Cô bé “Chim cánh cụt”

Cô bé “Chim cánh cụt”

Khi mới sinh ra, tứ chi của em Nguyễn Hoài Thương (7 tuổi, chuẩn bị vào lớp 2 Trường Liên minh Công nông, huyện Củ Chi, TPHCM) đã bị khiếm khuyết. Thế nhưng vượt qua mặc cảm về sự tật nguyền của mình, em luôn sống vui vẻ, hòa đồng. Ngày ngày em luyện tập bằng đôi chân, tay giả để tập những bước đi, viết từng con chữ…

Trong buổi lễ trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh, ở hàng ghế đầu tiên có một cô bé với đôi mắt sáng, lanh lợi luôn dõi theo các tiết mục trên sân khấu. Khi chú hề quản trò mời vài gia đình lên tham gia trò chơi, em giơ cánh tay bị khuyết đến khủy tay lên và quay sang rủ mẹ lên sân khấu. Tất cả mọi người trong hội trường đều hướng mắt về sân khấu khi Hoài Thương “bơi” đến vị trí chơi bằng chiếc xe tự chế gồm một miếng ván có bánh xe hỗ trợ. Vẫn nụ cười rạng rỡ, các thao tác nhanh nhẹn và tự tin, mẹ con Hoài Thương đã giành chiến thắng.

Hoài Thương nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh

Chị Trần Thị Cẩm Giang, 37 tuổi, mẹ bé Hoài Thương, tâm sự: “Vì cuộc sống khó khăn nên khi sinh đứa con đầu tôi không dám sinh nữa. Mãi 8 năm sau khi kinh tế tạm ổn tôi mới sinh Hoài Thương. Khi nhìn thấy con tôi đã ngất liệm, đau khổ và không tin vào mắt mình”. Mỗi lần ôm con vào lòng, chị lại khóc vì nghĩ đến tương lai mù mịt. Càng nhìn con, chị càng thêm tuyệt vọng. Mỗi lần thấy mẹ khóc, Hoài Thương lại đến lau nước mắt cho mẹ và nói những lời động viên để mẹ an lòng. Thương mẹ, 7 năm qua Hoài Thương luôn cho mẹ thấy mình tràn đầy tự tin và nghị lực bằng cách cố gắng học tập cũng như tập đi bằng đôi chân giả.

Chồng chị là công nhân tại một xưởng in, bản thân chị cũng từng là công nhân may. Cuộc sống của họ đã diễn ra êm đềm và ổn định. Thế nhưng khi sinh Hoài Thương, chị đã phải nghỉ làm để lo cho con. Cuộc sống gia đình cũng từ đó sa sút dần. Để có thêm thu nhập, từ nhỏ Hoài Thương đã cùng mẹ ngày ngày đi bán vé số. Thấy hoàn cảnh của em, nhiều người thương cảm và ủng hộ cho 2 mẹ con. Có lúc chị Cẩm Giang nghĩ cuộc đời của con mình có lẽ sẽ mãi như thế này. Nhiều lần trong lúc đi bán gần trường học, chị thấy Hoài Thương cứ nài nỉ cho đứng xem các bạn học một chút. Thấy con thích được đi học, chị quyết định nghỉ đi bán vé số và xin cho con được đến trường. Từ đó cuộc sống của Hoài Thương đã bước sang một trang mới.

Ở trường, ngoài siêng năng, Hoài Thương còn được thầy cô đánh giá là học trò thông minh. Dù là học sinh khuyết tật, nhưng Hoài Thương tỏ ra không thua kém những bạn bè lành lặn cùng trang lứa. Buổi sáng học trên trường, buổi chiều em cùng mẹ tập vật lý trị liệu, tập đi trên đôi chân giả, tập viết những con chữ đầu đời bằng đôi tay giả. Nhiều lần bị té ngã, phần thịt tiếp xúc với chân giả đau tê tái, Hoài Thương vẫn cố đứng lên và đi tiếp. Em quyết tâm phải bước được trên đôi chân của mình. Luôn sát cánh cùng con, thấy con chảy nước mắt vì đau, chị Cẩm Giang định khuyên con bỏ cuộc nhưng nhìn con luôn cố gắng, chị hiểu và tin tưởng con mình sẽ vượt qua được nỗi đau thể xác.

Rồi dù phải viết bằng đôi tay giả, chữ của Hoài Thương vẫn rất đẹp. Biết mình chậm hơn các bạn, ở lớp em luôn chú ý nghe giảng bài. Bài nào chưa theo kịp khi về nhà em sẽ luyện tâp thêm. Nhờ đó kết quả sau khi hoàn thành chương trình lớp 1, em thuộc tốp học sinh đứng đầu lớp. Với những thành tích của mình, Hoài Thương được chọn trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tốt.

Chỉ mới 7 tuổi, cái tuổi mà nhiều bạn cùng trang lứa còn phải được cha mẹ đút cơm, Hoài Thương đã tự mình vệ sinh cá nhân. Em luôn ý thức giờ nào làm việc gì thì phải làm việc nấy. Dù còn quá nhỏ để hiểu rằng cuộc đời đã lấy mất của mình điều gì, nhưng khi nhìn Hoài Thương nhanh nhẹn di chuyển trên chiếc xe tự chế, giọng nói và nụ cười đầy lạc quan, ai cũng tin rằng với nghị lực được tạo ra từ những cố gắng, em sẽ vững vàng bước tiếp trong tương lai.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục