Chuyện ghi ở quận 11

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, ngày 28-8, quận ủy quận 11 (TPHCM) đã tổ chức trao bằng khen và giao lưu với 16 tập thể, 67 cá nhân điển hình xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bí thư Quận ủy quận 11 Dương Công Khanh nhấn mạnh: “Những việc làm của họ tuy đơn giản nhưng rất thiết thực, hiệu quả, rất nhân văn làm xúc động lòng người”.

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, ngày 28-8, quận ủy quận 11 (TPHCM) đã tổ chức trao bằng khen và giao lưu với 16 tập thể, 67 cá nhân điển hình xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bí thư Quận ủy quận 11 Dương Công Khanh nhấn mạnh: “Những việc làm của họ tuy đơn giản nhưng rất thiết thực, hiệu quả, rất nhân văn làm xúc động lòng người”.

        “Mỗi đảng viên phải cần kiệm, liêm chính”

Tại buổi giao lưu, nhiều người đã chụp hình chung để làm… kỷ niệm với Đại úy Bùi Văn Tuyến, Trinh sát Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Quản lý Kinh tế và chức vụ Công an quận 11.

Chuyện là vào cuối năm 2007, trong khi thụ lý giải quyết vụ vi phạm kinh tế của Công ty TNHH Thành Niên (P16 Q11), đại úy Tuyến đã kiên quyết không nhận hối lộ 20 triệu đồng. Ấy là thời điểm sau buổi làm việc tại công an quận, kế toán của Công ty TNHH Thành Niên đã bỏ lại một bao thư, trong đó có số tiền như trên.

Khi được hỏi vì sao gia cảnh không khá giả mà lại từ chối món tiền lớn, đại úy Tuyến nói: “Trong Di chúc của Bác Hồ, Người có viết rằng Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Bản thân tôi là đảng viên, là chiến sĩ công an nên lúc nào cũng ghi nhớ điều này”. Mặt khác khi nhận “bồi dưỡng” rồi thì chắc chắn mình sẽ thành “nô lệ” cho đối tượng giải quyết vụ việc”.

        “Không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”

Với ông Lê Đình Phùng, Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Điều hành KP1, Chủ tịch Hội CCB phường 1, việc làm theo Di chúc Bác Hồ đã kéo dài mấy mươi năm qua.

Ông tâm tình: “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi từng đọc Di chúc của Người. Người khẳng định rằng: “Dù khó khăn gian khổ mấy, nhân dân ta nhất định thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to” và những ngưới lính đã thấy lời tiên đoán của Người là đúng. Rồi Người còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Vì vậy là một đảng viên, tôi cần phải làm đúng Di chúc của Người. Có sức bao nhiêu, tôi làm bấy nhiêu”.

Và người dân phường 1 luôn luôn thấy “ông già CCB” đi hết hẻm này đến nhà nọ, chỉ để xin tiền giúp người nghèo trong phường. Cũng vì thường xuyên đến với những người nghèo, ông Lê Đình Phùng phát hiện 2 hộ nghèo đến nỗi “nhà rách không ai vá nổi”. Thế là ông cùng đồng đội đi gõ cửa các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, trưng ra “bằng chứng” là những tấm hình chụp cận cảnh để xây dựng 2 ngôi nhà tình thương.

Lại cũng do hay “lang thang” ở cơ sở, ông Phùng thấy nhiều trẻ em nghèo có nguy cơ bỏ học. Nghĩ vậy, ông đề xuất Đảng ủy, UBND phường cho phép ông đi vận động xin tiền lập Quỹ Khuyến học. Hỏi tiền quỹ hiện có bao nhiêu, ông nói chính xác không cần suy nghĩ: “16 triệu đồng và 500 cuốn tập”. Hiện nay, KP1 nơi ông “quản lý” đã xóa 100% hộ nghèo; trên 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”!

        “Phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”

Được mời giao lưu tại lễ khen thưởng có một đại biểu rất nhỏ, đó là đội viên Nguyễn Ngọc Phụng, Chi đội 8/5 - Liên đội Trường THCS Lê Anh Xuân. Phụng kể: “Năm học 2008-2009 vừa rồi, trường em có bạn Ngô Trí Phước bị ung thư xương đầu gối phải. Qua tìm hiểu, em được biết gia đình bạn Phước rất khó khăn nên không có tiền chữa trị. Vậy là em đề xuất với Ban Chỉ huy Liên đội, thầy Tổng phụ trách đội, Ban Giám hiệu nhà trường phát động trong toàn thể đội viên, học sinh, giáo viên quyên góp tiền giúp bạn”.

Không những thế, gặp các bác phụ huynh học sinh đến rước con, em đi học về, Phụng cũng xắn tay vào vận động họ! Kết quả là chỉ trong một quãng thời gian ngắn, Phụng đã vận động được 10 triệu đồng giúp bạn Phước chữa bệnh.

Tuy Nguyễn Ngọc Phụng chưa kể về bản thân nhiều trong buổi giao lưu song khi ai đó nhắc lại lời trong Di chúc Bác Hồ rằng “đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, cả hội trường đều thấy rất đúng! 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục