Cơ cấu nữ cán bộ được cải thiện

Cả nước có 7/63 nữ bí thư tỉnh ủy, 14/128 nữ phó bí thư, 8/63 chủ tịch HĐND tỉnh, 31 nữ phó chủ tịch HĐND tỉnh, 18 nữ phó chủ tịch UBND tỉnh.
 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14. Ảnh: QUOCHOI.VN
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14. Ảnh: QUOCHOI.VN

Ngày 7-8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; các báo cáo của Bộ Y tế về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện pháp luật bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có 10 chỉ tiêu tiệm cận đạt, đạt và vượt yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Có 4 chỉ tiêu không đạt nhưng có tiến bộ so với năm 2017. Theo đó, tính đến hết tháng 6, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 27,2%; có 32,30% đại biểu nữ là người các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 47%, trong đó Văn phòng Chính phủ lần đầu tiên có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là nữ. Cả nước có 7/63 nữ bí thư tỉnh ủy, 14/128 nữ phó bí thư, 8/63 chủ tịch HĐND tỉnh, 31 nữ phó chủ tịch HĐND tỉnh, 18 nữ phó chủ tịch UBND tỉnh.

Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3-6-2008 của Quốc hội khóa 12 (về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân), Bộ Y tế cho biết số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng, từ 43,7% năm 2009 lên 88,5% năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội khóa 13. Đến năm 2018 đã có 47 doanh nghiệp bảo hiểm với trên 18 triệu hợp đồng, doanh thu trên 19.074 tỷ đồng, với 54 triệu lượt người tham gia. Về khả năng cân đối Quỹ BHYT, theo Bộ Y tế, mức đóng BHYT 4,5% lương được thực hiện từ năm 2010, phù hợp với mức viện phí. Tuy nhiên, giai đoạn 2012 - 2018 giá dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí nên từ năm 2016 đã xảy ra mất cân đối thu, chi Quỹ BHYT trong năm.

Về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết trong giai đoạn 2017-2019, quỹ đã hỗ trợ 99 đơn vị tại 63 tỉnh, 22 bộ, 4 thành phố du lịch và 10 bệnh viện. Đó là nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ các đơn vị trong toàn quốc thực hiện đồng bộ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Kết quả năm 2018 đã có 12 tỉnh giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tỷ lệ phơi nhiễm thụ động với khói thuốc.

°Cùng ngày, đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có cuộc làm việc với đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, quá trình triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, đến nay, số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện luật do Chính phủ, bộ, ngành ban hành trên dưới 40 văn bản. Ở địa phương, UBND tỉnh cũng đã quan tâm, chủ động tham mưu, trình HĐND ban hành quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực làm giám định tại địa phương mình như TPHCM, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Về người giám định tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng cho biết, hiện tổng số giám định viên trên toàn quốc là 6.154 người. Số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường… Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phát triển ngày càng nhanh về số lượng và chất lượng. 

Tin cùng chuyên mục