Chuyên gia cảnh báo ngọn núi Triều Tiên thử hạt nhân có nguy cơ đổ sập

Các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo, nếu ngọn núi Triều Tiên dùng làm bãi thử trong lòng đất bị sập sau vụ thử hạt nhân cuối tuần trước, một lượng lớn phóng xạ có thể phát tán ra ngoài.

 

Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng đã xảy ra tình trạng sập đường hầm sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên do cơn địa chấn. Ảnh: EPA
Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng đã xảy ra tình trạng sập đường hầm sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên do cơn địa chấn. Ảnh: EPA

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nhận định của các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tại Hợp Phì, An Huy, trong số 6 vụ thử hạt nhân, thì 5 vụ trong đó có vụ hôm 3-9, Triều Tiên đều tiến hành tại bãi thử trong lòng một ngọn núi ở Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamgyong.

Giới chuyên gia nhận định ngọn núi nơi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân có nguy cơ đổ sụp, làm rò rỉ phóng xạ ra khu vực xung quanh, bao gồm Trung Quốc. 

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, cho biết vụ thử hạt nhân lần 6 mới đây của Triều Tiên đã được tiến hành tại bãi thử Punggye-ri, giống như 4 lần gần nhất trước đó. Nhận định này được đưa ra dựa trên việc đo đạc và phân tích sóng xung kích phát ra từ vụ nổ, cùng với dữ liệu đo rung chấn tại hơn 100 trung tâm quan sát ở Trung Quốc và các nước. Mức sai số được cho là chưa đầy 100m. 

Ông Wang Naiyan, cựu Chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Trung Quốc và là chuyên gia cấp cao về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cho rằng, nếu những đánh giá của mình đúng, thì Triều Tiên có nguy cơ đối mặt với một thảm họa môi trường. “Nếu ngọn núi đó bị sập, một hố lớn sẽ lộ ra và những thứ tồi tệ sẽ phát tán ra ngoài”, ông Wang nhận định.

Theo chuyên gia này, một vụ thử nữa có thể tạo ra một khoang rỗng bên trong ngọn núi, khiến núi có thể bị đổ sụp và phóng xạ sẽ thoát ra ngoài, lan ra khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Chuyên gia Trung Quốc này phân tích rằng khả năng đứng vững của ngọn núi phụ thuộc vào vị trí Triều Tiên đặt quả bom. Nếu bom được đặt trong một đường hầm đào theo phương thẳng đứng, thiệt hại có thể sẽ không nghiêm trọng. Tuy nhiên, cách làm này khó thực hiện và tốn kém, khó thu thập dữ liệu. Còn nếu bom được đặt trong đường hầm nằm ngang, xuyên vào giữa núi thì nguy cơ đổ sụp sẽ cao hơn.

Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, vụ thử hạt nhân ngày 3-9 của Triều Tiên có sức công phá tương đương 108,3 kiloton, mạnh hơn gần 8 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học tại Na Uy ước tính năng lượng phát ra từ vụ thử hạt nhân hôm 3-9 mạnh gấp 10 lần so với sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima. 

Tin cùng chuyên mục