Cô giáo đi dạy 37 năm, lương hưu chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng do chính sách lương còn bất cập

Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm công tác. Khi nhận sổ lương, cô giáo Lan đã gần như ngã khụy vì đau lòng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lý giải câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm đi dạy
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lý giải câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm đi dạy

Sáng 31-10, tại diễn đàn Quốc hội, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng đã nhắc lại vấn đề này. Đại biểu đề nghị phải quan tâm hơn đến chính sách dành cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội cho biết, Ủy ban đã đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam báo cáo toàn bộ quá trình đóng BHXH của cô giáo Trương Thị Lan. 

Giải thích thêm về trường hợp này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, cô giáo Lan đi dạy 37 năm, nhưng trước đó cô đi dạy tự nguyện, hưởng theo mức đóng góp của người dân. Còn thực tế, thời gian đóng BHXH của cô Lan là hơn 22 năm 8 tháng. Mức lương là 1,8 triệu đồng làm căn cứ đóng BHXH. Khi cô Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69% tính theo bình quân mức đóng của 22 năm. Như vậy, 69% nhân với 1,8 triệu đồng nên lương hưu là 1,27 triệu đồng.

“Quốc hội chúng ta đã rất sáng suốt khi có chính sách là nếu người tham gia BHXH bắt buộc về hưu mà lương hưu thấp hơn lương cơ sở thì Nhà nước sẽ bù cho người lao động bằng lương cơ sở. Vì vậy, Nhà nước cấp bù để cô giáo Lan được hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Do đó, không phải do chúng ta làm sai, mà do chính sách lương còn bất cập. Hiện nay, chính sách tiền lương đang  được cải thiện theo hướng đóng cao thì hưởng cao hơn và thời gian hưởng dài hơn", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

 "Nhà nước cấp bù để cô giáo Lan được hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Do đó, không phải do chúng ta làm sai, mà do chính sách lương còn bất cập".

Trao đổi thêm với báo chí bên lề phiên họp, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bài toán đặt ra ở đây là nếu chính sách bảo hiểm của chúng ta như thế này thì sẽ không thu hút được người tham gia. Khi về hưu lương rất thấp, không đủ sống. Bây giờ, hệ thống mầm non đã tốt hơn, lương từ 5 đến 6  triệu thì lương về hưu được 70%, tuy cao hơn nhưng vẫn là thấp.

“Vì vậy, cần nâng nền mức đóng BHXH trên tổng lương. Tăng thời gian đóng bảo hiểm, nữ là 30 năm, nam là 35 năm để đủ 75% thì mức sẽ cao hơn”, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Tới đây, Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn về đề án cải cách đổi mới chính sách tiền lương, BHXH. Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Phải thiết kế sao cho đảm bảo nâng mức đóng BHXH để mức hưởng cao, kéo dài thời gian đóng và điều chỉnh thời gian đóng cho phù hợp. Tuy nhiên, cũng có nghịch lý là khi tăng mức đóng thì người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) lại không muốn vì họ muốn “tiền tươi thóc thật”, và sợ quỹ BHXH không được bảo toàn".

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội, BHXH là quỹ tập trung quốc gia, do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng quản lý. Tiền này mang ra đầu tư tăng trưởng và phải trở về để BHXH trả cho NLĐ. NLĐ thực đóng, thực hưởng.

“Trên thế giới không có nước nào lương về hưu vượt quá 75% của tiền lương đóng như Việt Nam, cao nhất chỉ 50 – 60%. Nhưng ở nước ta, tỷ lệ hưởng cao nhưng mức tuyệt đối rất thấp vì mức đóng quá thấp. NLĐ chủ yếu đóng trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng chứ không trên tổng thu nhập. Vì vậy, phải đóng trên tiền lương thu nhập để khi về hưu, tiền lương hưu cao”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Theo quy định, từ  1-1-2018, mức BHXH phải đóng theo tổng thu nhập, nhưng hiện các DN đang rất "kêu ca".

Trả lời câu hỏi xoay quanh câu chuyện lương hưu của cô giáo Lan đặt ra sự bất cập giữa khu vực công, khi so sánh lương với các ngành nghề như công an, bộ đội (lương hưu của lực lượng vũ trang cao), ông Bùi Sỹ Lợi thừa nhận đó là mâu thuẫn hiện nay của chính sách tiền lương.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói: "Lương công an, bộ đội cao khi họ làm nghĩa vụ thì không ai thắc mắc. Nhưng khi về hưu, đáng lẽ phải quay lại mặt bằng ban đầu để không có sự chênh lệch quá cao. Ví dụ, Thứ trưởng về hưu chỉ bằng hoặc không bằng lương của Trung tá. Vì thế, bài toán đặt ra là muốn làm lĩnh vực nào cũng được, phần cứng của anh phải lớn. Nhưng hiện nay, lương cứng lại nhỏ hơn phần mềm, các loại phụ cấp, ngành có thâm niên ngành không có... Vì thế, mới có câu chuyện không bình đẳng về lương. Về nguyên lý, do đặc điểm ngành, có thể hưởng lương cao hơn, nhưng khi về hưu thì cấp bậc ngang nhau phải hưởng như nhau".

"Thứ trưởng về hưu chỉ bằng hoặc không bằng lương của Trung tá".

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Hội nghị Trung ương 7 tới đây bàn về chính sách tiền lương phải đặt vấn đề để người về hưu có mức sống tương đồng nhau: "Không thể công bằng được hết, nhưng tối thiểu người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối tiểu chung của xã hội, tiếp đến mới tính chuyện người nào đóng góp cao hơn thì được hưởng nhiều hơn”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Vừa qua, có nhiều ý kiến lo lắng về tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sa thải nhiều NLĐ 35 tuổi trở lên. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, khi nghe báo cáo tại Ủy ban Thường vụ thì Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã rất bức xúc. 
Ông Bùi Sỹ Lợi đã làm trưởng đoàn đi khảo sát vấn đề này ở 4 tỉnh: Cần Thơ, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Ninh. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp rất muốn giữ NLĐ ở độ tuổi cao đã có kinh nghiệm để làm việc. Tuy nhiên, có 3 nguyên nhân để NLĐ ra khỏi DN: NLĐ hết hợp đồng lao động (thường là lao động thời vụ, ở độ tuổi dưới 30); NLĐ nhảy việc đến những chỗ lương cao hơn; NLĐ vi phạm pháp luật lao động.
Tỷ lệ NLĐ 35 tuổi cho nghỉ việc ở các DN là rất thấp, nhất là nữ. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thực tế phải khen nhiều DN vì chăm sóc NLĐ khá tốt. DN cũng mong có cơ chế đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ để bảo đảm hài hòa các lợi ích. “Đánh giá tình hình phải đúng, khách quan”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định.

Tin cùng chuyên mục