“Cò” nhà đất - đã cao cấp hơn ?

“Cò” nhà đất - đã cao cấp hơn ?

Cũng như bao loại hàng hóa sản phẩm khác, thị trường nhà đất luôn tồn tại một lực lượng môi giới trung gian, mà người ta quen gọi là “cò”. Tuy nhiên gần đây do xu thế thời đại, “cò” đã bắt đầu có sự phân hóa, ít nhất trên thị trường bất động sản TPHCM.

“Cò” nhà đất - đã cao cấp hơn ? ảnh 1

Giới thiệu đất bán trên đường Hà Huy Giáp, quận 12. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Những người am tường về thị trường nhà đất khẳng định rằng thuở ban đầu từ “cò” được dùng để chỉ những người môi giới là cá nhân riêng lẻ, tạm gọi là cò cá nhân.

Loại cò này đặc biệt phát triển tại khu vực nội thành, đơn giản do đặc thù từ cơ chế quản lý, sự nhìn nhận thị trường nhà đất lẫn thói quen mua bán bất động sản.

Theo nhận xét của Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc, cò cá nhân có những nét đặc trưng sau đây: là dân bản xứ (nên rành rọt địa bàn); rất chiều khách; phong cách bình dân, giản dị, vì thế cách làm thường quá đơn giản. Nhưng chính điều này lại trở thành ưu điểm nhờ đánh trúng tâm lý của người dân vốn ngán ngại thủ tục nhà đất rối rắm, phiền hà! Hạn chế của lực lượng này là không am hiểu nhiều về luật cũng như không có điều kiện (hay khả năng?) nghiên cứu sâu về các dự án nhà đất.

Nhưng dù thế nào, từng có lúc cò cá nhân gần như một mình một chợ tung hoành trên lĩnh vực môi giới mua bán nhà đất. “Lúc trước cò mạnh, có đất làm ăn vì dạo đó gần như không có các công ty môi giới đang hình thành và phát triển chuyên nghiệp, quy củ trong những năm gần đây”, ông Chúc nói.

Nhận xét này không phải không có lý bởi vì theo một thống kê không chính thức và chưa đầy đủ, tại thời điểm năm 2006 trên cả nước có hơn 70.000 công ty kinh doanh chuyên ngành bất động sản. Đây có thể xem như một “đối trọng” đối với cò cá nhân.

Có ý kiến cho rằng sự phân hóa thành phần môi giới đang âm thầm diễn ra thời gian qua thực ra lại gắn liền với sự phân khúc khách hàng của chính thị trường nhà đất. Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và Quản lý bất động sản CitiPlus, ông Henrik Hiển Vũ nói rằng đối với khách hàng loại thấp thì thường chủ đầu tư dự án tự lo lấy khâu tiếp thị, kinh doanh; khách hàng diện trung bình là đối tượng của tất cả các công ty môi giới trong nước; và cuối cùng đảm trách môi giới cho khách hàng cao cấp là các công ty nước ngoài mà trường hợp Công ty Chesterton là ví dụ.

Câu hỏi đặt ra là theo sự phân khúc này, “đất” làm ăn của cò cá nhân ở đâu? Ông Henrik Hiển Vũ khẳng định cò cá nhân giờ đây rất khó chen chân vào các dự án lớn kinh doanh lần đầu, có chăng họ chỉ hiện diện ở giai đoạn ký gởi, mua đi bán lại hoặc trong các giao dịch giữa cá nhân với cá nhân. “Hơn nữa, những cò cá nhân tồn tại được phải là những người có kinh nghiệm lâu năm, đồng nghĩa có các quan hệ dày và tốt trước đó”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, ông Luk Ban La, Giám đốc Trung tâm Căn hộ mới thuộc Công ty cổ phần Nhà đất Đô thị mới dự báo rằng cùng với đà hồi phục của thị trường nhà đất sau nhiều năm liền trầm lắng, hắt hiu, lực lượng môi giới cũng sẽ hồi phục dù chắc chắn sẽ không còn như xưa, tức không còn nhiều những cò cá nhân nhưng thay vào đó là những nhà môi giới chính thống. “Người mua ngày một khó tính hơn nên việc môi giới đòi hỏi phải có văn phòng, có thương hiệu, tức phải chuyên nghiệp và có… tóc !”, ông Ban La nói.

Giới kinh doanh nhà đất đồng ý rằng xu hướng hợp tác sẽ là tất yếu đối với hoạt động môi giới trong tương lai. Sự hợp tác đó sẽ phát triển theo hai hướng: cá nhân môi giới hợp tác với cá nhân hoặc với công ty môi giới; và công ty môi giới trong nước hợp tác với công ty trong nước hoặc với công ty môi giới nước ngoài. Điều này có thể nhìn thấy lờ mờ thông qua sự liên kết hợp tác của CitiPlus với Công ty cổ phần Nhà đất Đô thị mới để phân phối một loạt các dự án nhà đất hoặc CitiPlus hợp tác với đối tác nước ngoài là VPC Asia Pacific dưới hình thức đại diện độc quyền tại Việt Nam để làm tư vấn đầu tư, phát triển bất động sản, môi giới dự án…

Còn ông Lâm Văn Chúc cho biết đang tìm kiếm hợp tác liên kết với một công ty môi giới nước ngoài thích hợp, dù môi giới chỉ là một phần hoạt động của Phúc Đức.

Có một thực tế là việc mua bán bất động sản qua các nhà môi giới chuyên nghiệp rõ ràng có lợi cho khách hàng hơn, ít nhất trên các bình diện: được tư vấn hợp lý, phân tích so sánh giá cả giữa các dự án để chọn lựa… Như thế xem ra thời hoàng kim của cò cổ điển – tức cò cá nhân - đã một đi không hẹn ngày quay lại. 

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục