Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho: Dạy Văn là dạy người

Với nhiệt huyết và sự tận tụy, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã khơi nguồn xúc cảm của các em học sinh yêu thích văn chương, đồng thời thể hiện qua những ý tứ liền mạch trên những dòng chữ đẹp. Nhiều năm qua, cô giáo Tuyết là giáo viên chuyên dạy học sinh giỏi Văn và rèn luyện các em trong đội “Prudential - Văn hay chữ tốt”.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho: Dạy Văn là dạy người

Giải “Prudential - Văn hay chữ tốt” khu vực ĐBSCL

Với nhiệt huyết và sự tận tụy, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã khơi nguồn xúc cảm của các em học sinh yêu thích văn chương, đồng thời thể hiện qua những ý tứ liền mạch trên những dòng chữ đẹp. Nhiều năm qua, cô giáo Tuyết là giáo viên chuyên dạy học sinh giỏi Văn và rèn luyện các em trong đội “Prudential - Văn hay chữ tốt”.

Tìm gặp vào một buổi sáng cuối tuần, cô giáo Tuyết vẫn đang bận rộn với lịch rèn học sinh trong đội dự thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” cấp khu vực do Báo SGGP phối hợp Công ty Prudential tổ chức hàng năm. Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn cùng cách nói chuyện truyền cảm, đầy cảm xúc, cô giáo Tuyết đã lôi cuốn tôi vào câu chuyện của việc khơi nguồn cho các em học sinh từ sở thích yêu văn chương đến cách thể hiện trên từng dòng chữ.

Là học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tốt nghiệp trường sư phạm ở TPHCM, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tuyết đăng ký về Tiền Giang nhận nhiệm sở ở Trường THCS Bảo Định (TP Mỹ Tho) và chuyển về Trường THCS Lê Ngọc Hân từ năm 1992. Là người ở TPHCM, chuyển về học ở Mỹ Tho từ năm lớp 11, 12 (có người dì dạy ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) nhưng cô Tuyết đã gắn bó với thành phố nhỏ nằm ven sông Tiền sau khi ra trường đến nay. Đều đặn mỗi tuần một lần, cô đón xe về TPHCM rồi quay xuống Tiền Giang để hàng ngày lên lớp truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết cùng các em học sinh trong một giờ học bồi dưỡng. Ảnh: MAI HẢI

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết cùng các em học sinh trong một giờ học bồi dưỡng. Ảnh: MAI HẢI

Với nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn của nhà trường, cô giáo Tuyết luôn tự mình nâng cao kiến thức chuyên môn qua các giáo trình cũng như sách vở để những bài giảng trong mỗi giờ lên lớp luôn sinh động. Chính nỗ lực ấy cùng nhiệt huyết của cô đã giúp học sinh tiếp nhận được cảm hứng yêu thích văn học, thể hiện qua khả năng lập luận, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo thể hiện trong bài văn của mình. Cô giáo Tuyết chia sẻ: “Tôi nghĩ “dạy Văn là dạy người” nên người giáo viên không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà còn hình thành vẻ đẹp của văn học trong tâm hồn các em. Mỗi tác phẩm văn học khởi nguồn từ cuộc sống, phục vụ lại cuộc sống nên mỗi áng văn, bài thơ là một thông điệp để người học cảm thụ, qua đó góp phần trau dồi, rèn luyện nhân cách, lối sống đẹp hơn...”. Đội học sinh giỏi Văn và dự thi “Văn hay chữ tốt” của nhà trường trước đây chỉ có khối lớp 8, lớp 9 đến nay đã mở rộng thêm khối lớp 6 và lớp 7. Do học sinh có những mức độ cảm thụ khác nhau nên đòi hỏi cách giảng dạy của cô phải linh hoạt, đa dạng hơn để đảm bảo công tác bồi dưỡng, rèn luyện được toàn diện, đạt hiệu quả.

Khi theo dõi một tiết rèn luyện học sinh trong đội dự thi “Văn hay chữ tốt”, điều cảm nhận được là không khí thoải mái nhưng có sự “tương hỗ” giữa người dạy - người học. Những ánh mắt chăm chú nghe lời giảng của cô cùng những dòng chữ nắn nót, chân phương trên giấy học trò nhưng chứa đựng đầy cảm xúc tình yêu quê hương, đất nước, con người… là thành quả công sức rèn luyện của thầy - trò trong đội. Thành quả cao quý nhất mà cô Tuyết cùng học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân đạt được ở cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” cấp khu vực là 23 giải, trong đó có 8 giải nhất, 4 giải nhì, 3 giải ba và 12 giải khuyến khích. Ngoài ra, ở vòng thi học sinh giỏi Văn cấp quốc gia, học sinh của trường cũng đạt được 9 giải… Bí quyết của thành công trong việc bồi dưỡng, rèn luyện học sinh của cô giáo Tuyết đơn giản chỉ là “thầy dạy hết mình - trò học hết mình”. Điều này thể hiện qua sự lao động nghiêm túc của cô từ bài giảng, cách rèn và sửa chữ, cách chấm bài cho đến ý thức tự rèn luyện, hoàn thành các bài tập thực hành của học sinh. Và điều quan trọng trên hết là bản thân cô giáo Tuyết cũng như ban giám hiệu nhà trường đều không gây áp lực, không đặt nặng vấn đề thành tích cho các em trong đội khi tham gia cuộc thi.

Với những đóng góp cao quý cho sự nghiệp giáo dục nói chung, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết đã đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2008 khu vực các tỉnh ĐBSCL do Báo SGGP tổ chức về thành tích giảng dạy xuất sắc, được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh mến phục…

NGUYỄN HỮU CHÍ


Hôm nay, chung kết cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” khu vực ĐBSCL

(SGGP).- Sáng nay 30-11, tại hội trường Tỉnh ủy Tiền Giang diễn ra chung kết cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” năm 2013 khu vực các tỉnh ĐBSCL. 13 đoàn dự thi với 78 học sinh THCS đoạt giải nhất, nhì, ba khối lớp 6-7 và khối lớp 8-9 tại cuộc thi cấp tỉnh diễn ra trong tháng 11-2013 đã về dự chung kết cuộc thi cấp khu vực. Năm nay, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang là đơn vị đăng cai cuộc thi cấp khu vực ĐBSCL do Báo SGGP tổ chức và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential tài trợ.

Thí sinh về dự cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” khu vực ĐBSCL năm 2013 đến tham quan khu di tích lịch sử chùa Vĩnh Trang, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh về dự cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” khu vực ĐBSCL năm 2013 đến tham quan khu di tích lịch sử chùa Vĩnh Trang, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Mai Hải

Hội đồng giám khảo cuộc thi chung kết gồm 31 người, trong đó Chủ tịch là PGS-TS Hoàng Văn Cẫn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM và 2 đồng Chủ tịch là nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP và Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang cùng 2 phó chủ tịch và 26 giám khảo từ 13 tỉnh ĐBSCL. Lễ công bố kết quả cuộc thi chung kết sẽ diễn ra vào sáng chủ nhật 1-12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục