Vụ tàn phá trên 60 ha rừng tại Bình Định:

Có hay không việc cán bộ bao che vụ phá trên 60 ha rừng tại Bình Định?

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Bình Định điều tra làm rõ việc có hay không sự móc ngoặc, bao che cho tội phạm phá rừng của cơ quan địa phương và lực lượng kiểm lâm trong vụ phá rừng quy mô lớn tại xã An Hưng (huyện An Lão).

 4 nhóm người phá rừng…

Ngày 7-12, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về báo cáo kết quả, xử lý vụ phá hơn 60 ha rừng tại xã An Hưng (An Lão).

Hiện trường vụ tàn phá 60,9 ha rừng tại xã An hưng (An Lão, Bình Định)

Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định, chỉ đạo Công an tỉnh và các cơ quan chức năng, khẩn trương kết thúc điều tra vụ phá rừng, sớm đưa ra xét xử công khai và thông tin cho nhân dân được biết.

Trước đó, ngày 30-10, UBND tỉnh Bình Định đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN$PTNT về kết quả xử lý vụ lâm tặc tàn phá 60,9 ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão).

Nhiều cây gỗ rừng tự nhiên có đường kính lớn bị "lâm tặc" cưa hạ ngổn ngang, không thương tiếc

Theo đó, có 4 nhóm người tham gia phá rừng, trong đó có nhóm của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, do ông Lê Văn Thiệt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty phá hơn 37,5 ha rừng sản xuất.

Nhóm các ông Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu và Võ Dần (ở thôn An Hội và thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn), phá 18 ha rừng phòng hộ.

Nhóm các ông Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ (ở thôn An Hội và thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn) phá 3,5 ha rừng phòng hộ và cá nhân ông Phan Dễ (ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn) phá 1,85 ha rừng phòng hộ.

Công an Bình Định đã ra quyết định khởi tố 8 nghi can để tiếp tục điều tra về tội hủy hoại rừng. Trong đó, các ông Lê Văn Thiệt, Lê Hồng Đức, Nguyễn Văn Ri, Phan Dễ bị bắt tạm giam, 4 bị can khác tại ngoại.

Kiểm điểm nghiêm cán bộ để “mất rừng”

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải làm rõ phương thức, thủ đoạn của hành vi phạm tội có tổ chức; có hay không việc móc ngoặc, bao che tội phạm của cơ quan địa phương và lực lượng kiểm lâm?

Đồng thời rà soát, tiếp tục tổ chức kiểm điểm nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ thuộc tỉnh quản lý, xử lý đúng mức độ nghiêm trọng theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam và Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm. Các huyện An Lão, Hoài Nhơn cũng đã tiến hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với tập thể chức trách để “mất” rừng.

Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ có hay không việc móc ngoặc, bao che tội phạm phá rừng của cơ quan địa phương và lực lượng kiểm lâm?

Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng đã kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với các ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, ông Phạm Phương Bắc và ông Đinh Văn Hòa (cả 2 đều là Phó Hạt trưởng kiểm lâm huyện An Lão); ông Nguyễn Trọng Tài – Kiểm lâm địa bàn An Hưng và ông Nguyễn Hồng Tấn - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn….

Trong báo cáo kết quả gửi Chính Phủ và Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định không áp dụng hình thức kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm toàn ngành đối với ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT và ông Nguyễn Thế Dũng - Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục kiểm lâm tỉnh này.

Tin cùng chuyên mục