Chung tay ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép

Những năm gần đây, số lượng tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động khai thác hải sản tại các vùng biển chồng lấn, giáp ranh với các nước trong khu vực ngày càng nhiều, trong đó có nhiều tàu vi phạm quy định về khai thác IUU như: hoạt động sai nghề, sai vùng, sử dụng ngư cụ cấm, không ghi nhật ký khai thác, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài. 
Chung tay ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép

Né tránh kiểm tra

Theo thống kê, giai đoạn 2013 - 2018, tỉnh có 174 tàu trên tổng số 1.390 ngư dân bị bắt giữ vì đánh bắt trái phép, cao điểm là năm 2017 với 80 tàu và hơn 500 ngư dân. Nhằm giảm thiểu và phấn đấu đến 2020 cơ bản chấm dứt tình trạng này, tỉnh đã quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động đánh bắt thủy hải sản của các tàu cá. 5 văn phòng kiểm tra đã được thành lập tại các cảng cá lớn trong tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều tàu cá trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng địa phương, bằng cách cố tình không cập cảng bốc dỡ hàng hóa, cho tàu nhỏ đưa hàng vào bờ, hoặc qua tỉnh khác cập bến lên hàng.

Quan sát tại cảng Phước Tỉnh, một trong những cảng cá lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như của khu vực Đông Nam bộ, nhiều tàu cập bến nhưng cá đưa lên bờ phần nhiều là cá phân (bao gồm nhiều loại cá khác nhau với kích cỡ rất nhỏ) được thu mua để làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón. Tại các cảng cá phường 5 hay cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu)... loại hàng này cũng rất nhiều. 

Vì đánh bắt tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nhiều ngư dân “đánh quả liều” sang vùng biển nước bạn đánh bắt trái phép. Để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, chủ tàu cá tắt thiết bị vệ tinh movimar (thiết bị giám sát hành trình) để che giấu tọa độ đánh bắt. Sau khi đánh bắt xong, chủ tàu sẽ cập cảng ở những địa phương chưa quản lý chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc thủy sản để lên hàng. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5.905 tàu cá khai thác thủy hải sản, giảm hơn 350 tàu so với năm 2017. Trong số này, có hơn 2.800 tàu đánh bắt xa bờ (tàu dài trên 15m) nhưng hiện nay mới chỉ có hơn 1.000 tàu cá được lắp đặt thiết bị vệ tinh movimar. 

Các tỉnh ven biển phải cùng phối hợp

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đề nghị phối hợp quản lý, ngăn chặn khai thác IUU đối với tàu cá Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động ngoài tỉnh. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị các tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các tàu cá không ghi nhật ký, báo cáo khai thác, thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không lắp đặt, tàu cá vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Đối với trường hợp tiếp tục vi phạm, đề nghị cơ quan chức năng trục xuất về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tỉnh xử lý. 

Từ ngày 1-1-2019, Luật Thủy sản đã có hiệu lực. Trong tháng 2 vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã có thông tư hướng dẫn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó quy định rất rõ ràng về việc thanh tra, kiểm tra sản lượng đánh bắt, kích cỡ được phép bắt, ngư cụ, loại hình và khu vực cấm đánh bắt... Việc thực thi thông tư sẽ giúp nguồn lợi thủy sản được phục hồi, cải thiện tình trạng đánh bắt của tàu cá nước ta hiện nay, hướng đến nghề đánh bắt thủy hải sản bền vững.

Tin cùng chuyên mục