Chuyển bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải

Sáng 28-12, trao đổi với PV SGGP, ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã có và thống nhất chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng về trụ sở HĐND thành phố tại 42-46 Bạch Đằng, cách vị trí hiện tại chừng 500m. Tuy nhiên, đây mới là chủ trương nên chưa biết chính xác thời gian thực hiện. Hiện nay, lãnh đạo Đà Nẵng đang chọn vị trí để dời trụ sở HĐND TP Đà Nẵng để bàn giao cho Bảo tàng Đà Nẵng. 
Chuyển bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải

(SGGPO).- Sáng 28-12, trao đổi với PV SGGP, ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã có và thống nhất chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng về trụ sở HĐND thành phố tại 42-46 Bạch Đằng, cách vị trí hiện tại chừng 500m. Tuy nhiên, đây mới là chủ trương nên chưa biết chính xác thời gian thực hiện. Hiện nay, lãnh đạo Đà Nẵng đang chọn vị trí để dời trụ sở HĐND TP Đà Nẵng để bàn giao cho Bảo tàng Đà Nẵng. 

Chuyển bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải ảnh 1

Một góc phía Nam Thành Điện Hải

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng quyết định dừng thực hiện dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ (dự kiến cao 12 tầng) trên đường Lý Tự Trọng (giáp với phía Bắc Thành Điện Hải) để không làm ảnh hưởng đến di tích Thành Điện Hải. Đồng thời, Đà Nẵng cũng có chủ trương di dời, giải toả 54 hộ dân đang xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc xâm hại di tích Thành Điện Hải để trả lại cảnh quan cho di tích này.

Chuyển bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải ảnh 3

Thành Điện Hải bị nhà dân và các công trình kiến trúc lấn chiếm


Được biết, di tích Thành Điện Hải hiện đang được Hội đồng di sản quốc gia và Bộ VH-TT-DL đã cơ bản thống nhất năm 2017 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận thành Điện Hải là di tích quốc gia cấp đặc biệt. Trong khi đó, hiện nay di tích Thành Điện Hải bị lấn chiếm, xâm hại bởi nhà dân, công trình kiến trúc và cả trụ sở của Bảo tàng Đà Nẵng.

Khi có thông tin chuyển trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng đến trụ sở HĐND TP Đà Nẵng, giới nghiên cứu văn hoá và người dân Đà Nẵng cho rằng đây là một quyết định rất đúng đắn của lãnh đạo TP Đà Nẵng nhằm bảo tồn di tích lịch sử đặc biệt như Thành Điện Hải.

Theo tài liệu sử sách để lại, Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ.
 
Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao và đến năm 1835 đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam, một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn.
 
Hiện nay, tường thành phía Tây, Đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn, còn cửa thành phía nam đã mất và phía Bắc đã hư hại. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lich sử hào hùng của thành phố.
 
Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860. Trong lúc thi công công trình nâng cấp, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử thành Điện Hải, các công nhân đã phát hiện một khẩu thần công nằm sâu dưới lòng đất. Cuối tháng 7-2008, trên công trình xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng tại di tích thành Điện Hải lại tiếp tục phát hiện thêm một khẩu súng thần công. Gần 200 năm trước, những khẩu thần công này cùng với đội quân triều Nguyễn, dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, đánh lui hàng chục đợt tấn công của quân Pháp ngay tại cửa sông Hàn. Súng thần công được bố trí trên các ụ súng, quay mặt ra phía biển sẵn sàng nghênh chiến với tàu địch.
 
Những khẩu thần công ở thành Điện Hải chính là những chứng tích vô cùng quý giá để những thế hệ người dân tự hào về mảnh đất cửa biển. Bằng lòng dũng cảm, ý chí ngoan cường, người dân Đại Việt đã chiến thắng đội quân hùng mạnh vào bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.
 
Ngày 16-11-1988, Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia và được gắn bia di tích ngày 25-8-1998.


 Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục