Chuyến công du chiến lược

Ngày 22-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Đây là điểm công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc. Dù người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào cũng chọn Nga làm điểm công du nước ngoài đầu tiên, nhưng theo các nhà quan sát, chuyến đi của ông Tập Cận Bình có tầm quan trọng đặc biệt vì diễn ra trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách cân bằng chiến lược hướng Đông của chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama-chiến lược mà Bắc Kinh tin là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chuyến đi cũng được cho là có tính biểu tượng nhằm khôi phục không khí của thời kỳ cách mạng khi cha ông, ông Tập Trọng Huân, làm Phó thủ tướng và chính sách thân Liên Xô của Trung Quốc thời bấy giờ.

Ngày 22-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Đây là điểm công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc. Dù người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào cũng chọn Nga làm điểm công du nước ngoài đầu tiên, nhưng theo các nhà quan sát, chuyến đi của ông Tập Cận Bình có tầm quan trọng đặc biệt vì diễn ra trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách cân bằng chiến lược hướng Đông của chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama-chiến lược mà Bắc Kinh tin là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chuyến đi cũng được cho là có tính biểu tượng nhằm khôi phục không khí của thời kỳ cách mạng khi cha ông, ông Tập Trọng Huân, làm Phó thủ tướng và chính sách thân Liên Xô của Trung Quốc thời bấy giờ.

Theo New York Times, hiện nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không được nồng ấm, nhất là từ sau khi Mỹ công bố chiến lược trở lại châu Á, và mới đây nhất là lời tố cáo từ Mỹ về việc các tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc tấn công và lấy dữ liệu của các công ty Mỹ. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ngày càng sâu rộng. Hai bên có chung quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế như Iran, CHDCND Triều Tiên, Syria… Các vấn đề này dự kiến cũng sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, bên cạnh chủ đề thắt chặt hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà quan trọng nhất là năng lượng.

Hiện có các dự đoán rằng ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin sẽ ký một thỏa thuận được mong đợi từ lâu về năng lượng, theo đó Trung Quốc sẽ nhận được dầu và khí mà Nga cung cấp với mức giá hợp lý. Trong nhiều năm, 2 nước đã thương lượng để sản lượng dầu Trung Quốc nhập từ Nga sẽ tăng lên gấp đôi, giúp nước này bớt lệ thuộc vào vùng Vịnh và Bắc Phi. Theo một nguồn tin thân cận, 2 nước cũng đang lên kế hoạch mở một quỹ đầu tư chung khổng lồ. Đối với Mátxcơva, điều này có tầm quan trọng không chỉ về chính trị, mà còn về kinh tế với tiềm năng đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ cao và khai thác năng lượng của Nga.

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Giáo sư Sergei Luzyanin, cho rằng việc củng cố quan hệ với Nga có thể biểu lộ mong muốn của Bắc Kinh gửi đi một “tín hiệu” tới Washington rằng không phải mọi thứ đều có thể được đo bằng giá trị của các bản hợp đồng thương mại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện quan điểm dù mối quan hệ và những nghĩa vụ về thương mại và kinh tế giữa hai nước Trung - Mỹ là mối quan hệ luôn cần có nhau, song ưu tiên chiến lược của Trung Quốc đối với Nga có thể còn cao hơn.

Mối quan hệ đối tác Nga - Trung chính là câu trả lời có trọng lượng trước việc trở lại châu Á của Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc muốn nhận được sự ủng hộ của Nga trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Mỹ, trên biển Hoa Đông. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chính trị giữa Mátxcơva và Bắc Kinh lên một tầm mới, có chất lượng cao hơn so với thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Quốc. Với việc đi Nga, ông Tập Cận Bình còn muốn đảm bảo rằng mối quan hệ Bắc Kinh - Mátxcơva sẽ vẫn luôn tốt đẹp, trước khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama trong năm nay. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục