Chuyện về chiếc máy PlasmaMed đẳng cấp thế giới

Họ là 2 nhà khoa học trẻ, đầy tâm huyết. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, chế tạo, chiếc máy PlasmaMed “made in Việt Nam” do họ làm ra đã được thừa nhận mang đẳng cấp thế giới. Chiếc máy ứng dụng công nghệ plasma trong điều trị y tế, diệt khuẩn và chữa lành các vết thương mà không cần tới kháng sinh đã trở thành hiện tượng của giới KH-CN Việt Nam.
Chuyện về chiếc máy PlasmaMed đẳng cấp thế giới

Họ là 2 nhà khoa học trẻ, đầy tâm huyết. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, chế tạo, chiếc máy PlasmaMed “made in Việt Nam” do họ làm ra đã được thừa nhận mang đẳng cấp thế giới. Chiếc máy ứng dụng công nghệ plasma trong điều trị y tế, diệt khuẩn và chữa lành các vết thương mà không cần tới kháng sinh đã trở thành hiện tượng của giới KH-CN Việt Nam.

1. Trong câu chuyện của mình, TS Đỗ Hoàng Tùng và TS Nguyễn Thế Anh cho biết, mọi việc bắt đầu từ năm 2011. Lúc đó, tất cả “vốn liếng” chỉ là 2 chiếc bàn văn phòng và một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với chi phí 15 triệu đồng; 4 năm sau, ở tuổi 36, họ đã chế tạo thành công chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (PlasmaMed), một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này. Tới nay, sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn (như Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy…), chiếc máy PlasmaMed của Hoàng Tùng và Thế Anh đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ.

Chiếc máy này không chỉ là sản phẩm “made in Việt Nam” mang đẳng cấp thế giới về công nghệ mà còn đặc biệt ở chỗ, việc ứng dụng công nghệ plasma trong điều trị y tế, nhất là diệt khuẩn và chữa lành các vết thương không cần tới kháng sinh, một hướng đi quan trọng trong tình trạng kháng thuốc kháng sinh tràn lan hiện nay. Hơn nữa, phương pháp chiếu tia plasma chữa trị vết thương giúp chi phí của bệnh nhân giảm từ 8 - 10 lần so với cách điều trị bằng thuốc kháng sinh thông thường.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh xem thuyết trình về máy PlasmaMed ở Thái Nguyên, tháng 11-2016

2. Người thầy hướng dẫn của Tùng là GS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý đã đưa cho anh 2 hướng lựa chọn: Tiếp tục đi sâu vào Vật lý lý thuyết; hoặc đi theo hướng nghiên cứu plasma để trở thành người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng chuyên ngành này tại Việt Nam. Tùng đã chọn hướng đi thứ hai dù biết đó là hướng đi nhiều thử thách và khó khăn hơn. “Lúc đó plasma vẫn là khái niệm rất mới tại Việt Nam, chưa có ai nghiên cứu về nó cả nên đây sẽ là lựa chọn rất khó khăn. Tuy nhiên, mình cũng cảm thấy năng lực của mình có hạn nên không muốn đi theo hướng Vật lý lý thuyết”, Tùng kể lại. Trong thời gian học tiến sĩ, rồi sau tiến sĩ tại Cộng hòa Liên bang Đức, Tùng và Thế Anh vẫn thường xuyên giữ liên hệ, trao đổi với nhau về công việc.

Hai người gặp lại nhau năm 2011, khi Tùng từ chối nhiều lời mời ở lại Đức và quyết định trở về Việt Nam với mục tiêu đem những kiến thức về plasma mình học được để ứng dụng trong đời sống và xây dựng chuyên ngành nghiên cứu plasma tại Việt Nam. Sau khi nghe Tùng trình bày ý tưởng về chiếc máy phát tia plasma dùng trong điều trị y tế, Thế Anh đã bị thuyết phục và quyết định rời khỏi Viện Hóa học chuyển sang Phòng thí nghiệm công nghệ plasma làm việc cùng Tùng. Những kiến thức về hóa học và vật liệu của Thế Anh đã góp một phần quan trọng trong việc chế tạo chiếc máy phát tia plasma lạnh bằng công nghệ hồ quang trượt. Tùng cho biết thêm, để có thành công của chiếc máy PlasmaMed còn có vai trò hết sức quan trọng của một người bạn từ thời cấp 3 khác. Đó là Nguyễn Huy Hạnh, hiện đang làm việc kinh doanh ở ngoài. Chính Hạnh là người đã giúp Tùng và Thế Anh thành lập Công ty cổ phần Plasma và hiện đang làm giám đốc điều hành công ty này; giúp tìm kiếm các nguồn vốn, đầu tư cho Tùng và Thế Anh nghiên cứu, chế tạo máy plasma; cũng như lo các thủ tục pháp lý, định hướng việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm PlasmaMed…

Nói về những dự tính tương lai, Tùng cho biết, sau khi chuyển giao chiếc máy PlasmaMed để đưa vào sử dụng trong đời sống, anh sẽ quay lại với công việc nghiên cứu của mình. Hướng nghiên cứu tiếp theo của Tùng là ứng dụng công nghệ plasma vào y sinh, nông nghiệp, khoa học vật liệu và môi trường. Trong khi đó, Thế Anh cho rằng, ngoài những hướng nghiên cứu chung, bản thân anh cũng tự định hướng cho mình hướng nghiên cứu ứng dụng plasma trong hóa học, chuyên ngành mà anh đã tích lũy kiến thức lâu nay. “Chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt chỉ là khởi đầu cho việc ứng dụng plasma vào đời sống. Sẽ còn rất nhiều ứng dụng nữa của plasma trong tương lai”, Hoàng Tùng khẳng định.

 Đỗ Hoàng Tùng và Nguyễn Thế Anh biết nhau từ hồi lớp 5 khi cả hai có mặt trong đội tuyển thi Toán quốc gia của tỉnh Thanh Hóa. Lên cấp 3, họ lại là bạn cùng lớp chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) khóa 1994 - 1997, rồi cùng vào đội tuyển thi quốc gia môn Hóa của trường. Tới khi thi đại học, Tùng chọn Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, còn Thế Anh chọn Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, Tùng về làm việc tại Viện Vật lý còn Thế Anh cũng ký hợp đồng về làm việc tại Viện Hóa học, đều thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam. Sau đó, trong khi Thế Anh hoàn thành luận án tiến sĩ tại Viện Hóa thì Tùng may mắn hơn khi có được cơ hội làm tiến sĩ tại nước ngoài.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục