Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Gần đây, công tác đổi mới doanh nghiệp, cụ thể là cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, thanh tra đã phát hiện không ít doanh nghiệp sai phạm, có dấu hiệu thâu tóm, trục lợi.

Điển hình là mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong CPH doanh nghiệp nhà nước tại Bộ GTVT. Điều đó cho thấy, việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước vừa nhanh chóng, vừa đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước không dễ.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1 Công ty Tân Thuận vi phạm quy định về bán cổ phần. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thao túng

Gần đây thanh tra vào cuộc đã phát hiện nhiều vụ mua bán cổ phần có sự móc ngoặc giữa các công ty nhà nước với tư nhân. Cụ thể như vụ Công ty Tân Thuận bán giá rẻ cổ phần cho Nguyễn Kim. Việc ưu ái từ nhiều cấp, giúp cho tư nhân thâu tóm tài sản nhà nước diễn ra luôn cả ở những ngành khác.

Mới đây là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã thâu tóm thần tốc cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp này tại cảng Quy Nhơn từ 10% lên hơn 86% trong vòng 2 năm sau CPH. Mặc dù ngay từ đầu việc sở hữu 10% cảng Quy Nhơn đã bị xác định là có sai phạm, nhưng sau đó Công ty Hợp Thành tiếp tục được ưu ái mua cổ phần tăng thêm theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Việc thao túng các doanh nghiệp nhà nước CPH có sự móc ngoặc chủ yếu là nhắm đến đất công mà doanh nghiệp đang quản lý. Sau đó, họ sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để biến đất công thành tư. Như vụ Công ty Dệt may Thắng Lợi trước đây là doanh nghiệp nhà nước, sau 9 năm CPH, tái cấu trúc, đã rơi hoàn toàn vào tay tư nhân.

Tư nhân sau khi thao túng xong đã xóa luôn ngành dệt may, hơn 2.000 công nhân điêu đứng. Kết quả là 20ha ở số 2 Trường Chinh có nguồn gốc “đất sản xuất” do nhà nước giao cho công ty dệt may đã bị Vinacapital xin chuyển đổi sang đầu tư dự án khu phức hợp trung tâm thương mại… Vụ việc đổ bể, đến giờ khu đất để không, gây lãng phí cho ngân sách, đất có nguy cơ rơi vào tay tư nhân.

Sau các vụ lùm xùm, nhiều ý kiến cho rằng nên thanh tra lại tất cả những doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai để thu hồi nếu có dấu hiệu thao túng. Đặc biệt, đối với những khu đất thuê, giao trước đây chưa đấu giá, định giá khi CPH thì thu hồi, tiến hành đấu giá lại. Bởi thất thoát tài sản nhà nước hầu hết nằm ở đất đai. Cần có cơ chế kiểm tra “hậu” CPH, xử lý nghiêm những sai phạm nhằm có tính răn đe.

Bên cạnh đó, cần thanh tra, kiểm tra kỹ những doanh nghiệp đang CPH để kịp thời ngăn chặn các quyết định sai phạm nếu có. Ngoài ra, cần có quy định minh bạch đầy đủ thông tin về CPH để cán bộ - công nhân viên trong doanh nghiệp CPH và dư luận theo dõi kiểm tra, giám sát và lên tiếng nếu có dấu hiệu khuất tất, sai phạm. Đồng thời cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan thanh tra chuyên trách và Thanh tra Chính phủ mỗi khi có những phản ánh và tố cáo có căn cứ.

Và ì ạch...

Theo con số của Bộ Tài chính cho biết, năm 2018 kế hoạch CPH doanh nghiệp nhà nước là 64 doanh nghiệp, thế nhưng kết quả thực hiện chỉ 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH (với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.700 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.740 tỷ đồng).

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, chỉ có 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị gần 442.300 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.000 tỷ đồng. 

Tương tự, năm 2018, việc thoái vốn nhà nước cũng chỉ được thực hiện tại 57 doanh nghiệp, ít hơn rất nhiều so với kế hoạch Chính phủ đặt ra là 181 doanh nghiệp. Hiện có các doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng xin lùi thời điểm thoái vốn và CPH.

Năm 2019 này, việc thoái vốn gần như giậm chân tại chỗ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết quý 1-2019, vẫn chưa có thêm doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH và cũng chưa có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn.

Nguyên nhân chậm trễ, ngoài việc lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sợ mất quyền thì hầu hết là vướng về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH. Chẳng hạn như vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Việc xác định giá trị đất đai, tài sản, vốn, giá trị hữu hình và cả giá trị vô hình của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề khó, tốn thời gian, dễ phát sinh tiêu cực. Với quy định giá trị quyền sử dụng đất được tính vào giá trị doanh nghiệp, đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có tâm lý sợ trách nhiệm của người đứng đầu dẫn đến chậm trễ.

Ngay việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp CPH ở các địa phương cũng bị chậm do nhiều tỉnh, thành chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. 

Đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu và xây dựng quy chế buộc các sở, ngành chuyên môn có liên quan đến đất đai phải vào cuộc để xử lý hồ sơ đất đai trong quá trình CPH. Đồng thời cho thanh tra vào cuộc cùng hướng dẫn, đồng hành để việc thực hiện CPH không bị sai phạm, thất thoát ngay từ đầu.

Tin cùng chuyên mục