Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn

Đó là nội dung cuộc toạ đàm được Bộ Lao động thương binh - Xã hội, Bộ Tư lệnh Công Binh, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 20-11 nhằm trao đổi, bổ sung các giải pháp; hoàn thiện đề cương tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn tại Việt Nam.
Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn

(SGGPO).- Đó là nội dung cuộc toạ đàm được Bộ Lao động thương binh - Xã hội, Bộ Tư lệnh Công Binh, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 20-11 nhằm trao đổi, bổ sung các giải pháp; hoàn thiện đề cương tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn tại Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng, hiện tại Việt Nam có gần 6,6 triệu ha đất (tương đương 20,12% tổng diện tích đất nước) đang nhiễm bom mìn trên tất cả các địa hình. Với lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là khoảng trên 800 nghìn tấn, ước tính Việt Nam cần 300 năm với khoảng 10 tỷ USD mới làm sạch được lượng bom mìn này. Tính đến tháng 12-2000, Việt Nam đã có hơn 104.298 người chết và bị thương do bom mìn còn sót lại, bình quân mỗi năm có hơn 2.000 người bị thương vong.

Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn ảnh 1

Trẻ em - đối tượng thường trở thành nạn nhân của bom mìn (ảnh minh họa)

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có một kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình trạng ô nhiễm bom mìn, đồng thời kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong chiến lược khắc phục hậu quả bom mìn. Theo ông Nguyễn Trọng Cảnh - Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, hàng năm Việt Nam đã chi ra hàng trăm tỉ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Tuy nhiên, lượng bom mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh quá lớn, hậu quả của nó gây ra rất nặng nề đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia công tác dò tìm bom mìn trên khắp lãnh thổ Việt Nam nhưng những kết quả đạt được còn quá nhỏ so với hậu quả mà chiến tranh để lại.

Ông Roger Hess - Giám đốc điều hành tổ chức nhân đạo Golden West (GWHF) của Mỹ cho biết: “Năm 2009, GWHF sẽ thử nghiệm nhiều thiết bị rà phá, đánh dấu vị trí bom mìn hiệu quả hơn. Đặc biệt, sẽ đưa hệ thống dò tìm đa chiều (MDA), trong vòng 1 tháng có thể dò tìm bom mìn trên diện tích hơn 100 ha đất (trong khi tốc độ rà phá bom mìn tại Quảng Trị hiện nay là hơn 100 ha/năm)”.

THUỲ UYÊN

Tin cùng chuyên mục