Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7

Bài 1: Vượt biển chở xuân đến đảo
Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7

Bài 1: Vượt biển chở xuân đến đảo

Suốt 7 năm qua, 6 đơn vị: Báo SGGP, HTV, CATPHCM, Mực Tím, Viện Tim và ĐH Luật TPHCM không chỉ làm nên tiếng tăm chương trình Mùa xuân biên giới mà hơn thế, họ đã mang niềm vui đến với các chiến sĩ đang gìn giữ vùng đất biên cương Tổ quốc trong những mùa xuân sớm; mang tết đến với hàng chục ngàn hộ nghèo biên giới, trẻ em nhiễm dioxin, mồ côi… Năm nay, hưởng ứng cuộc phát động “Nghĩa tình biên cương, hải đảo” của Trung ương Đoàn, đoàn công tác MXBG đã đến vùng biển cực Nam Tổ quốc – Cà Mau.

Giấc mơ 30 năm thành sự thật

Hai chiếc hải thuyền BP 19.11.01 và BP 19.11.02 chòng chành đứng giữa biển khơi. Hòn Chuối và những bóng áo xanh biên phòng hiện ra bên những căn nhà tơi tả vì gió. Mùa này gió mùa Đông Bắc thổi mạnh nên cư dân trên đảo đã dời sang làm nhà sống bên ghềnh Nam. Tàu buông neo sát ghềnh đá bờ Đông trong tiếng vỗ tay của nhiều người từng ra đảo này, bởi mùa gió bão thất thường này mà tàu cặp được bờ Đông an toàn quả là kỳ tích. Tiếng vỗ tay của những người đi tàu át cả tiếng khen của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, “giỏi… canh con nước rất giỏi” khi ông ôm vai đại tá Đoàn Binh Chuyển, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Cà Mau ở chân ghềnh đá.

Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7 ảnh 1

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng (trái) thăm hỏi lính biển.

Các “chiến sĩ” đoàn công tác Mùa xuân biên giới nằm vạ vật trên các ghế đá, võng giăng trên góc đảo vì say sóng biển. Nhưng chỉ 20 phút sau, đội hình của đoàn MXBG đã được xốc lại. Điều dưỡng trưởng Viện Tim Dương Văn Ba là người đầu tiên hô hoán mọi người trở về “vị trí chiến đấu”. Trong khi dân đến khám bệnh thì các nhà báo “bắt cóc” cán bộ, chiến sĩ biên phòng và hải quân trên đảo để phỏng vấn, khai thác tư liệu.

Một nhóm khác men theo triền đảo đến lớp học tình thương mới được mở theo lời hứa của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Khanh với cư dân đảo trong chuyến ra đảo cách nay hai tháng. Có lẽ lần đầu tiên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau tiến sĩ Thái Văn Long dự khánh thành “trường học” bé nhất tỉnh - lớp học với 14 học sinh trên đảo Hòn Chuối.

Lớp học của thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Quốc Tự có 14 học sinh từ 4 - 15 tuổi, tất cả đều học lớp 1. “4 tuổi sao học lớp 1 được?”, tôi hỏi. Thầy Tự cười rất hiền: “Tập thói quen thích đến lớp cho trẻ quen sống trên đảo cũng tốt, có đứa viết đẹp hơn chị nó 12 tuổi nữa đấy”. Đứng giữa lớp học tuềnh toàng với những đứa trẻ tóc vàng hoe vì gió và nắng biển đang ê a đánh vần bên những quyển vở mới trong những bộ quần áo mới chúng tôi vừa tặng, các thành viên đoàn MXBG lặng lẽ nhìn nhau cười hạnh phúc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM Võ Văn Thưởng đi một vòng thăm hỏi cư dân đảo và các chiến sĩ biên phòng Đồn 704 xong đã gọi ngay Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau đến giao nhiệm vụ xem xét và đề xuất để TƯ Đoàn cùng hỗ trợ kinh phí xây một trạm xá và một lớp học kiên cố trên đảo này.

Đứng bên mép ghềnh đá lởm chởm, ông Sáu Thiện, một trong những cư dân đầu tiên của đảo giờ đang là Tổ trưởng tổ an ninh nhân dân nói át tiếng sóng ầm ào dữ dội dưới chân ghềnh: “Đêm qua thấy gió to sóng lớn, cư dân đảo đã cùng cầu cho gió yên biển lặng để được đón niềm vui, điều may mắn do đoàn ông Bí thư Tỉnh ủy mang đến. Có quà tết chúng tôi vui 10 nhưng chúng tôi vui 100 bởi ước mơ hơn 30 chục năm của cư dân đảo đã thành sự thật.

Có lớp học, có trạm y tế, từ đây dân đảo sẽ khá hơn và không còn “bị” sống biệt lập với dân đất liền nữa rồi bà con ơi”. Ông Sáu Thiện càng nói giọng ông càng sũng nước. Cư dân đảo vỗ tay hô to “cám ơn ông Mùa xuân biên giới” (họ đã gọi Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau như thế). Tụi con nít cầm gói Poca và những lon Pepsi nhảy cẫng lên hô theo cha mẹ chúng “cám ơn “cái ông” Mùa xuân biên giới”… Chúng tôi cũng cười thật to, bởi hạnh phúc đang có thật trong lòng mỗi người.

Lần này, Viện Tim đã mang theo ra đảo 2 thùng thuốc và thiết bị y tế sơ cứu để tặng quân y biên phòng và quân y hải quân, riêng bà Tư “chuối nướng”, sau khi đọc bài viết đăng trên Báo SGGP, BS Huy - Bí thư Chi đoàn Viện Tim đã đi xin đồng nghiệp của anh ở BV Hùng Vương tặng “bà đỡ” Tư một thùng thiết bị y tế và một thùng thuốc dành cho các ca đỡ sinh.

Thấy các bác sĩ Viện Tim băn khoăn vì không thể chỉ dẫn cách sử dụng thiết bị y tế đã tặng cho bà Tư vì bà đã vào đất liền thăm cháu, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Khanh nói nhanh: “Tôi giao Sở Y tế đưa bà Tư vào bệnh viện tỉnh học cách sử dụng các thiết bị y tế và học thêm về sơ cấp cứu các sản phụ và trẻ sơ sinh, chi phí tỉnh chịu”. 100 cư dân đảo lần đầu tiên được “bác sĩ Sài Gòn” khám bệnh và mỗi người nhận một bọc thuốc to.

Họ đổ ra sân để xem ai nhiều thuốc nhiều hơn ai. Có người khiếu nại bác sĩ vì “bị phát thuốc ít hơn”. “Muốn bệnh nhiều hơn người ta hay sao mà phân bì thuốc ít nào? Khỏe hơn phải vui chứ”, nghe bác sĩ nói thế, bà Sáu - một trong những cư dân đầu tiên của Hòn Chuối gật đầu cười ha ha rồi tung tẩy bịch thuốc đi phăm phăm xuống các bậc đá lởm chởm.

Trung úy Hùng, Đồn biên phòng 704 và trung úy Thắng, Trạm ra đa 619, hái tặng đoàn những nải chuối ngon nhất sau vườn lúc chia tay và nói: “Hai tháng chị dám “cưỡi sóng” ra đảo hai lần, phải can đảm lắm mới làm được vậy, lính đảo Chuối chưa bao giờ được đón mùa xuân đến sớm vui và cảm động thế này. Tết sau lại ra đảo nhé chị. Lính đảo lại bắt đầu chờ đoàn thành phố từ bây giờ đó”.

Hải đảo bừng xuân

14 giờ. Đoàn công tác bịn rịn chia tay với những cư dân đảo và những người lính đảo để xuống tàu sang Hòn Khoai.

Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7 ảnh 2

Lính đảo hát cùng người thành phố.

Gió bắt đầu chuyển hướng và chiếc tàu sắt nghiêng ngả trên những đợt sóng phủ ngang mặt sàn tàu. Những chiến sĩ biên phòng mặc áo màu cam lửa vẫn đứng như tượng giữa những cơn sóng tạt ngang.

Các nhà báo, bác sĩ mặt xanh, môi tím trùm áo mưa cố ngồi chịu đựng những đợt nước tạt ngang người. Thành viên đoàn MXBG mím môi chịu đựng chuyến hải hành kéo dài hơn 4 giờ liền trên biển mênh mông để đến nơi họ muốn đến.

Trong ánh nắng vàng lấp lánh của buổi chiều trên biển cuối năm, củ khoai khổng lồ xanh thẫm đã hiện ra. Để vào bờ, mọi người phải tự thả mình từ trên tàu biên phòng xuống các chiếc vỏ lãi nhấp nhô bên mạn tàu. Sau mỗi tiếng hô đanh giữa biển rộng của lính biên phòng “xuống” là chúng tôi thả tay ngay để rơi vào trong lòng chiếc vỏ lãi mà sóng vừa đánh áp mạn tàu.

Tôi suýt bị rơi tòm xuống biển vì thả tay chậm mất mấy giây. “Kéo”, hai chiến sĩ của Hải đội 2 đứng bên mép mạn tàu đã nhanh tay kéo ngược tôi lên khỏi mặt nước. Chiếc vỏ lãi của tôi có anh Thưởng, Lâm và anh Việt, Phó chánh VP Tỉnh ủy Cà Mau chết máy đã trôi tự do lúc càng xa bờ, xa tàu. Chiếc vỏ lãi bằng composite như chiếc lá chòng chành, nghiêng ngả giữa biển.

Anh Võ Văn Thưởng ngồi sau lưng tôi cố nói giọng vui vui: “Chị biết bơi không? Lâm biết bơi không? Thuyền mà lật xem ai đạp thuyền té ngang xa nhất nhe”. Tôi hiểu, đó là cách nhắc nhở khéo của anh tránh bị thuyền úp chụp lên đầu, nếu có sự cố. Cuối cùng, tất cả cũng vào bờ an toàn.

Trên đảo Hòn Khoai này chỉ có lực lượng giữ đảo, không có dân sinh sống. Lần đầu tiên các chiến sĩ giữ đảo đón một đoàn khách thành phố 50 người, trong đó có hơn 20 cô gái lí lắc nói cười thân thiện. Đêm. Sương đêm xuống ướt tóc khiến các chàng trai cô gái thành phố thấm lạnh nhưng họ vẫn hát, cười nói, nhảy nhót cùng nhau.

Đại úy Hải, Chính trị viên Đồn biên phòng 700 nói với tôi: “Hơn 30 năm, lần đầu tiên đồn biên phòng này đón đoàn khách quá dễ thương. Tết năm nay với chúng tôi thật đáng nhớ. Chúng tôi sẽ vui suốt năm với những kỷ niệm của hôm nay. Tết năm sau, chúng tôi mong sẽ được đón đoàn MXBG nữa nhé chị trưởng đoàn!”. Việt và Trí, hai cậu lính biên phòng trẻ đưa tôi ly cà phê sáng cũng rón rén nói: “Cô, tụi cháu có thể ước một điều không?”. Họ không cần nói hết câu tôi cũng biết họ ước gì: năm tới, chúng tôi lại chở mùa xuân vượt biển đến sớm với lính đảo...

Các giọng hát đủ thứ tông, giọng của người TPHCM xen với lính biên phòng tạo nên những bè hát ngộ nghĩnh. Không sao, với họ chỉ cần cùng có nhau để sẻ chia chút hạnh phúc cuối năm trên hòn đảo cuối đất, cùng trời của Tổ quốc là đủ hài lòng và hạnh phúc. Hát, cười nói, nhảy múa và tâm tình say sưa cùng nhau cho đến khi ngày mới bắt đầu từ ánh dương hửng lên ở bên kia biển rộng. Chỉ đến khi lãnh đạo đồn nhắc các chàng lính trẻ vào nấu cháo đãi đoàn ăn sáng để còn lên đỉnh đảo, lúc ấy họ mới ngừng chơi.

Ngoài Lý Thu Hiền, Đăng Phương (HTV), Đặng Tất Dũng, Mai Hạnh (Đại học Luật), Thanh Truyền, Thúy Vy, Châu Hà (Mực Tím) là các “ca sĩ” được lính đảo yêu cầu hát cùng nhạc sĩ Xuân Nghĩa (Báo SGGP) nhiều liên khúc từ nhạc trẻ đến nhạc boléro. Cuộc chinh phục độ cao của chúng tôi bắt đầu bằng thủ tục phát gậy, những chiếc gậy Trường Sơn do anh Tuấn - Đội trưởng Đội kiểm lâm Hòn Khoai - chặt ở bìa rừng.

Phương Thục

Bài 2: Cho đi là nhận lại nhiều hơn thế

Năm nay, khi tổ chức chương trình Mùa xuân biên giới, chúng tôi đã rất lo lắng về tài chính cho chuyến đi vì kinh tế đang thời khó khăn. Nhưng thật cảm động, tổng số tiền mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị góp cho chương trình MXBG lần 7 lên đến 987 triệu đồng.

Chuyến công tác lần thứ 7 của chương trình Mùa xuân biên giới (MXBG) đã khép lại. Bao nỗi nhớ để lại nơi góc biển cuối trời và những hạnh phúc mà chúng tôi nhận được từ chuyến đi sẽ là món quà xuân ấm áp, quý giá của cả người cho lẫn người nhận.

Giấc mơ về con sông xưa

Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7 ảnh 3

Ra đảo. Ảnh: ngọc trước

6 giờ ngày 18-1, đoàn bắt đầu cắt rừng, băng suối lên đỉnh đảo Hòn Khoai. Con đường rừng mùa xuân nhiều mùi hoa thơm rất lạ. Một vài người trong đoàn hát bài hát Cùng hành quân đi giữa mùa xuân…

Chúng tôi đi giữa hương thơm của hoa, lá và đạp chân lên thảm hoa rừng rơi đủ màu khiến lòng ai cũng lâng lâng, dù rất mệt. Phong cảnh ở Hòn Khoai rất thơ mộng nhưng nhiều người thành phố vẫn tái mặt, chồn chân sau khi cắt rừng bằng lối đi lởm chởm đá rồi leo hàng chục con dốc thẳng đứng.

Lý Thu Hiền thở dốc ngồi bẹp xuống vệ rừng than: “Con đi hết nổi rồi má ơi”. Tôi cũng mệt lả người. Đang lúc ấy thì tiếng máy xe nổ từ xa, phía sau cánh rừng rậm rạp. Hai chiếc xe gắn máy xuất hiện ở đầu dốc. Đó là hai chiếc xe mà anh Vân và anh Toàn chủ hai doanh nghiệp tặng các đơn vị trên đảo, sau bài viết về “vật thể lạ” là chiếc xe quá cũ trên đảo. Những chiếc xe đã “cõng” tôi, Thu Hiền và một số “yếu nhân” nữa của đoàn MXBG lên đỉnh đảo.

Các chiến sĩ hải quân của trạm ra-đa đón chúng tôi bằng những ly nước trà đường mát lạnh. 15 phút để mọi người hít thở, lấy lại sức, cuộc giao lưu giữa đoàn MXBG với lính biển trên đỉnh đảo, bắt đầu.

Qua nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê/Ơi, con sông dạt dào như lòng mẹ/Chở che con qua chớp bể mưa nguồn…Lý Thu Hiền bắt đầu cho cuộc giao lưu của đoàn công tác MXBG trên đỉnh Hòn Khoai, giữa những người lính hải quân bằng giọng hát như một lời ru của bài Khúc hát sông quê. Căn phòng nhỏ trên đỉnh đảo lặng ngắt, chỉ có tiếng gió thổi lay động những cây rừng quanh đảo. Trong không gian thinh lặng, những cặp mắt đỏ hoe.

Thượng úy Dũng, người sĩ quan hải quân dạn dày trận mạc đã đi gần hết những hòn đảo của cực Nam Tổ quốc gần 20 năm qua và năm nay nữa là 9 năm anh “ôm đảo” này nhường “tết gia đình” cho anh em đã rưng rưng nước mắt, nhớ về một dòng sông quê hương chảy phía sau căn nhà nhỏ chứa đầy những mộng mị tuổi thơ…

Cuộc giao lưu phải kết thúc nhanh hơn kế hoạch do Đại tá Đoàn Binh Chuyển, Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng Cà Mau thông báo - gió sẽ tăng cấp độ và biển động trong 2 giờ nữa. “Rút thật nhanh ra khỏi vùng biển động vì đoàn khá đông phụ nữ”, Bí thư Tỉnh ủy lệnh.

Đoàn công tác do Bí thư Nguyễn Tuấn Khanh dẫn đầu quầy quả xuống núi. Thỉnh thoảng lại có tiếng la thất thanh của các nhà báo trẻ vì những cái trượt chân trên những tảng đá đầy rêu xếp lộn xộn trên triền suối do đi vội. Nhóm lính biển cùng xuống núi với chúng tôi và nói đủ thứ chuyện, thiếu úy Hòa nói anh ước được nghe một bài hát về quê hương xứ Nghệ của mình. “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh/Ôi câu hò xứ sở nghe thắm đượm tình quê/... Ôi câu hò quê hương/anh hát chiều ni răng mà thương… mà nhớ…”, giữa rừng thanh vắng, giọng hát của cô Bí thư Đoàn Đài Truyền hình TPHCM làm ngẩn ngơ những người lính biển. Những số điện thoại, những địa chỉ hòm thư quân đội được trao nhau vội vã ở mé rừng.

Thiếu úy Hoan dúi vào tay tôi mấy trái chanh rừng mà lính đảo trồng được cùng cái khăn thấm nước để “chị nhấm nháp cho đỡ mệt”. Đại úy Phong, Trạm trưởng cùng đoàn sĩ quan của Trạm ra đa 595 tiễn chúng tôi đến tận mé biển và nói: “Ước sao năm tới chúng em lại được đón Mùa xuân biên giới lần nữa”.

“Chúng tôi cũng ước năm tới mọi việc của chúng tôi sẽ trôi chảy, nhưng biết đâu sẽ có những thay đổi mà chúng tôi không vượt được..”, nghe tôi nói thế, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng nói ngay: “Trung ương Đoàn đánh giá cao sáng kiến của Báo SGGP và chị về chương trình này. Chúng tôi trân trọng sự nỗ lực, đức hy sinh và tấm lòng hướng về biên giới, hải đảo và vì người nghèo vùng sâu, vùng xa của các đơn vị, các thành viên tham gia đoàn MXBG suốt 7 năm qua. Đây là dấu son trong hoạt động Đoàn của các đơn vị và Đoàn TNCS TPHCM. Trung ương Đoàn mong chương trình này không chỉ được tiếp tục mà loại hình này sẽ được nhân rộng ở nhiều nơi”.

Cuộc chơi nghĩa tình của những người áo trắng

Chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7 ảnh 4
Bác sĩ Viện Tim khám bệnh ở Đất Mũi.

“Khiêng thuốc xuống tàu”, tiếng gọi của BS Mai Quốc Dũng, Viện Tim. Ngọc Trước, Bí thư Đoàn Báo SGGP hô to “bắt dây”. Mấy chục con người răm rắp xếp thành hàng dài để chuyển hàng hóa từ sân đồn biên phòng ra đến chân cây phong ba đứng kiêu hãnh giữa bãi đá tròn như trứng ngỗng ven biển.

Đoàn Viện Tim năm nào cũng là những người vất vả nhất đoàn. Hàng hóa của họ là hàng đặc chủng, ngoài họ ra chẳng ai biết phải giúp họ phân chia hàng hóa thế nào và công việc của họ không ai có thể làm thay. Các bác sĩ tay yếu nhưng chân không mềm của Viện Tim đến từ nhiều khoa, phòng: Phòng khám, thông tim can thiệp, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng, dược đã cùng đoàn MXBG đi đến khắp các góc rừng Tây Nguyên, nhiều góc phố nghèo của tỉnh Chămpasắc (Lào) và bây giờ là lênh đênh sông nước để đến những thôn ấp heo hút cách đất liền hơn 120 phút đi ca nô, hơn 4 giờ đồng hồ đi biển.

Đoàn Viện Tim mỗi năm đi là mỗi năm có thêm những người bệnh được cứu chữa khẩn cấp. Còn nhớ, năm trước đã có 2 bệnh nhân tim được cứu chữa khẩn cấp giữa rừng Trường Sơn, trước khi họ được chỉ định chuyển viện. Hơn 10 trẻ mắc bệnh tim được chẩn đoán, phát thuốc trị giá nhiều triệu đồng/phần và chỉ định mổ miễn phí tại Viện Tim.

Năm nay, một em gái sốt cao ở xã An Xuyên (thành phố Cà Mau) được các BS Viện Tim chỉ định chuyển cấp cứu khẩn vì nghi nhiễm trùng ổ bụng do viêm ruột thừa cấp, ba bệnh nhân có vấn đề về huyết áp và tim cũng được khám, phát thuốc trước khi chuyển viện cứu chữa.

Những bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài, quen điều kiện khám bệnh cao cấp nhưng cũng chính họ đã chịu đựng điều kiện khám bệnh thiếu thốn với những căn bệnh được tìm ra bằng chính trái tim nhạy cảm của họ. Năm nay, họ đã khám và phát thuốc cho 700 người, nâng tổng số khám chữa bệnh của họ lên con số 3.000 người trong 3 mùa công tác.

Cà Mau là xứ mà xuồng, ghe là “vật bất ly thân” của mọi người, mọi cơ quan. Vẫn biết thế, nhưng nào có phải ai cũng có tiền mua đò, ghe làm phương tiện di chuyển. Nhiều học sinh nghèo đã phải ngậm ngùi chia tay trường lớp vì không tiền đi đò. Mỗi ngày đi học, một học sinh phải tốn từ 10.000 – 15.000 đồng.

Để duy trì sự học, nhiều cháu phải đội quần áo lên đầu để bơi đi học. Nhưng nhiều nơi, dù biết bơi các cháu cũng không thể phiêu lưu tự bơi đến trường vì phải vượt qua những ngã ba sông mà sức các em không thể cưỡng nổi dòng nước cuốn. Để có tiền đi đò đến lớp, Mí, học sinh lớp 2 trường Đất Mũi đã phải đội luôn mâm xôi đến bán gần trường để kiếm tiền trả tiền đò, đi học.

Minh, một học sinh nhận học bổng 500.000 đồng của chúng tôi đã rơm rớm nước mắt hỏi tôi: “Nếu học giỏi nữa con sẽ được nhận tiền đò phải không cô?”. Nắm bàn tay đen, gầy của em tôi nghẹn cổ, cố cười mà không nổi. Tôi ước sao mọi người cùng chung tay chia sẻ nỗi lo toan của những đứa trẻ nghèo ham học đang cố vượt sóng mà đi này.

54 học sinh nhận học bổng là những học sinh giỏi mà mấy tháng qua các em “bị” cha mẹ thông báo phải nghỉ học nhiều lần do không tiền đi đò. Có những cháu bé học lớp 4 mà chỉ bằng đứa bé học lớp 1 ở TPHCM. Vất vả mưu sinh sau giờ học giữa sông nước mênh mông nắng cháy để có tiền đi tìm tương lai mới bằng chữ nghĩa đã khiến bé Trang khô quắt. Nhận tiền hỗ trợ đi đò, gói quà tết và 10 quyển vở mới, bé Trang kêu to: “Mẹ ơi, con được đi học tiếp rồi nè. Có tiền đi đò rồi mẹ ơi”.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã tiễn chúng tôi bằng bữa cơm thân mật sau 5 ngày chúng tôi về công tác ở Cà Mau với những lời cám ơn được nói nhiều lần thay cho dân nghèo xứ ông. Đại tá Đoàn Binh Chuyển, Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng tỉnh Cà Mau cũng nói: “Thay mặt cán bộ chiến sĩ biên phòng, nhất là cán bộ, chiến sĩ hai đồn trên đảo, tôi xin được cảm ơn và cảm ơn nhiều lần hơn nữa bằng tình cảm từ trái tim người lính đối với đoàn MXBG. Cám ơn mùa xuân mà các anh chị đã mang đến cho những người lính tiền tiêu và cho chúng tôi hẹn được gặp lại”.

Quà tặng mùa xuân này chúng tôi mang đến vùng đất cực Nam Tổ quốc thật phong phú. 4 xe mô tô 125 phân khối nhập khẩu, gần 2.000 phần quà tết tặng các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa; 54 học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi được phát kèm với 200 phần quà tết gồm vật dụng học tập, là 4.000 quyển vở, 2.000 cây bút, 350 bộ quần áo, bánh mứt.

Có 17 TV, 21 cassette và đầu DVD, 20 bộ banh lưới bóng chuyền, 500m vải ngoại nhập, 100 thùng mì gói, 1.000 báo xuân của các đơn vị, hơn 150 triệu đồng tiền tân dược, 7 thùng thiết bị y tế, gần 6.000 sản phẩm cao cấp các loại tặng cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng, hải quân, công an.
 
Số tiền 997 triệu đồng mà chúng tôi nhận được cho chương trình Mùa xuân biên giới lần thứ 7 được góp bởi: Báo SGGP, UBND tỉnh Cà Mau, Báo CA TPHCM, Viện Tim, ĐH Luật, HTV, Mực Tím,Công ty Unilever Vietnam, Pepsico VietNam, CLB Du học sinh TPHCM (OVS), Công ty TNHH Tân Thuận Phát, hai công ty ở Cà Mau: Công Lý và Thiên Tân, ông Trương, ông Lư (gửi thông qua Báo SGGP bản tiếng Hoa), ông Bút (Cà Mau),…

Cho chúng tôi, những người tổ chức và thực hiện chương trình Mùa xuân biên giới 7 được nói lời cảm ơn đến những doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chung tay cùng chúng tôi thực hiện chương trình này. Xin chúc mọi người năm mới sức khỏe, thành đạt.

PHƯƠNG THỤC

Tin cùng chuyên mục