Bí thư “chi bộ nhân dân”

“Bí thư 30 năm”

Đúng ra bà con khu phố 3 (P7, Q11, TPHCM) gọi chết tên ông Phạm Xuân là “ông Xuân cầu tiêu”, thế nhưng đồng chí Chủ tịch UBMTTQ Q11 Phan Minh Châu thì cứ nhất mực gọi ông Xuân là “bí thư chi bộ nhân dân” và còn bảo: “Nhà báo mà không gặp ông ấy, là tiếc lắm đấy!”.

“Bí thư 30 năm”

Bí thư “chi bộ nhân dân” ảnh 1

Ông Phạm Xuân tuy đã 78 tuổi, vẫn là “bí thư chi bộ nhân dân”. Ảnh: M.A.

Ông Phạm Xuân theo đoàn quân giải phóng về tiếp quản và được cử làm Bí thư chi bộ (lúc này chưa có Đảng ủy) P7 từ năm 1977. Đến năm 1981 thì Đảng bộ P7 thành lập, ông Phạm Xuân làm Bí thư Chi bộ KP3 kiêm Chủ tịch UBMTTQ P7.

Có lẽ vì vậy mà hình ảnh ông già Xuân đầu bạc trắng đạp xe khắp các ngõ ngách trong phường đã in sâu vào trí nhớ của người dân. Nhưng cái mà bà con KP3 nhớ nhất là cách ông vận động làm cầu tiêu (nhà vệ sinh) cho 41 hộ dân kinh tế mới trở về vào năm 1983.

Đã mấy mươi năm qua, mà bà Trần Thị Có, ông Võ Công Đặng, ông Năm Mẫm vẫn nhớ như in, họ kể: “Ông Bí thư vận động thanh niên đào hố làm hầm cầu, đi xin mạnh thường quân tiền để xây bàn cầu, rồi bỏ tiền túi ra nấu cơm cho thợ xây ăn… Bà con lúc ấy đi kinh tế mới trở về nghèo lắm, lại đang thời bao cấp nên ai cũng trắng tay. Chuyện đi vệ sinh chỉ là “tương bậy” rồi vứt lung tung… Ổng về đây làm bí thư, bà con ai cũng có cầu tiêu để sử dụng nên gọi chết tên ổng là “ông Xuân cầu tiêu”.

Con hơn cha, nhà có phước

Một câu chuyện xảy ra vào năm 2003 mà cho đến nay, toàn Đảng bộ Q11 vẫn còn nhắc, rằng: Theo chủ trương trẻ hóa cán bộ, ông Xuân đã mạnh dạn xin rút khỏi chức vụ Chủ tịch UBMTTQ P7 để đưa một cán bộ trẻ khác lên thay thế. Còn mình lui về làm… Phó Chủ tịch để hậu thuẫn, hỗ trợ cho người cán bộ trẻ đó.

Chúng tôi gặp người cán bộ ấy, chị tên Trần Thị Cẩm Hà, với vẻ xúc động lộ rõ trên gương mặt, chị nói: “Năm 2001, tôi công tác chuyên trách về dân số, kế hoạch hóa gia đình của phường. Lớp cán bộ trẻ tụi tôi đều yêu quý gọi đồng chí Phạm Xuân bằng bố, xưng con.

Còn đồng chí Phạm Xuân thì khi bảo ban, khi rầy la, lúc lại động viên chúng tôi… và toàn xưng hô thân mật “tao, mày” như trong nhà vậy. Tôi cũng không ngờ bố Xuân lại chọn mình kế nhiệm và càng ngạc nhiên hơn là bố tình nguyện về làm cấp dưới của tôi để… giúp đỡ kinh nghiệm. Thật đúng là một người cộng sản chân chính”.

Bà con địa phương kể lúc ban đầu, chị Hà hay chở bố Xuân bằng chiếc Honda cũ, hai “cha con” họ chở nhau đi vận động Quỹ vì người nghèo, vận động xây dựng khu phố văn hóa… và đi đến đâu, chị Hà cũng luống cuống, còn ông Xuân thì tự tin làm việc, rồi bảo ban chị Hà. Ông Xuân cười: “Con hơn cha là nhà có phước mà! Tui thương tụi nó (ý nói chị Hà và lớp cán bộ trẻ) như con của mình vậy. Bây giờ thì nó (Hà) “cứng” lắm rồi”.

“Chi bộ nhân dân”

Ba mươi năm làm công tác đảng, gần 50 tuổi đảng, trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, Bí thư Chi bộ KP3 Phạm Xuân luôn nêu tấm gương người cộng sản để lớp trẻ địa phương lấy đó mà học tập.

Anh Trần Oai (tổ 40) nhớ lại: “Hồi đó tui nghèo quá, ổng (ý nói ông Xuân) thấy vậy nên hướng dẫn cách viết đơn xin vay vốn, lập chương trình làm ăn… rồi nói bên XĐGN cho tui vay 2 triệu mua máy may để may gia công túi xách. Rồi ổng kè kè đôn đốc tui trả nợ, rồi cho vay tiếp mua thêm 4 máy may nữa.

Bây giờ tui hết nghèo rồi, 5 lao động trong nhà đều theo nghề may gia công. Ổng lại đang hướng dẫn tui vay dự án (của Hội LHPN) 20 triệu để mở cơ sở, tui chuẩn bị làm giàu chứ không còn phải thoát nghèo nữa. Tưởng ổng làm bí thư, làm việc của đảng là gì đó cao siêu lắm chứ, ai dè lúc nào cũng chỉ lo cho bà con thôi mà. Ổng tốt thiệt!”.

Chúng tôi hỏi trong nghị quyết của chi bộ, chuyện gì quan trọng nhất. Ông Xuân cho hay:

- Chúng tôi rà soát thấy còn 31 hộ nghèo và đang dồn sức tạo việc làm, đăng ký vay vốn cho bà con và chắc chắn rằng 28 hộ trong số đó sẽ thoát nghèo.

- Vì sao, thưa chú?.

- Vì mỗi doanh nghiệp, ví dụ như cơ sở của anh Oai, khi vay vốn làm ăn phải nhận thêm 3 lao động khác để giúp người cùng hoàn cảnh thoát nghèo. Hộ khá giúp hộ khó, mà hộ khá đó xưa cũng được giúp, nên giờ rất sẵn lòng. Những chuyện làm của chi bộ này đều xuất phát từ cuộc sống, yêu cầu của nhân dân mà!.

Chúng tôi hỏi vì sao đã 78 tuổi mà ông vẫn cứ lọc cọc đi làm, đạp xe đi xuống địa bàn hàng ngày, ông cười: “Ế, đừng coi thường, mỗi ngày tôi chạy bộ 1 vòng trường đua Phú Thọ, uống vài bình trà quạu. Càng đạp xe càng khỏe, còn sức là còn cống hiến, chú em ạ!”.

Đến lúc này, chúng tôi đã hiểu vì sao người ta gọi ông Bí thư chi bộ KP3 Phạm Xuân là Bí thư “chi bộ nhân dân”!

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục