KCX Linh Trung, mức lương cơ bản 2,3 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Sanofi - Aventis Việt Nam trả mức lương cơ bản 3 triệu đồng/người/tháng. Với những DN tiền lương thực trả đã cao hơn mức quy định, đến thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu mới, khi thấy DN không có động tĩnh gì, NLĐ nếu không được giải thích, rất dễ nảy sinh tâm lý so sánh giữa DN này và DN khác, dẫn đến tranh chấp lao động.

Lần này, mức tăng lương theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là 2,2 triệu đồng/người/tháng, áp dụng đối với vùng 1. Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng, đề xuất của Bộ LĐTB-XH hay Tổng LĐLĐ Việt Nam được lựa chọn thì nỗi lo về tranh chấp lao động vẫn còn đó.

Trong tình hình hiện nay, nếu điều chỉnh lương tối thiểu lên thật cao, DN gặp khó khăn trong sản xuất, có thể phải sa thải lượng lớn lao động hoặc đóng cửa giải thể. Hiện ở huyện Hóc Môn, TPHCM, nhiều DN vừa và nhỏ không cầm cự được trước lạm phát đã đóng cửa, tuyên bố giải thể.
 
Cơ chế tiền lương hiện tại đang được đánh giá là bất hợp lý khi phân theo vùng nhưng lại không phân theo ngành nghề, loại hình doanh nghiệp và mặt hàng sản xuất. Trong khi một vùng có nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều ngành sản xuất. Mỗi ngành sản xuất, mỗi doanh nghiệp trong từng thời điểm sẽ có phí sản xuất, hao phí lao động, hiệu quả lao động khác nhau nhưng lại áp một loại lương.

Chừng nào còn chưa gỡ được bất cập này thì cho dù tiền lương có liên tục chạy theo tốc độ trượt giá cũng chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề.

Thang bảng lương “kiểng”

Theo quy định hiện hành, DN sẽ bị xử phạt nếu không xây dựng thang bảng lương. Thế nhưng, nếu DN xây dựng thang bảng lương rồi để làm “kiểng” mà không thực hiện lại không thể xử lý. Thực tế, nhiều DN không áp dụng thang bảng lương hoặc chia nhỏ mỗi bậc lương chỉ cách nhau mười mấy ngàn đồng.

Điều này dẫn đến tình trạng có người cặm cụi làm cả chục năm nhưng chỉ hơn người mới vào làm khoảng trên 100.000 đồng/tháng. Có trường hợp công ty không có thang bảng lương, đến khi Nhà nước tăng lương tối thiểu thì người mới vô làm cũng được hưởng lương bằng với người làm lâu năm. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến tranh chấp lao động không có điểm dừng.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục