Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Các sản phẩm từ nhựa, túi ni lông ra đời mang lại không ít tiện ích. Tuy nhiên, những đặc tính bền, khó phân hủy khiến cho rác thải từ các sản phẩm này đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loại động thực vật.

1.800 tấn rác thải nhựa mỗi ngày

Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề đáng báo động toàn cầu, nhất là trong những năm gần đây, với khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Hiện đại dương đang có khoảng 5.250 tỷ miếng rác nhựa, nặng khoảng 269.000 tấn trôi nổi trên biển, và một con số lớn hơn rất nhiều là lượng rác chìm sâu trong đại dương.

Một số nghiên cứu cho thấy, mỗi kilômét vuông đại dương có chứa khoảng 4 tỷ sợi vi nhựa, đang làm ô nhiễm các vùng biển sâu và có nguy cơ cao xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa xả ra biển mỗi năm. 

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa ảnh 1 Các tình nguyện viên thực hiện thu gom rác thải nhựa trên bãi biển

Chỉ tính riêng tại TPHCM, trong tổng số 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường mỗi ngày, có 1.800 tấn rác thải nhựa. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi và trong 93% mẫu nước uống đóng chai. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đối với vấn đề đô thị, rác thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông, khi thải ra môi trường nếu không được thu gom đúng quy định sẽ theo mưa trôi chảy xuống cống rãnh, làm ách tắc dòng chảy gây ngập lụt cho đô thị. 

Tác hại mà rác thải nhựa gây ra cho môi trường và sức khỏe con người là không nhỏ. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện nay tại nhiều chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa, kinh doanh trên địa bàn TPHCM, việc sử dụng các ống hút nhựa, chai nhựa… vẫn còn diễn ra phổ biến. Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ, đối diện với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu đã có rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới ban hành lệnh cấm các đồ nhựa dùng một lần.

Để Việt Nam từ một trong những quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất có thể đi theo xu thế xanh này, chắc chắn sẽ là một quá trình khó khăn và lâu dài. Và điều đó chỉ có thể thành hiện thực khi có sự đồng thuận của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Yếu tố quan trọng nhất ở đây vẫn là con người. 

Tập trung giải pháp giảm rác thải nhựa 

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết nhận thức được tác động nghiêm trọng do “ô nhiễm trắng” gây ra, trong nhiều năm gần đây, Saigon Co.op đã quán triệt tinh thần hạn chế tối đa sử dụng những sản phẩm nhựa, túi ni lông dùng một lần trong mọi hoạt động.

Theo đó, 100% rác thải sinh hoạt từ các siêu thị được phân loại tại nguồn. Dự án này đã được Saigon Co.op phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM triển khai thực hiện từ năm 2012 đến nay. Ngoài ra, Saigon Co.op còn triển khai các hoạt động khác như tổ chức phát động thu gom chất thải nhựa, chai nhựa đổi quà/sản phẩm cho khách hàng; có cơ chế khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải, túi môi trường khi mua sắm tại siêu thị (thứ năm hàng tuần, khi khách hàng sử dụng túi môi trường mua sắm sẽ được tặng điểm thưởng vào thẻ thành viên); khuyến khích các nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, tăng cường các sản phẩm xanh tới người tiêu dùng.

Đặc biệt, từ tháng 3-2019, tất cả siêu thị của Saigon Co.op đã chủ động sử dụng lá chuối, lá sen thay thế túi ni lông để gói, bọc thực phẩm, góp phần tích cực thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen của các siêu thị cùng người tiêu dùng, vì lợi ích cộng đồng. Từ tháng 5-2019, tất cả các siêu thị, đơn vị của Saigon Co.op cũng đã ngưng sử dụng ống hút nhựa, ly nhựa, muỗng nhựa… phục vụ khách hàng.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cũng cho biết trong những năm gần đây, ô nhiễm chất thải nhựa được xem là vấn nạn toàn cầu, là mối quan tâm lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Cùng với cả nước, TPHCM đã có nhiều chương trình nhằm tuyên truyền vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân bán lẻ giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa.

Để công tác bảo vệ môi trường, phong trào “Chống rác thải nhựa” đi vào thực tế, trở thành việc làm thường xuyên, Sở TN-MT, Sở Công thương cùng với các sở ngành, UBND 24 quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ TPHCM, đoàn thể các cấp tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào này. Mỗi hành động nhỏ cũng có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.

Vì thế, một số hành động chúng ta cần làm ngay để hiện thực hóa cam kết giảm rác thải nhựa, là không mua hoặc sử dụng chai nhựa dùng một lần trong văn phòng, trong các cuộc họp, sự kiện…

Ký kết đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” 

Sở TN-MT, Sở Công thương, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên TPHCM đã chính thức ký kết phối hợp đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố, với các nhiệm vụ được triển khai cụ thể như sau: 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, hội viên các tổ chức đoàn thể, nhân dân thành phố về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người; giảm thiểu tiêu dùng, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể được tái sử dụng, tái chế.

- Vận động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố hạn chế sử dụng nước đóng chai, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của đơn vị.

- Vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường, các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường.

- Vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, cửa hàng ăn uống, các tổ chức và cá nhân bán lẻ giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường; có các hình thức cụ thể nhằm khuyến khích khách hàng đem theo túi khi đi mua sắm, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

- Định kỳ tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh, thu gom rác thải nhựa tồn đọng tại các khu vực công cộng, khu đất trống, sông, kênh rạch... và có giải pháp duy trì kết quả đạt được trong thời gian tiếp theo. 

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng để động viên các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho phong trào “Chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục