Chương trình Âm nhạc tỏa sáng: Sân chơi âm nhạc ý nghĩa

Tham gia vào chương trình Âm nhạc tỏa sáng phiên bản 2017, các ca khúc mới của các tác giả, các nhạc sĩ như được góp thêm sức sống. Riêng các ca sĩ, nhóm nhạc, có dịp để học hỏi, thể hiện tài năng. 
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng biểu diễn ca khúc Cuộc sống tươi đẹp do anh sáng tác
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng biểu diễn ca khúc Cuộc sống tươi đẹp do anh sáng tác
Chương trình Âm nhạc tỏa sáng phiên bản 2017 do Trung tâm Tổ chức biểu diễn - Hội Âm nhạc TPHCM và Nhà hát Bến Thành - Trung tâm Văn hóa quận 1 phối hợp tổ chức, được thực hiện vào sáng thứ bảy hoặc chủ nhật của tuần cuối tháng, đã trình làng được 2 kỳ. Bước đầu, chương trình với cách thể hiện hiện đại và hội nhập hơn, đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Thay đổi để hội nhập
Khoảng 10 năm trở lại đây, chương trình Giới thiệu ca khúc mới do Hội Âm nhạc tổ chức được đổi tên là Âm nhạc tỏa sáng. Năm 2017, chương trình được thực hiện theo phiên bản mới với nhiều thay đổi: cách thức gửi bài tham gia, đầu tư dàn dựng công phu từ âm thanh, ánh sáng, màn hình led, có hội đồng tương tác cùng đồng hành, góp ý, nhằm nâng cao chuyên môn cho các tác giả.
Trước kia, mỗi tháng ban tổ chức đưa ra một chủ đề để các nhạc sĩ sáng tác và gửi bài. Ở phiên bản mới, ban tổ chức tạo điều kiện để các nhạc sĩ có thể gửi các sáng tác ưng ý nhất về email của hội. Từ đây, ban tổ chức chọn các ca khúc có nội dung gần với nhau để đưa vào một chủ đề. Cách làm này giúp các nhạc sĩ không bị gò bó trong sáng tác và gửi tác phẩm (văn bản và audio). Sau khi đã chọn được tác phẩm đặc sắc, tiềm năng, bước tiếp theo là tổ chức dàn dựng thành tác phẩm trình diễn trên sân khấu. Lúc trình diễn, hội đồng tương tác thẩm định nghệ thuật gồm: nhạc sĩ (NS) Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Vy Nhật Tảo, Tôn Thất Lập, Phạm Minh Tuấn, PGS -NS Thế Bảo, NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Thanh Thúy, các NS trẻ Vũ Quốc Việt, Hoài An… sẽ có những góp ý thêm về chuyên môn, kỹ thuật, cách xử lý bài hát, hiệu quả hòa âm, phối khí, chọn giọng ca phù hợp, nhằm giúp các tác giả, nhạc sĩ rút kinh nghiệm cho các sáng tác về sau.
Ở chủ đề Giai điệu tháng tư, các sáng tác trình diễn đã khắc họa sinh động thời kỳ đấu tranh hào hùng xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Đọng lại trong lòng người nghe là những tác phẩm đạt được sự rung cảm sâu lắng: Tiếng hát từ lòng đất (NS Phạm Minh Tuấn), Tình yêu người lính trẻ (NS Nguyễn Văn Sanh), Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim anh (NS Phạm Tùng), Nhớ các anh (NSƯT Thế Hiển), Người mẹ Gạc Ma (NS Nguyễn Đình Hoàng)… Ở chủ đề Giai điệu trẻ, các tác phẩm Tình hồng (NS Quốc Tây), Cuộc sống tươi đẹp (NS - ca sĩ Nguyễn Phi Hùng), Vì sao anh yêu em (NS Nguyễn Văn Chung), Tình yêu ngày xưa (NS Quốc An), Rồi anh sẽ về (NS Bảo Huy), Cơn mưa nhỏ đầu mùa (NS Việt Anh)… đã tạo nên những nét chấm phá sinh động, nhiều màu sắc, lúc tình tự, lúc rộn rã, lôi cuốn.
Các tác phẩm được chọn dàn dựng và trình diễn trên sân khấu sẽ được chấm điểm theo bình chọn của khán giả (40% số điểm) và của hội đồng tương tác (60% số điểm). Những tác phẩm có số điểm cao nhất hàng tháng sẽ cùng với 3 ca khúc có lượt khán giả bình chọn cao nhất trong năm tham gia trong đêm gala Âm nhạc tỏa sáng, được tổ chức vào tháng 1-2018. 
Thúc đẩy đầu tư sáng tác âm nhạc
Khi chương trình kỳ 1 Giai điệu tháng tư kết thúc, ban tổ chức đã đón nhận hơn 100.000 lượt bình chọn từ phía khán giả. Bên cạnh đó, số lượng tác giả, tác phẩm gửi về cũng ngày càng nhiều. Điều này cho thấy hiệu quả của một sân chơi âm nhạc được đầu tư công phu, chất lượng, ý nghĩa, đã giúp các tác giả, nhạc sĩ có thêm động lực, hứng khởi để tư duy đề tài, sáng tác những ca khúc mới, đầu tư thực hiện các audio.
NS Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Ban tổ chức chương trình, chia sẻ: “Dù kinh phí tổ chức không thể tải nổi chương trình, nhưng ban tổ chức vẫn cố gắng làm hết sức mình. Hội cũng vận động sự hợp tác, hỗ trợ của các ca sĩ, nhóm múa, phòng thu và Nhà hát Bến Thành để giúp sân chơi quảng bá sản phẩm của các nhạc sĩ Hội Âm nhạc TPHCM được thực hiện tốt nhất. Đây cũng là cách kéo gần hơn khoảng cách giữa khán giả và các tác phẩm âm nhạc mới. Chúng tôi cũng hy vọng được Đài Truyền hình TPHCM thu hình và phát sóng (trong một khung giờ đẹp) để khán giả màn ảnh nhỏ được xem, nhằm giúp tuyên truyền quảng bá những tác phẩm âm nhạc chất lượng, ý nghĩa, có định hướng. Ban tổ chức cũng mong muốn phối hợp với các trường học để âm nhạc truyền thống đến được với các em học sinh, sinh viên”.
Từ nhiều năm qua, việc sáng tác âm nhạc có chiều sâu và chất lượng về nội dung, có giá trị nghệ thuật… ít được chú ý, vì trên hết là việc thiếu những sân chơi có định hướng, có thể giúp các tác giả, nhạc sĩ có thêm cơ hội quảng bá tác phẩm, giới thiệu ca khúc hay đến với công chúng. Nay, khi tham gia vào chương trình Âm nhạc tỏa sáng phiên bản 2017, các ca khúc mới của các tác giả, các nhạc sĩ như được góp thêm sức sống. Riêng với các ca sĩ, nhóm nhạc trẻ, được góp mặt trong chương trình chính là dịp để học hỏi, thể hiện tài năng, định hướng phong cách trình diễn.

Tin cùng chuyên mục