Cơ hội và thách thức với người Việt Nam ở nước ngoài khi về khởi nghiệp tại TPHCM

Dù được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng những người trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba đã rất thành công với những mô hình và ý tưởng mới của mình ngay tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh đang là điểm đến khởi nghiệp của nhiều kiều bào trẻ. 

Theo thống kê, mỗi năm thành phố đón khoảng 30.000 bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường và các điều kiện cho khởi nghiệp, gồm hệ thống khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm… giúp bảo đảm tính ổn định và độ sẵn sàng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp, trong đó chú trọng các chính sách tài chính là yêu cầu bức thiết nhất, giúp cộng đồng khởi nghiệp vươn lên nhanh chóng.

Theo Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển của cộng đồng đổi mới sáng tạo khi thành phố đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ, 24 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 12 không gian khởi nghiệp... và hơn 760 startup hình thành. Hiện nay, các Startups vẫn tập trung vào lĩnh vực ICT, nông nghiệp, giáo dục đào tạo… và hầu hết mới thành lập trên dưới 1 năm, đang trong giai đoạn đánh giá thị trường, số mở rộng kinh doanh còn hạn chế. Vốn khởi nghiệp cho startup dưới 1 tỷ đồng chiếm gần 60%, cho thấy vốn khởi nghiệp rất thấp, gần 50% startup chưa được tài trợ, 31% đang tìm nhà đầu tư.

Trong vòng 2 năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Tổng cộng, thành phố đã chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề về kiến thức, kinh nghiệm và lực lượng trí thức ở nước ngoài chính là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. 

Ngoài ra, vẫn còn những khó khăn mà cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt. Đó là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Giải pháp đặt ra chính là cơ chế phối hợp doanh nhân, nhà quản lý và lực lượng chuyên môn.

Tháng 3-2018, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh chương trình Tọa đàm: “Giao lưu giữa kiều bào trẻ lập nghiệp tại Việt Nam và thanh niên trong nước” với sự tham gia của 25 gương mặt kiều bào trẻ đến từ các nước và hơn 40 thanh niên đang làm việc, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả là mạng lưới liên kết các thành viên trong nước với nước ngoài được hình thành, hướng đến kết nối và thúc đẩy hoạt động của kiều bào trẻ về quê hương lập nghiệp.

Trên cơ sở đó, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với Lãnh đạo Sở ngành thành phố, chủ đề: “Cơ hội và thách thức đối với người Việt Nam ở nước ngoài về khởi nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Hội nghị diễn ra từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, ngày 12-12-2018. Đây là dịp để Sở ngành thành phố cung cấp thông tin, chủ trương liên quan về khởi nghiệp để doanh nghiệp kiều bào tìm hiểu thêm về chủ trương, chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kiều bào khởi nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp kiều bào, đặc biệt là doanh nghiệp kiều bào trẻ khởi nghiệp cùng gặp gỡ, giao lưu và có những đóng góp với Sở ngành thành phố. 

Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với Lãnh đạo Sở ngành thành phố cũng là hoạt động thường niên từ nhiều năm qua của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố.

Ngoài ra, tại Hội nghị sẽ diễn ra buổi Tọa đàm giữa các kiều bào trẻ với Lãnh đạo Sở ngành trao đổi, giải đáp những thắc mắc, những thuận lợi, khó khăn và cơ hội cho người Việt Nam ở nước ngoài khởi nghiệp trên địa bàn thành phố (triển khai kết quả Mạng lưới kiều bào trẻ từ chương trình “Giao lưu kiều bào trẻ và thanh niên trong nước” do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức tại thành phố vào tháng 3-2018).

Buổi tọa đàm sẽ đón nhận những thông tin chia sẻ từ các vị khách mời:

1. GS TS Nguyễn Kỳ Phùng - PGĐ Sở Khoa học Công nghệ TPHCM

2. Daniel Hoài Tiến - KB Mỹ (Dự án Xã hội)

3. Kimble Ngô - KB Canada (Blockchain)

4. Lâm Trần - KB Pháp (WisePass)

5. Tuyết Nguyễn - VN (Hector)

6. Việt Phạm - DHS Thuỵ Sỹ (GoEatMe)

7. Linh Thảo - đại diện TOONG (Co-working space)

8. Danny Dang: Intercharm 

Dịp này, Ban Tổ chức thông tin về việc triển khai “Cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh” và tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Tin cùng chuyên mục