Chung tay phòng, chống đại dịch thế kỷ

Những năm qua, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống HIV/AIDS, với việc giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm, giảm số người chuyển sang AIDS, giảm số người tử vong. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thách thức đặt ra vẫn còn không ít, khi cả nước hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Dịch giảm nhưng tiềm ẩn

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, qua xét nghiệm trên cả nước phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.514, số bệnh nhân tử vong là 1.436. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (38%) và 30 - 39 (36%).

Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm, 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm. 

Còn theo kết quả giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm đồng tính nam là 12,2% và phụ nữ bán dâm là 3,7%.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy thay đổi không đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng tính nam có chiều hướng gia tăng - từ 5,1% năm 2015 lên 7,4% năm 2016 và 12,2% năm 2017. Dự kiến trong năm nay, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi nhiễm HIV và số trẻ em nhiễm mới là 268. 

Chung tay phòng, chống đại dịch thế kỷ ảnh 1 Bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại Phòng khám Liên khoa Lao - HIV/AIDS Gò Vấp. Ảnh: THÀNH SƠN                                          
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhận định trong thời gian tới, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao trở lại trong cộng đồng.

Đáng nói là sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm có quan hệ đồng tính nam, nhóm trẻ tuổi... có thể sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc lây truyền HIV từ người bệnh sang người không thuộc nhóm nguy cơ cao (như vợ, bạn tình) sẽ khó can thiệp giảm hại.

TPHCM tiệm cận mục tiêu 90-90-90

Theo ông Nguyễn Xuân Anh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, từ năm 2016, thành phố đã dồn tổng lực để thực hiện mục tiêu 90-90-90.

Đối với mục tiêu thứ nhất là 90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh, hiện thành phố có các giải pháp để tăng tỷ lệ tiếp cận các nhóm có hành vi nguy cơ cao bằng các phương thức như: mô hình giáo dục đồng đẳng truyền thống, mạng xã hội, kênh truyền thông xã hội, điện thoại di động, đẩy mạnh truyền thông về việc sử dụng các vật phẩm giảm tác hại…

Song song đó, TPHCM cũng đã duy trì và mở rộng hệ thống tư vấn xét nghiệm HIV với nhiều hình thức, như tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại các khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận, huyện; xét nghiệm không chuyên tại cộng đồng do các nhân viên tiếp cận cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng thực hiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chuyển gửi người nhiễm HIV vào điều trị.

Đối với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), thành phố triển khai thực hiện điều trị ARV theo 3 hình thức (điều trị qua bảo hiểm y tế, điều trị qua hệ thống tư nhân, điều trị miễn phí dành cho các bệnh nhân không đủ điều kiện) để được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo điều trị ARV liên tục.

" Việt Nam đã có nhiều thành tích trong việc phòng chống HIV/AIDS. Đó là sự thay đổi chính sách; sự điều chỉnh về cung cấp dịch vụ như gắn kết bảo hiểm y tế đối với điều trị; chỉnh sửa lại hướng dẫn điều trị và tải lượng virus; điều trị dự phòng trước lây nhiễm… Có tới 93% người nhiễm HIV ở Việt Nam được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Chỉ có một vài quốc gia đạt mức 95%, Việt Nam là một trong những quốc gia đó".
Ông John Blandford, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam
Tăng cường phối hợp, liên kết với 6 tỉnh phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang) chuyển gửi bệnh nhân, kéo giảm tình trạng mất dấu và gia tăng độ bao phủ bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.

Từ năm 2017, UBND TPHCM cũng đã chấp thuận hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và đồng chi trả thuốc ARV cho 100% bệnh nhân HIV/AIDS có hộ khẩu  và bệnh nhân cư trú tại TPHCM từ 6 tháng trở lên đang điều trị HIV/AIDS tại thành phố.  

Còn đối với mục tiêu 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, các cơ sở điều trị nâng cao chất lượng điều trị, từ đó giúp bệnh nhân an tâm tuân thủ điều trị ARV; thực hiện đo tải lượng virus thường quy cho bệnh nhân.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng điều trị là việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng sử dụng bệnh án điện tử để quản lý bệnh nhân, hỗ trợ tuân thủ điều trị, giảm mất dấu, tạo thuận lợi cho bệnh nhân (giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị ARV thông qua việc sử dụng tin nhắn nhắc lấy thuốc đúng lịch hẹn), phần mềm cảnh báo bệnh nhân cần chuyển đổi phác đồ để khống chế kháng thuốc…

“Tính đến tháng 9-2018, với mục tiêu thứ nhất, thành phố đã đạt được 83%, mục tiêu thứ hai đạt 82% và mục tiêu thứ ba đạt 96%. Như vậy, việc hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 tại TPHCM là hoàn toàn khả thi”, ông Nguyễn Xuân Anh Dũng thông tin.

Tin cùng chuyên mục