Có nhiều dự án nước, dân vẫn khát

Vì chưa có điều kiện để có nguồn nước máy nên phần lớn người dân huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, vẫn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Thời gian qua, một số công trình nước sạch đã được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng người dân vẫn không có nước sạch để dùng. 
Bể nước cộng đồng ở bản Cô (xã Châu Thành) đang bỏ hoang
Bể nước cộng đồng ở bản Cô (xã Châu Thành) đang bỏ hoang

Công trình nước tự chảy ở xã Châu Thành có mức đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2013, mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt cho 425 hộ dân thuộc 3 bản: Trung Thành, Tiến Thành và bản Cô. Tuy nhiên, đến nay công trình này gần như bị xóa sổ vì hiệu quả kém. Anh Lô Văn Ngân ở bản Cô dẫn chúng tôi đi xem bể nước cộng đồng trong bản. Bể lâu ngày không dùng nên bị rêu phong, vòi van đóng mở bị gãy không hoạt động được, ống thép dẫn nước vào bể đã bị tháo… Anh Ngân cho biết, nhà nước đầu tư gần 2 km đường ống, xây 9 bể nước cộng đồng cho 126 hộ dân của bản dùng. Công trình hoàn thành nhưng dùng được vài tháng thì trục trặc, sau đó không ai quan tâm nữa. Hiện ống kẽm đưa nước về bản bên trong bị gỉ hết, tuyến ống ở trong khe suối cũng bị hư không dẫn nước về được. Anh Ngân than thở: “Dự án tiền tỷ mà không phục vụ được dân thì phí tiền nhà nước, dân lại vẫn phải dùng nguồn nước kém chất lượng”. 

Ông Lăng Thế Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành, cho biết dự án nước tự chảy ở xã có 2 đường ống chính, tuyến ở bản Cô dài 1km, tuyến vào các bản còn lại dài 3,2km, ống đúc bằng thép kẽm, có 16 bể nước cộng đồng chia đều 3 bản. Do đường ống thi công lắp đặt nằm ven suối nên bị nước lũ cuốn trôi không tìm lại được. Đến nay, xã đã nhiều lần chi kinh phí sửa chữa hệ thống nước tự chảy ở bản Cô hết 22 triệu đồng, ở bản Tiến Thành hết gần 80 triệu. Xã đã đề nghị Phòng Công thương huyện Quỳ Hợp hỗ trợ nhưng không được đồng ý vì công trình này xã phải “tự thu tự chi”. Hiện UBND xã giao cho các bản tự quản lý, số đường ống đã thu hồi đang cất trong nhà văn hóa bản, còn lại đang nằm dưới đất chưa đào lên. 

Tại xã Châu Tiến, năm 2015, xã này làm chủ đầu tư dự án nước tự chảy trị giá 2,9 tỷ đồng tại bản Chiềng, bản Càng và bản Na Buốm để phục vụ hơn 300 hộ dân. Công trình có tổng chiều dài các tuyến ống 3km, phân nhánh về 10 bể nước cộng đồng. Tuy nhiên, mới dùng được thời gian ngắn đã cạn nước. Vườn nhà bà Nguyễn Thị Tiến ở bản Cáng được chọn để đặt bể nước cộng đồng và nhà tắm. Nhưng nhiều năm qua, bể nước đã khô cạn, còn nhà tắm được bà Tiến tận dụng làm… chuồng nuôi gia cầm. 

Ông Hoàng Quang Tiệp, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho hay, UBND xã vừa sửa chữa nhưng nước vẫn chưa về được với dân bản. Ở đầu nguồn nước chảy mạnh nhưng các hộ dân ở cuối nguồn vẫn không có nước. Hiện một số hộ gom tiền tự làm các tuyến ống mới dài khoảng 1,5km để lấy nước về. Nguyên nhân của việc không có nước là khi mới làm nước về nhiều nhưng bà con không biết cách bảo quản để khai thác. Về mùa lũ, đường ống đi kẹp theo khe suối nên bị trôi nhiều đoạn. Đến nay xã đã tiến hành sửa chữa hết hàng trăm triệu đồng và dự án hiện vẫn chưa được nghiệm thu quyết toán vì nước chảy kém.

Tin cùng chuyên mục