Chuyển đổi công nghệ số trong y tế: Cách làm của “người mở đường”

Trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ để thăm khám trực tuyến và cấp thuốc; bệnh nhân không phải xếp hàng chờ khám, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo...  là những ứng dụng cụ thể của việc chuyển đối số trong y tế đang và sắp được áp dụng tại Việt Nam, sớm nhất là vào năm 2020 tới. 

Trong đó, Bệnh viện Vinmec đang nằm trong nhóm tiên phong chuẩn bị đưa công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

Công nghệ giúp điều trị “cá thể hóa”

Theo Bà Lê Thúy Anh, TGĐ Hệ thống y tế Vinmec, bệnh viện đang có những chuẩn bị tích cực để có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

"Dân số VN đang già đi và mô hình bệnh tật thay đổi, vì thế luôn cần có những giải pháp mới cho y tế. Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa vào các mô hình, như mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất. Ví dụ như trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ, bác sĩ sẽ thăm khám trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ và chẩn đoán, trong 24g tới cần uống thuốc hay chăm sóc như thế nào, nếu mẹ không có thuốc thì bệnh viện sẽ cấp thuốc về nhà", bà Lê Thúy Anh nói.

Chuyển đổi công nghệ số trong y tế: Cách làm của “người mở đường” ảnh 1 Vinmec đang hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa vào các mô hình, như mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất

Vinmec cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiến tới người bệnh đến viện sẽ không phải chờ đợi và đăng ký khám chữa bệnh, mà quy trình sẽ được xử lý tự động từ khi khách đặt hẹn qua hệ thống. Khách sẽ được cấp 1 mã thẻ để có thể nhận diện ở các phòng khám, phòng chăm sóc, nhờ vậy sẽ giảm được thời gian chờ đợi, thanh toán... thông qua các mô hình tài chính tự động tích hợp.

Thay vì chờ 30 phút thì giờ đây người bệnh có thể về sau khi được khám bệnh, mọi động tác thanh toán sẽ tự động tính và trừ trên ví điện tử, từ đó cũng tiết giảm được thời gian chờ đợi của người bệnh, thay đổi và cải thiện trải nghiệm của người bệnh khi đi khám chữa bệnh

Xu thế công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ khiến các cơ sở y tế của cả hai khu vực trong và ngoài công lập không thể “đứng ngoài cuộc”. Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh của các bệnh viện là vô cùng cần thiết, giúp cho mọi hoạt động của bệnh viện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng người bệnh nhiều hơn.

Hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay đang chuyển dần sang hướng điều trị cá thể hóa. Muốn làm được điều này, các bệnh viện cần phải có dữ liệu để từ đó phân tích, đưa ra giải pháp điều trị phù hớp với từng cá nhân. Trong bối cảnh đó, Vinmec đang hướng đến xây dựng hệ thống điều trị và nghiên cứu, tiên phong chuẩn bị đưa công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh.

Người bệnh hưởng lợi từ chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông minh và quản trị thông minh vào y tế đem lại nhiều lợi ích. Đối với chuyên môn, các ứng dụng trên nền tảng số như hội chẩn từ xa, ứng dụng kỹ thuật thông minh như phẫu thuật robot hoặc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị.

Đối với người bệnh và thân nhân, công nghệ giúp tăng tiện ích dịch vụ y tế trong quá trình trải nghiệm khám chữa bệnh, tăng cường giao tiếp với nhân viên y tế và giảm thời gian chờ đợi thông qua các tiện ích như đặt lịch hẹn online, thẻ khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm online. Chuyển đổi số cũng giúp các bệnh viện và nhà nước quản lý hoạt động của bệnh viện hiệu quả hơn.

Chuyển đổi công nghệ số trong y tế: Cách làm của “người mở đường” ảnh 2 Dự kiến 2020 tới, Vinmec sẽ đưa những ứng dụng đầu tiên trong tiến trình xây dựng bệnh viện thông minh vào triển khai

“Quan trọng nhất của chuyển đổi số là chuyển đổi cách suy nghĩ về định hướng để từ đó đưa ra cách làm phù hợp, các giải pháp công nghệ phù hợp để mở ra nhiều cách tiếp cận với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng nâng lên của khách hàng cũng như của nhu cầu quản trị, vận hành bệnh viện. Để tăng tiếp cận tốt thì phải mở ra nhiều cách tiếp cận khác nhau chứ không thể cứ ngồi chờ”, bà Thuý Anh nhấn mạnh.

Dự kiến năm 2020 tới, Vinmec sẽ đưa những ứng dụng đầu tiên trong tiến trình xây dựng bệnh viện thông minh vào triển khai. Nhiều bệnh viện khác cũng đang có những kế hoạch tương tự để có thể tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin, giúp giải quyết những điều tưởng rất xa lạ và khó khăn, như những trường hợp người bệnh chuyển nặng đột ngột và không kịp chuyển tuyến, nếu không có công nghệ thông tin sẽ rất khó hỗ trợ điều trị kịp thời.

Tin cùng chuyên mục