Cô nhi viện chùa Đức Sơn: Ấm lại những mảnh đời

Cô nhi viện chùa Đức Sơn: Ấm lại những mảnh đời

Dịp hè, cô nhi viện chùa Đức Sơn ngày nào cũng đầy ắp tiếng nói cười của các em nhỏ. Hơn 21 năm nay có hàng trăm em mồ côi không nơi nương tựa, tàn tật,… được sư cô Thích Nữ Minh Tú đưa về chăm sóc.

Lớn lên dưới tiếng chuông chùa

Cô nhi viện chùa Đức Sơn: Ấm lại những mảnh đời ảnh 1

Bữa ăn trưa tại của các em mồ côi tại cô nhi viện chùa Đức Sơn

Tọa lạc trên mảnh đất trũng tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn như một “mái ấm gia đình”. Ngày ngày, trong tiếng chuông chùa, những trẻ thơ bất hạnh đã lớn lên và được sưởi ấm bằng bàn tay của “người mẹ” - sư cô Thích Nữ Minh Tú.

Mỗi em khi được đưa về đây đều có một hoàn cảnh thương tâm khác nhau. Trường hợp đầu tiên sư cô Minh Tú nhận về nuôi là bé Kiều Thị Thủy Chung (2 tuổi) do bố mẹ mất sớm. Sau đó lần lượt là hàng trăm cảnh đời éo le khác.

Sư cô Minh Tú kể, cách đây 14 năm, một nhóm từ thiện ở thành phố Huế trong một lần đi nhặt các sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ ở Bệnh viện T.Ư Huế để an táng thì phát hiện một hài nhi bé xíu còn nhúc nhích. Do sinh non nên hài nhi đó nặng 900gr. Sau đó nhóm từ thiện đưa bé vào chăm sóc ở bệnh viện. Do nằm lâu một chỗ nên bé bị loét một bên hông. Thấy thương quá sư cô Minh Tú bồng bé về cô nhi viện và đặt tên là Cù Thiện Sanh. Các ni sư phải chắt chiu từng đồng để mua sữa, thuốc men chăm sóc bé. Hiện tại, Cù Thiện Sanh rất khỏe mạnh và đang học lớp 9.

Một trường hợp khác, cách đây hơn 10 năm, một bé gái tàn tật bị bỏ quên dưới gốc cây cũng được các cô đem về chăm sóc. Mặc dù bị liệt giường 10 năm nay nhưng đưới sự chăm sóc tận tình của các sư giờ em đã biết đọc, biết viết. Rồi cả những trường hợp sinh con ngoài ý muốn, những em bố mẹ mất sớm và cả những em bệnh tật gia đình không đủ sức nuôi... chùa đều đem về bảo bọc. 21 năm qua, đã có gần 300 em được nuôi dưỡng tại đây và hiện đã có 70 em khôn lớn hồi gia.

Chắp cánh những ước mơ

Gần nửa số trẻ trong cô nhi viện chùa Đức Sơn đều bị bố mẹ bỏ rơi từ khi vừa lọt lòng, không rõ họ tên nên con trai được đặt họ Cù, con gái mang họ Kiều. Ở cô nhi viện Đức Sơn, các em đều được đi học, tối thiểu là hết cấp 3. Tại đây còn có những điểm dạy nghề cho các em. Sư cô Minh Tú tâm sự: “Tổng kết năm học nếu em nào học giỏi sẽ được thưởng quà xứng đáng, có khi là một chuyến đi chơi hè cùng các sư cô hay được thưởng  một chiếc xe đạp mới”.

Mùa nhập học là mùa mà sư lo nhất, bởi chi phí áo quần mới, sách vở, học phí, xe đạp... cho gần 200 em không phải là nhỏ. Vào kỳ nghỉ hè các em được học nghề, con trai đóng bàn ghế, sửa điện, con gái thì học nghề may, thêu.... Hiện cô nhi viện đã có 18 em đang học đại học, cao đẳng. Có em đã ra trường, kiếm được công ăn việc làm ổn định như Nguyễn Văn Phú nhưng vẫn tiếp tục ở lại chùa để giúp các sư chăm sóc những em nhỏ.

Dù đã vào tuổi 60, nhưng lúc nào sư cô Minh Tú cũng tất bật lo toan mọi việc từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học tập của các cháu. Nhất là vào mùa lụt, do địa điểm chùa thấp nên nước thường dâng vào, thế là các sư phải thức suốt đêm để cach các em nhỏ.

Cách đây gần 3 năm, trong một lần đưa các em chạy lũ ban đêm, sư cô Minh Tú đã bị té gãy tay. Dù thế, nhưng lo cho các em cũng là hạnh phúc của người tu hành. “Mỗi lứa tuổi đều có chế độ riêng, đối với các cháu sơ sinh thì chế độ mỗi cháu phải 30.000đ/ngày mới đảm bảo dinh dưỡng. Để lo được như thế cũng nhờ những tấm lòng hảo tâm của phật tử, người dân khắp nơi” - sư cô Minh Tú nói.

Không những lo công việc ở chùa, sư cô Minh Tú còn kêu gọi những phật tử, đồng bào chung tay đùm bọc cho người nghèo, giúp trẻ em bất hạnh. Sư cô còn nhận bảo trợ cho 85 cơ sở mầm non ở các vùng quê nghèo của 2 huyện Hương Trà và Hương Thủy, Thừa Thiên -Huế.

Bận bịu là vậy nhưng hễ nghe ở đâu có thiên tai bão lụt là sư lại lên đường đi cứu trợ và sau mỗi chuyến đi ấy, bao giờ cũng mang theo về một vài cháu nhỏ... Trong câu chuyện với chúng tôi, sư cô Minh Tú lại cho hay, chùa đang xây dựng thêm cơ sở hai, cách chùa 100m, để phục vụ các cháu càng ngày càng lớn, trong lúc cơ sở của chùa đã bắt đầu chật.

Với những những việc làm đầy ý nghĩa ấy mà sư cô được bình chọn là “Những phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức năm 2006.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục