Cơ hội hóa giải căng thẳng Mỹ - Trung

Ngày 6-11, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg tổ chức tại Singapore, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho biết, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán và phối hợp với Mỹ để giải quyết các tranh chấp thương mại.

Mỹ và Trung Quốc cũng chuẩn bị đối thoại an ninh và ngoại giao lần thứ 2, cho thấy khả năng cả Washington và Bắc Kinh có chiều hướng tháo gỡ căng thẳng trên mọi mặt trận.

Chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế trong bối cảnh nền kinh tế mất đà tăng trưởng
 Các bên cùng thiệt nếu đối đầu


Reuters dẫn lời ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh, thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phó Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng vững chắc rằng “Trung Quốc và Mỹ sẽ đều gặt hái thành công từ hợp tác”, và “sẽ chỉ thiệt hại nếu đối đầu”.

Quan chức Trung Quốc khẳng định, tiêu cực và tức giận không phải là cách thức phù hợp có thể giải quyết được các vấn đề nảy sinh từ quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế. Tương tự, các rào cản thương mại hay tranh cãi không thể giúp giải quyết các vấn đề bất đồng của Trung Quốc và Mỹ. Ông Vương Kỳ Sơn cho biết, Bắc Kinh ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua các quy định và sự đồng thuận, cũng như phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ. Đồng thời, nhấn mạnh hợp tác kinh tế và thương mại luôn có vai trò dẫn dắt mối quan hệ lành mạnh và bền vững giữa hai nước trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc sẽ giữ thái độ kiềm chế và tỉnh táo, cởi mở hơn và hợp tác vì lợi ích chung.

Những tháng gần đây, Bắc Kinh và Washington trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Tuy nhiên, ngày 31-10, phát biểu với hãng tin CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề ấn định bất kỳ biện pháp bổ sung các loại thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mà ngược lại còn có thể quyết định dỡ bỏ một số loại thuế nếu có các chính sách thảo luận tiềm năng với Trung Quốc. Theo ông Kudlow, dù đây chưa phải là lời cam kết nhưng là một giả thuyết rất quan trọng, đồng thời nhấn mạnh, tất cả các diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung vào tháng 11.

Nối lại đối thoại quân sự

Mọi sự chú ý hiện đang hướng tới cuộc gặp dự kiến vào cuối tháng này giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước cuộc gặp trên, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì vào ngày 9-11 tới, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis sẽ đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại thuộc Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa để tiến hành vòng đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao song phương.

Cuộc đối thoại này là dấu hiệu mới nhất về việc bình thường hóa quan hệ an ninh Mỹ - Trung. Cuối tháng 9 vừa qua, hai bên đã hủy cuộc đối thoại về ngoại giao và an ninh Trung - Mỹ khiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis không thể thăm Trung Quốc theo kế hoạch diễn ra vào trung tuần tháng 10. Theo giới quan sát, cuộc gặp vào ngày 9-11 tới có thể giúp phá vỡ cục diện bế tắc trong đối thoại quân sự. Quan hệ quân sự giữa hai nước nhanh chóng trở nên xấu đi khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, máy bay ném bom và tàu chiến Mỹ tuần tra ở biển Đông và eo biển Đài Loan. Tổng thống Donald Trump còn quyết định trừng phạt quân đội Trung Quốc sau vụ mua máy bay SU-35 và tên lửa phòng không S-400 của Nga… Cuộc gặp gỡ này của các các quan chức Ngoại giao và Quốc phòng hai bên cũng nhằm truyền đi thông điệp rằng quan hệ Mỹ - Trung không chỉ là quan hệ mậu dịch mà còn bao gồm quan hệ quân sự.

Tin cùng chuyên mục