Chương trình Gia đình tiết kiệm điện năm 2012 - Lan tỏa ý thức cộng đồng

Năm nay là năm thứ 3 TPHCM triển khai chương trình Gia đình tiết kiệm điện với sự kết hợp tổ chức giữa Tổng Công ty Điện lực, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM. Chương trình này qua 3 năm đã mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận.

Năm nay là năm thứ 3 TPHCM triển khai chương trình Gia đình tiết kiệm điện với sự kết hợp tổ chức giữa Tổng Công ty Điện lực, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM. Chương trình này qua 3 năm đã mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận.

Cái gì đáng xài thì xài!

Ngồi cạnh chúng tôi trong cuộc họp tổng kết chương trình Gia đình tiết kiệm điện (GĐTKĐ) năm 2012 do Công ty Điện lực Thủ Đức tổ chức, một người đàn ông cứ mân mê tấm giấy công nhận GĐTKĐ. Ông tên Nguyễn Thành Tâm, nhà ở phường Linh Trung. Ông nói: “Năm nay nhà tôi mới được công nhận là GĐTKĐ. Hồi trước xài mỗi tháng 400.000 - 500.000 tiền điện, nay chỉ còn khoảng hơn 300.000 đồng”. Bí quyết là “cái gì đáng xài thì xài”, tủ lạnh chỉ cài đặt ở mức nhỏ, đủ lạnh, giảm sử dụng máy bơm, không xài máy lạnh.

Ngồi cạnh ông Tâm là người hàng xóm cùng phường và lần đầu tiên được mời dự lễ, cho biết thêm: “Gia đình tôi cũng lần đầu tiên được công nhận GĐTKĐ. Hồi trước nhà cũng xài phí lắm, bây giờ thì khác rồi, toàn bộ đèn đều xài bóng tiết kiệm điện nên tiền điện giảm hẳn”.

Không chỉ riêng hai hộ trên mà trong 3 tháng (4, 5 và 6-2012) thực hiện chương trình, tại quận Thủ Đức đã có 28.391 hộ gia đình có lượng điện năng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 623 gia đình được công nhận là GĐTKĐ cấp quận và thành phố.
 
Tương tự, tại quận 10 có 24.852 hộ gia đình tham gia chương trình, tăng 6,84% so với năm ngoái, với lượng điện năng tiết kiệm 9,6 triệu kWh. Điển hình như hộ chị Lê Thúy Bình (số 399/19 Sư Vạn Hạnh, phường 9 quận 10) lượng điện tiêu thụ giảm 43% hay như hộ chị Trần Thị Mỹ Dung (256/10 Nguyễn Tiểu La, phường 8 quận 10), tiết kiệm mỗi tháng 20% lượng điện tiêu thụ. Tại quận Bình Tân có đến 43.585 hộ gia đình đã tham gia tiết kiệm được 12,21 triệu kWh điện, trong đó số hộ tiết kiệm trên 10% điện năng tiêu thụ đạt 28.707 hộ.
 
“Đồng tiền liền khúc ruột” kết hợp với việc tăng cường tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức tiết kiệm điện của người dân. Ông Trần Long Sang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Gia Định cho biết với 236.573 kWh điện năng tiết kiệm trên địa bàn quận Phú Nhuận, người dân đã tiết kiệm được gần 500 triệu đồng. Điều đó giải thích vì sao số lượng gia đình tham gia chương trình mỗi năm đều tăng.

Cần mở rộng diện tham gia

Qua 3 năm triển khai chương trình, theo số liệu từ Tổng Công ty Điện lực TPHCM, lượng điện tiết kiệm được của tất cả các hộ gia đình là 189 triệu kWh. Hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên phải chăng vì đối tượng của chương trình là diện “gia đình” nên chỉ có diện hộ thắp sáng sinh hoạt mới được “chăm sóc kỹ lưỡng”. Thực tế, ngoài hộ gia đình, chương trình còn có tính đến các diện khác như chiếu sáng, cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN), đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước (NSNN)…

Tuy nhiên, qua khảo sát từ các quận huyện, chất lượng tham gia của các diện này còn trồi sụt, chưa đồng đều. Đơn cử như tại địa bàn quận 6, nếu năm 2011 lượng điện năng tiết kiệm của khối cơ quan HCSN là 1,4 triệu kWh thì năm 2012 chỉ là 484.000 kWh.

Tương tự, tại quận Bình Tân, năm 2011, khối cơ quan HCSN tiết kiệm được 990.275 kWh điện thì 6 tháng đầu năm 2012 chỉ mới đạt 338.120 kWh điện. Tại quận Phú Nhuận, lượng điện tiết kiệm của khối cơ quan HCSN trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 0,78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bùi Văn Kha, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Điện lực Phú Thọ cho xem danh sách 95 đơn vị HCSN trên địa bàn 2 quận 10 và 11 không tiết kiệm điện trong tháng 6-2012, trong đó nổi lên là các đơn vị thuộc khối giáo dục, đơn vị văn hóa. Bình quân các đơn vị này có lượng điện năng tiêu thụ tăng 10% - 50%, thậm chí có đơn vị tăng hơn 100%.

Tại sao lại có tình trạng “dân tiết kiệm trước, cơ quan chưa tiết kiệm”? Ông Kha cho biết ngành điện đã lên danh sách và sẽ kết hợp với các ngành chức năng để tiến hành vận động, thậm chí là xử lý theo Chỉ thị 06 của UBND TPHCM về tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố.
 
Chương trình GĐTKĐ đã đạt được những hiệu quả nhất định và cần được tiếp tục duy trì. Song song, chương trình cần mở rộng và chú trọng thêm diện đối tượng, đặc biệt là khối cơ quan HCSN, đơn vị thụ hưởng NSNN, kinh doanh dịch vụ… Sự hưởng ứng tích cực của các diện đối tượng nói trên chắc chắn sẽ nâng cao lượng điện năng tiết kiệm của toàn thành phố và ý thức tiết kiệm điện sẽ trở thành ý thức của cộng đồng.

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục