Chuyện cổ tích ngày nay

Từ một vùng đất chua phèn nặng, hoang hóa lâu đời, bỗng chốc trở thành vùng đất phì nhiêu hàng năm cung cấp hàng triệu tấn lương thực cho cả nước; từ một vùng đất rộng người thưa, nay đã mọc lên những xóm làng trù phú. Nhiều người bảo khai phá Đồng Tháp Mười (ĐTM) là chuyện cổ tích của ngày nay.
Chuyện cổ tích ngày nay

Từ một vùng đất chua phèn nặng, hoang hóa lâu đời, bỗng chốc trở thành vùng đất phì nhiêu hàng năm cung cấp hàng triệu tấn lương thực cho cả nước; từ một vùng đất rộng người thưa, nay đã mọc lên những xóm làng trù phú. Nhiều người bảo khai phá Đồng Tháp Mười (ĐTM) là chuyện cổ tích của ngày nay. Còn nói như lời của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: “Khai phá ĐTM là một thành tựu cực kỳ to lớn, mang tầm vóc thời đại, tầm vóc quốc gia. Đây là việc làm mà ông cha ta nhiều đời nay không làm được và không thể hình dung được”.

  • Cánh đồng hoang

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết (118 tuổi, ấp Cả Rưng, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) kể: “Hồi đó, vùng này hoang vu, hiểm trở lắm. Toàn là sông rạch nên ít có ai đến ở, nếu có thì nhà này cách nhà kia cũng cả ngày đi ghe. Việc đi lại ở đây cũng khó khăn, mà có đi cũng chỉ dám đi vào ban ngày, vì ở đây thú dữ rồi trăn rắn, muỗi mòng, đỉa nhặng nhiều dữ lắm…”.

Một góc thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) ngày nay.

Một góc thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) ngày nay.

Ông Trần Ngọc Nhóm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo chương trình ĐTM của tỉnh Long An, cho biết: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng đất này vẫn còn là một vùng đất hoang. Ngay khi thực hiện chương trình ĐTM của tỉnh Long An vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, trong gần 300.000ha đất thuộc vùng ĐTM của tỉnh thì còn trên 170.000ha bị hoang hóa (chủ yếu là đất phèn). Cái khó lúc bấy giờ là đất rộng, người thưa (khoảng 52 người/km²), còn mọi thứ khác thiếu thốn trăm bề. Giao thông đường bộ ở ĐTM gần như không có, chỉ có một con đường độc đạo (liên tỉnh lộ 12) từ thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang) qua Kiến Bình rồi đến thị trấn Mộc Hóa nhưng cũng bị xuống cấp trầm trọng do chiến tranh. Việc đi lại của người dân chủ yếu là bằng đường thủy theo một ít sông, rạch, kênh chính.

Ở đây, bưu điện cũng không, bởi toàn vùng chỉ có 30 máy điện thoại (ở một số cơ quan cấp huyện) nên liên lạc giữa huyện và xã chủ yếu dựa vào sức người. Cả vùng chỉ có 2 máy phát điện công suất thấp của chế độ cũ để lại, thời gian cung cấp điện cũng chỉ khoảng 3-4 giờ mỗi ngày đêm. Còn y tế, giáo dục cũng trong tình trạng thiếu thốn. Cả khu vực rộng lớn chỉ có 3 trường cấp 3, 65 trường cấp 1, 2; toàn vùng chỉ có 3 bệnh viện quy mô nhỏ và 38 trạm y tế xã (chủ yếu bằng tre lá) với 1 bác sĩ và 20 y sĩ… Đời sống của người dân vùng này cũng luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn, nhất là cái ăn. Do trồng lúa mùa, năng suất thấp nên lương thực bình quân đầu người rất thấp, chỉ đạt khoảng 101kg lúa/người/năm, nên nhiều hộ lâm vào cảnh thiếu đói.

Ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Năm 1976, nếu không có sự chi viện 8.000 tấn lương thực của Trung ương, người dân Đồng Tháp nói chung, người dân ĐTM nói riêng sẽ đói. Nguyên nhân là nạn thất nghiệp tràn lan, rồi tỉnh phải gánh vác, đùm bọc thêm 80.000 kiều bào từ Campuchia về nước với hai bàn tay trắng…

Trước yêu cầu cấp bách giải quyết bài toán thiếu lương thực, rồi yêu cầu giãn dân, đưa dân về quê cũ làm ăn sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chủ trương “Tiến công vào ĐTM” đã được các tỉnh lên kế hoạch, nhanh chóng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Nhóm, một “Tổng tư lệnh” cánh quân khai phá ĐTM từ Long An, cho biết: “Có được một ĐTM phì nhiêu, trù phú như ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng ĐTM phải trải qua muôn vàn khó khăn thử thách. Bởi chủ trương là vậy nhưng tiến công, đột phá vào ĐTM bằng cách nào, nguồn lực nào là một bài toán cực kỳ nan giải”.

  • Cánh đồng vàng

Ông Mai Thành Phụng, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp ĐTM, một trung tâm có nhiều đóng góp trong việc chuyển giao KHKT cho nông dân trong cuộc chinh phục khai phá ĐTM cho biết: Hiện nay, mỗi năm vùng ĐTM của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp cung cấp cho cả nước khoảng gần 5 triệu tấn lương thực. Một con số mà cách đây không lâu, người lạc quan nhất nằm mơ cũng không ra!

Có được cánh đồng màu mỡ, đất đai phì nhiêu như hôm nay, nhiều người vẫn nhớ những lời phán như đinh đóng cột của những chuyên gia nước ngoài khi ta mời họ đến giúp cải tạo vùng ĐTM lúc bấy giờ. Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Khi mời một số chuyên gia chuyên trị đất phèn của Hà Lan, Liên Xô trước đây sang giúp cải tạo đất phèn ở vùng ĐTM, sau một thời gian đi thực tế, nghiên cứu, các chuyên gia bảo rằng khó cải tạo vùng đất này để trồng lúa, do nhiễm phèn nặng. Muốn cải tạo đất phèn để sản xuất được như ở Hà Lan phải tốn chi phí khoảng 1 triệu USD/ha.

Tính ra, để cải tạo gần 697.000ha đất nhiễm phèn nặng của vùng ĐTM thuộc 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, số tiền phải bỏ ra khoảng 670 tỷ USD, quả là con số không tưởng. Thế nhưng chuyện không thể đã trở thành có thể khi ta bắt tay tiến công vào khai phá vùng ĐTM bằng chính sức lực và trí tuệ của chính con người Việt Nam, của người dân vùng ĐTM. Từ một vùng đất chua phèn hoang vu nay thành vựa lúa không chỉ cho vùng ĐBSCL mà là vựa lúa của cả nước. Đây là một thành công lớn, đáng ghi nhận, trân trọng của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong công cuộc khai phá ĐTM.

Sau 30 năm khai phá, cải tạo và phát triển, cánh đồng hoang hóa ngày nào đã trở thành “cánh đồng vàng”, làm nên một cuộc cách mạng thần kỳ về lương thực. Từ mức bình quân lương thực 101kg lúa/người/năm, nay con số này đã lên gần 3tấn/người/năm. Thậm chí có huyện, có xã ở vùng ĐTM đạt 4-5 tấn đến 7-8 tấn/người/năm. Quả là một thành tựu khó tin, nhưng đó là sự thật không thể phủ nhận. Chẳng những thế, ngày nay mọi mặt đời sống của người dân ở nơi đây cũng có nhiều thay đổi. Nhất là sau trận lũ lịch sử năm 2000, Trung ương đã đầu tư chương trình cụm tuyến dân cư, tạo nơi ở ổn định cho dân cư sinh sống, phát triển sản xuất trong mùa lũ, nên bộ mặt nông thôn ở đây càng thêm khởi sắc. Thị trấn Tháp Mười của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch xây dựng thành TP của trung tâm vùng ĐTM.

Ở Long An cũng thế, bộ mặt nông thôn mới ở vùng này cũng không ngừng thay da đổi thịt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng từng ngày được nâng lên. Ông Huỳnh Văn Thừng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh (Long An), cho biết dân Tân Thạnh giờ không còn sợ đói nữa. Đường sá ở đây cũng đã thông thoáng hơn, ô tô có thể dễ dàng chạy đến trung tâm của 13 xã, thị trấn, còn ở xóm - ấp có lộ làm bằng tấm đan cho xe 2 bánh đi lại dễ dàng. Các xã giờ cũng đã có bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trên 90% số hộ trong huyện có điện sử dụng và nước sạch để xài…

Quả thật, có đi, có đến mới cảm nhận được sự thay đổi từng ngày ở vùng đất này. Câu ca “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy” có lẽ sẽ trở thành giai thoại nói về hình ảnh xa xưa của vùng đất ĐTM, còn ngày nay bộ mặt của vùng đất này đã hoàn toàn thay đổi. Đất ở ĐTM hiện nay không còn chỗ nào không có chủ.

Thậm chí nó “bị” khai phá đến độ Nhà nước buộc phải quy hoạch một số tiểu vùng để nó được còn hoang. Và nói theo lời của một số cán bộ chủ chốt của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp - những người đã một thời gắn “sự nghiệp” của mình với công cuộc khai phá ĐTM, thì công cuộc khai phá vùng ĐTM là một chương trình tổng hợp rất chiến lược với nhiều kế hoạch, dự án khá toàn diện và đồng bộ về khai hoang, điều dân đến sản xuất xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội cho ĐTM về thủy lợi, giao thông, điện, giáo dục - y tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng… đã đạt được những kết quả lớn và hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm, cũng đầy khó khăn gian khổ và phức tạp.

Hy vọng chương trình dân sinh vùng lũ ở các tỉnh vùng lũ ĐBSCL nói chung, vùng ĐTM nói riêng tiếp tục gặt hái được những thắng lợi mới, góp phần xây dựng bộ mặt nông nghiệp nông thôn mới ở ĐTM và ĐBSCL ngày một khởi sắc hơn, “để chúng ta có quyền tự hào thành công của chúng ta không ở đâu có được” - như lời của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

ĐĂNG NGUYÊN

Đồng Tháp Mười là một vùng đất rộng lớn và trũng thấp, nằm trọn ở hạ lưu sông Cửu Long về phía tả ngạn sông Tiền. Phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới quốc gia dài 185km. Phía Tây - Nam giáp sông Tiền, phía Đông và Đông - Bắc giáp sông Vàm Cỏ Đông và quốc lộ 1A.

Tính chiều ngang từ huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đến TP Tân An (tỉnh Long An) dài khoảng 120km, còn chiều dọc từ huyện Vĩnh Hưng (Long An) đến huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) dài khoảng 60km.

Tin cùng chuyên mục