Cơ hội việc làm lao động nhập cư

Tình trạng già hóa dân số dẫn đến việc thiếu hụt lao động đang trở thành một trong những thách thức lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.

 

Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc khuyến khích tăng tỷ lệ sinh và kêu gọi phụ nữ đóng góp thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế,  Chính phủ Nhật Bản đã tìm thêm biện pháp để bổ sung cho lực lượng lao động bị thiếu hụt trong nước, đó là các chính sách nới lỏng cho lao động nhập cư nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. 
Cơ hội việc làm lao động nhập cư ảnh 1 Thị trường việc làm và sản lượng công nghiệp ở Nhật Bản tiếp tục được cải thiện. (Nguồn: The Japan Times)
 Mới đây, trong bài phát biểu tại cuộc họp Hội đồng chính sách kinh tế và tài chính, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất cần mở rộng khung quy định hiện nay đang áp dụng đối với lao động lành nghề người nước ngoài được phép làm việc trong các lĩnh vực cụ thể. Theo giới quan sát, chính quyền Nhật Bản có thể sẽ phải thông qua một chính sách linh hoạt hơn và mở rộng phạm vi của các lao động nước ngoài có tay nghề được phép làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của nhóm lao động này có thể sẽ bị hạn chế và không được phép đưa gia đình sang. Hiện nay, Nhật Bản đã có 11 hạng mục visa cho lao động nhập cư có trình độ chuyên môn cao và có tay nghề dành cho giới chuyên gia, các lĩnh vực như giáo dục, quản lý doanh nghiệp, dịch vụ kế toán, dịch vụ y tế, kỹ sư, đầu bếp…
Nền kinh tế phục hồi nhưng thị trường lao động bị thu hẹp do tình trạng già hóa dân số đã buộc Nhật Bản cho phép tăng cường sử dụng lao động nước ngoài và sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, số lao động tay nghề cao hoặc các chuyên gia vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu lao động nước ngoài. Căn cứ vào số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy trong năm 2017, có tới 159 việc làm cho mỗi 100 người lao động. Con số này đánh dấu tình trạng thiếu lao động trầm trọng nhất ở Nhật Bản trong 43 năm. Trong khi đó, các lao động trong độ tuổi từ 15 - 64 đã giảm từ con số gần 87 triệu người trong năm 1997 xuống còn 76,65 triệu người trong năm 2016. Nhận thấy tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trở nên bức thiết nên từ khi lên cầm quyền cho đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn nhấn mạnh rằng cải cách lao động là một trong 3 mũi tên của chính sách Abenomic, chủ yếu sẽ tập trung tái cơ cấu thành phần lao động. Việc quan trọng này sẽ thực hiện với tốc độ nhanh và không thể trì hoãn được.  Năm ngoái, tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản đạt đến mức kỷ lục là 1,28 triệu người, tăng từ con số gần 500.000 người trong năm 2008. Con số này cũng cho thấy các biện pháp nới lỏng chính sách trong nhập cư để khuyến khích lao động nước ngoài đến làm việc phần nào đã phát huy hiệu quả trong thị trường lao động Nhật Bản. Tuy vậy, lao động nước ngoài vẫn chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn ở Nhật Bản, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ở các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Theo giới chuyên gia kinh tế, để Nhật Bản trở thành quốc gia hấp dẫn các lao động nước ngoài có tay nghề cao, ngoài các chính sách nới lỏng nhập cư được kỳ vọng sẽ tiếp tục được thảo luận trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản cần chú trọng đến khoảng cách tiền lương giữa lao động nước ngoài và lao động bản địa cũng như sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống ở Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục