Cơ hội bán hàng, tăng doanh thu

Thông thường, mùa hè là mùa cao điểm thu hút khách du lịch đến với TPHCM. Đây cũng là dịp để tiểu thương có cơ hội bán hàng, tăng doanh thu.
Khách du lịch mua sắm tại chợ Bến Thành Ảnh: THÀNH TRÍ
Khách du lịch mua sắm tại chợ Bến Thành Ảnh: THÀNH TRÍ
 Điều đáng quan tâm, sau nhiều năm TPHCM triển khai các chương trình để đưa các tiểu thương ở các ngôi chợ hình thành nét văn hóa, văn minh, hiện đại nhưng tình trạng nói thách vẫn còn phổ biến.

Nhộn nhịp “người mua, kẻ bán”

Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, tháng 7 cũng là mùa cao điểm mua sắm, hiện mỗi ngày, chợ Bến Thành tiếp đón hàng ngàn lượt khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Khách tới chợ thường mua các sản phẩm làm quà như vải, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, bánh mứt các loại… Chị Thúy Liễu, chủ một sạp bán hàng thủ công mỹ nghệ, cho biết mặc dù mãi lực vào thời điểm này khá tốt so với những tháng thấp điểm trong năm, nhưng so với những năm trước đây thì sức mua đã giảm khá nhiều. 

Tại Saigon Square (góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi), nơi chủ yếu bán quần áo, giày dép và một số mặt hàng phụ kiện thời trang, lượng khách hàng trong và ngoài nước tham quan, mua sắm luôn tấp nập. Mặt hàng được mua nhiều nhất là quần áo. Chị Bích Tho, đến từ tỉnh Thái Bình, cho biết mỗi lần vào TPHCM công tác, chị đều ghé lại đây mua sắm quần áo cho gia đình và làm quà cho bạn bè. Theo chị Tho, hàng hóa tại đây rất đa dạng, phong phú, chất lượng tốt, giá cả hợp lý và được người bán tư vấn phù hợp với nhu cầu người mua. Bên cạnh những mẫu quần áo tự thiết kế của các chủ shop, khách hàng còn mua được hàng xuất khẩu có chất lượng, hợp thời trang nhưng giá bán chỉ ở mức từ 200.000 -400.000 đồng/sản phẩm.

Theo quan sát của chúng tôi, nếu khách hàng đến chợ Bến Thành để mua sắm các mặt hàng khá đa dạng thì tại chợ An Đông, sức mua của du khách tập trung chủ yếu ở nhóm các loại hàng thủy hải sản khô như mộc nhĩ, nấm hương, nấm tuyết, yến sào, hải sâm, khô mực, khô cá lóc, bánh mứt, quần áo. Anh Tuấn Anh, hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM, lý giải do nhu cầu mua sắm các mặt hàng của du khách đến từ các khu vực khác nhau đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua các mặt hàng tại chợ. Chẳng hạn, khách Tây thích đến chợ Bến Thành tham quan, mua sắm, nhưng khách châu Á lại thích đến chợ An Đông vì mỗi chợ luôn có những lợi thế riêng.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên đến thích thú là tại khu ẩm thực của 2 ngôi chợ trên có khá nhiều du khách dùng thử các món ăn đặc trưng của Việt Nam như bún mắm, bún bò, gỏi cuốn, bún thịt nướng, phở, bánh cuốn, chè các loại. 

Việc bán hàng không chỉ mang lại lợi ích về phương diện kinh tế, mà còn là cơ hội để truyền tải nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam tới du khách nước ngoài.

Vẫn còn thách giá 

Để cạnh tranh với các loại hình kinh doanh văn minh, hiện đại, những ngôi chợ loại 1 của TPHCM đang có nhiều nỗ lực để cải thiện hình ảnh trong mắt khách hàng. Chẳng hạn, nền chợ đã được lát gạch đẹp hơn, mái ngói được sửa chữa để tránh tình trạng dột nước, các gian hàng trưng bày hàng hóa rất đa dạng; cá biệt, có nhiều tiểu thương còn mạnh dạn đầu tư tủ kính giúp gian hàng trở nên khang trang, bắt mắt… Tình trạng tiểu thương “đốt phong long” xả xui cũng không còn. Ban quản lý các chợ cũng tăng cường đội ngũ bảo vệ để đảm bảo an ninh, hạn chế tình trạng cướp giật, móc túi.

Bên cạnh những mặt mạnh, tại các chợ vẫn chưa khắc phục triệt để được điểm yếu, đó là nạn nói thách. Đây là điều khiến du khách rất phiền lòng và ngại mua hàng, vì nếu trả không khéo thì “giá nào cũng bị hớ!”. Điển hình nhất là tại gian hàng bán các loại trang sức như vòng đeo tay, đeo cổ các loại, quần áo, giày dép. Bản thân người viết cũng không ít lần mua hớ với giá đắt gấp đôi, gấp rưỡi so với giá trị thực tế khi mua một số món phụ kiện hay đôi guốc gỗ. Cụ thể, tại chợ Bến Thành, người bán thường nói thách đến 300.000 đồng một chuỗi hạt đeo tay, nhưng nếu “chịu khó” trả giá, khách có thể mua được với giá chỉ 100.000 đồng. Hiện có một số ngành hàng như bánh mứt được thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tương đối tốt, số còn lại niêm yết chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng.

Khi đề cập đến tệ nói thách, cán bộ ban quản lý của một ngôi chợ nói với chúng tôi, đây là nét đặc trưng riêng của các chợ không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng không khắc phục được. Bản thân nhiều khách hàng cũng thích đến chợ truyền thống để được… trả giá. Trên thực tế, với du khách trong nước thì việc trả giá sẽ thực hiện dễ dàng, bởi nếu thấy món hàng đó phù hợp với giá nào thì có thể trả để mua. Nhưng với khách nước ngoài, rào cản ngôn ngữ khiến họ e ngại và thường không mua hàng nữa. Chúng tôi đã nhìn thấy khá nhiều vị khách Tây “cầm lên, đặt xuống” một đôi guốc gỗ chỉ vì người chủ gian hàng thách giá quá cao. Họ không biết trả ở mức giá nào cho phải nên đành “tạm biệt” món hàng trong hành trình đến chợ Bến Thành. 

Du lịch phát triển, góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố, doanh thu bán hàng của tiểu thương các chợ du lịch tăng lên. Nếu các mặt hàng luôn được bán đúng giá, khách hàng được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt, đó là một trong những lý do họ sẽ muốn quay trở lại TPHCM và giới thiệu tới bạn bè, người thân. Nếu không tận dụng hết cơ hội và khả năng, các chợ truyền thống sẽ làm xấu hình ảnh của mình trong mắt du khách, cùng với đó sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng, giảm doanh thu.

Việt Nam đang là điểm đến đầy hấp dẫn với du khách nước ngoài, trong đó TPHCM là nơi của nhiều sự lựa chọn. Các chợ truyền thống tại TP nên có những phương án để thu hút khách tốt hơn như tổ chức các chương trình khuyến mãi, thái độ thân thiện với khách hàng và tuyệt đối “nói không” với hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Theo đó, tình trạng nói thách cũng cần loại bỏ triệt để nhằm tạo sự yên tâm cho du khách khi tới mua sắm.

Tin cùng chuyên mục