Cơ hội vàng cho du lịch

Cùng với thủy sản, trái cây và lúa gạo, thời gian gần đây các tỉnh ĐBSCL tập trung đầu tư cho du lịch, xem du lịch là thế mạnh để đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính sự quan tâm đó đã giúp du lịch vùng sông nước Cửu Long có bước khởi sắc khi số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi ngày càng đông; doanh thu từ du lịch cũng tăng đáng kể.
Các bãi biển ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Các bãi biển ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Du khách tăng

Hiện nay, An Giang là địa phương có số lượng du khách đến nhiều nhất vùng ĐBSCL, bởi nơi đây đang vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam. Ban quản trị khu lăng miếu Bà Chúa xứ núi Sam cho biết, mặc dù đến tháng 4 âm lịch mới vào chính lễ, tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số lượng du khách thập phương đến liên tục tăng. Riêng 2 ngày cuối tuần đã có đến hàng chục ngàn lượt khách đến cúng viếng, tham quan, tạo nên không khí sôi động. 

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 3,2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi (tăng gần 11% so với cùng kỳ), tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.850 tỷ đồng (tăng 23%). Đây là kết quả đáng khích lệ. An Giang đang vào lễ hội, vì vậy số lượng du khách đến sẽ tiếp tục cao trong những ngày tới. 

Ở Hậu Giang, nếu như trước du lịch còn chật vật thì gần đây du khách đến tỉnh tăng đáng kể. Thống kê từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch ở Hậu Giang đón hơn 133.500 lượt khách (tăng khoảng 11.600 lượt so cùng kỳ); riêng  khách quốc tế là 6.600 lượt (tăng khoảng 1.800 lượt); doanh thu từ du lịch ước khoảng 47 tỷ đồng. Lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hậu Giang bộc bạch, kết quả trên là tín hiệu khởi sắc đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đang dồn sức đầu tư nhiều dự án, tạo thêm động lực để du lịch tăng tốc. 

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, phấn khởi: “Tính hết quý 1-2019, các điểm du lịch của tỉnh đón hơn 1,35 triệu lượt khách (tăng hơn gần 9% so cùng kỳ), doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng (tăng 7,5%). Với chiều hướng thuận lợi trên, Đồng Tháp phấn đấu cả năm 2019 đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch gần 1.000 tỷ đồng”. 

Tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), số lượng du khách trong và ngoài nước đến đây liên tục tăng. Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc, tiết lộ: “3 tháng đầu năm, huyện đảo đã đón hơn 815.000 lượt khách (tăng 15%); trong đó, khách quốc tế là 223.549 lượt (tăng 69% so cùng kỳ). Phú Quốc tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế nhất ở tỉnh Kiên Giang cũng như khu vực ĐBSCL”. 

Đầu tư nâng chất lượng 

Theo UBND huyện Phú Quốc, những ngày qua các ngành chức năng, doanh nghiệp, các cơ sở du lịch khẩn trương chuẩn bị để phục vụ du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 sắp tới. Toàn huyện đảo Phú Quốc hiện có hơn 700 cơ sở lưu trú; trong đó có 8 khách sạn 5 sao với hơn 3.000 phòng, 5 khách sạn 4 sao với 756 phòng, cùng nhiều khách sạn 1 - 3 sao với khoảng 1.700 phòng. Ngoài ra, ngành chức năng huyện cũng đề nghị nhiều nhà nghỉ đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, dịch vụ nhằm sẵn sàng phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước ra đảo ngọc vui chơi, không để thiếu chỗ nghỉ.

Ông Tăng Chí Uyên, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang), cho hay: “Nhờ sự quan tâm và đầu tư quyết liệt nên du lịch Kiên Giang đã chuyển mình mạnh mẽ. Từ đầu năm đến nay, du khách về Kiên Giang tiếp tục tăng và tỉnh đang chuẩn bị cho đợt lễ 30-4. Mục tiêu của Kiên Giang trong năm 2019 sẽ đón 8,3 triệu lượt khách, với doanh thu hơn 6.840 tỷ đồng”. Cũng theo ông Tăng Chí Uyên, về lâu dài, Tỉnh ủy Kiên Giang đã xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo động lực cho các ngành khác cùng phát triển. Hiện tại Kiên Giang huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời phát triển các khu du lịch dịch vụ phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao; xây dựng các làng du lịch, khu nghỉ dưỡng và giải trí, khu du lịch sinh thái, sân golf… nhằm nâng dần lợi thế so sánh và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, cho biết: “Ngành du lịch đang phối hợp cùng UBND TP Châu Đốc và các ngành liên quan chuẩn bị tốt cho lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam và các dịp lễ sắp tới. Chúng tôi xác định đây là cơ hội để tỉnh quảng bá về du lịch; đồng thời đẩy mạnh thu hút nhiều du khách xa gần về với An Giang. Quan điểm của tỉnh là đầu tư nâng chất lượng hoạt động lễ hội, công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ du khách tốt hơn; tạo môi trường du lịch thân thiện, mến khách…”. 

Ở Đồng Tháp, du lịch phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây bởi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhiều doanh nghiệp, người dân. Song, Đồng Tháp tiếp tục đầu tư hơn nữa và đang thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo cho du khách và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Tại Cần Thơ, ngay đầu tháng 4, đã đồng loạt khai trương 5 đường bay mới: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Nghệ An, Cần Thơ - Thanh Hóa, Cần Thơ - Nha Trang và Cần Thơ - Đà Lạt; các đường bay mới sẽ khai thác từ ngày 26-4. Bên cạnh đó, Hãng hàng không AirAsia và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cũng khai trương đường bay quốc tế từ Cần Thơ đi Kuala Lumpur (Malaysia) và ngược lại, với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần… Đây là điều kiện thuận lợi để kéo du khách trong và ngoài nước đến với Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đông hơn trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục