Trước ngày 15-4, phải báo cáo Chính phủ tình hình xử lý kiến nghị của dân

Trước ngày 15-4, phải báo cáo Chính phủ tình hình xử lý kiến nghị của dân

Trước ngày 15-4, phải báo cáo Chính phủ tình hình xử lý kiến nghị của dân

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu báo cáo, đánh giá thực trạng tiếp nhận, xử lý các phản ảnh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Báo cáo phải làm rõ: các ý kiến phản ảnh của dân, doanh nghiệp, về cơ chế, chính sách thủ tục hành chính không còn phù hợp và những văn bản mà các đơn vị đã ban hành có liên quan đến công tác này; hình thức, phương pháp các địa phương tổ chức tiếp nhận xử lý các phản ảnh kiến nghị …

Trước ngày 15-4, bộ ngành và các địa phương phải gửi báo cáo về tình hình này cho Văn phòng Chính phủ. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo: Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và Chủ tịch UBND 24 quận huyện báo cáo đánh giá thực trạng tiếp nhận các kiến nghị, phản ảnh của dân và doanh nghiệp.

TR.T.

Cán bộ công chức lịch sự, hòa nhã khi tiếp dân

Bộ Nội vụ vừa ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Theo đó, CBCCVC khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ phải mặc trang phục, đeo thẻ công chức, phù hiệu đúng quy định; khi tiếp dân, phải có thái độ lịch sự, hòa nhã. CBCCVC không được mạo danh để giải quyết công việc và tạo thanh thế; không được trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi nhiệm vụ do mình thực hiện gây hậu quả nghiêm trọng; không được làm lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác… Nếu vi phạm quy tắc thì tùy theo mức độ mà CBCCVC sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

C.D.

Còn tình trạng họp nhiều lần để giải quyết một nội dung

Đó là báo cáo của UBND TPHCM về việc thực hiện Quyết định số 114/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính. UBND TP nhìn nhận: Đơn vị được giao chủ trì chưa chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để chuẩn bị nội dung đầy đủ trước khi tổ chức cuộc họp. Do vậy, một số cuộc họp phải kéo dài thời gian so với quy định hoặc phải tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết một nội dung. Công tác tổ chức chưa tốt nên số cuộc họp bị hoãn còn khá nhiều.

Trong năm 2006, UBND TP cho biết cấp TP đã giảm 13,7% cuộc họp so với năm 2005, UBND quận 1 giảm 46,07% cuộc họp, huyện Cần Giờ giảm 40% cuộc họp.

TR.T.

Tin cùng chuyên mục