Có hay không chuyện công an “chống lưng” cho hàng quán chiếm vỉa hè?

“Khi chúng tôi kiểm tra, đồng chí công an chỉ cho thuê chứ không liên quan đến việc kinh doanh.”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh khá phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: TRUNG THU
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh khá phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: TRUNG THU

Sáng 6-12, trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, những bất cập trong quản lý trật tự vỉa hè được nhiều đại biểu HĐND đặt ra cho chính quyền TP.

Đại biểu Hoàng Huy Được phản ánh, vào giờ cao điểm, các phương tiện leo lên cả vỉa hè để đi, như nước vỡ bờ. “Giải pháp nào để giải quyết câu chuyện này?”, ông Được bức xúc.

Đại biểu Bùi Huyền Mai cũng cho rằng tình trạng vi phạm về trật tự đô thị còn phổ biến và đề nghị đại diện Ban chỉ đạo 197 của thành phố cho biết có bao nhiêu cán bộ các cấp bị xử lý khi để xảy ra tình trạng vi phạm và biện pháp giải quyết.

Giải trình về vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội – công nhận công tác đảm bảo trật tự giao thông, trật tự đô thị, lòng đường hè phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân Thủ đô.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huyền Mai, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đến nay Ban chỉ đạo 197 chưa nhận được báo cáo xử lý đối với bất cứ cán bộ nào liên quan đến quản lý trật tự hè phố.

Ông Khương cũng cho biết, có một trường hợp trên địa bàn quận Hoàng Mai bị dư luận phản ánh là công an kinh doanh hàng quán trên lề đường, hè phố.

“Khi chúng tôi kiểm tra, đồng chí công an chỉ cho thuê chứ không liên quan đến việc kinh doanh này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu rút kinh nghiệm, chấm dứt hợp đồng, không để ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.

Cũng liên quan đến quản lý trật tự hè phố (điểm trông giữ xe), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Vũ Văn Viện cho biết, theo phân cấp, quản lý vỉa hè thuộc quận, huyện, quản lý lòng đường thuộc Sở GTVT.

“Đúng là vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, hiện nay cho phép ở đô thị có thể tận dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông khi chưa có điểm giao thông tĩnh tập trung”, Giám đốc Sở GTVT nói.

Về quy định cụ thể về việc đường phố, vỉa hè rộng bao nhiêu thì được đỗ xe ô tô một bên hoặc hai bên, ông Viện trả lời: “Hiện nay chúng ta cấp phép theo đúng quy định nhưng trong quá trình sử dụng, chủ bãi thường xuyên lấn chiếm diện tích, lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ, gây cản trở giao thông”.

Hiện thành phố đã cho thực hiện thí điểm đỗ xe IParking trên 2 tuyến phố và có kết quả tốt, doanh thu tại các điểm này tăng lên 33%. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo trong quý 1-2018 sẽ triển khai IParking tại 4 quận nhằm khắc phục được các tồn tại như: Lấn chiếm diện tích điểm trông giữ xe, quản lý doanh thu chặt chẽ hơn vì không thu bằng tiền mặt... Đồng thời, UBND thành phố đã giao Sở tổng kiểm tra rà soát các dự án đang triển khai xây dựng bãi xe.

Giám đốc Sở GTVT cũng cho biết, Hà Nội đang triển khai quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tỷ lệ đất giao thông tĩnh/đất xây dựng đô thị phải đạt 3-4% (hiện chỉ là 0,6%). Sau khi quy hoạch được thực hiện, tổng diện tích là khoảng 2.072 ha, đạt 3,27%. Quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định xong, đang rà soát lại yêu cầu bổ sung 37 nội dung để hoàn chỉnh và trình UBND thành phố duyệt trong tháng 12 này.

Tin cùng chuyên mục