Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện ì ạch

Mặc dù thời gian qua Chính phủ liên tục chỉ đạo, thậm chí yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu nếu chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thế nhưng đến giờ, việc cổ phần hóa vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. 
 

     

Công nhân Tổng công ty Xây dựng số 1 thi công trên công trình Ảnh: THÀNH TRÍ
Công nhân Tổng công ty Xây dựng số 1 thi công trên công trình Ảnh: THÀNH TRÍ
Mục tiêu giai đoạn năm 2016-2020 phải cổ phần hóa 240 doanh nghiệp; tuy vậy, đến giờ đã hơn 1/3 chặng đường nhưng chỉ có 33 doanh nghiệp được… phê duyệt cổ phần hóa! Trong khi đó, từ giai đoạn phê duyệt đến triển khai định giá, bán cổ phần là một quy trình dài…
Chế tài chưa đủ mạnh?

Tuy Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ra văn bản đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN. Trong đó, Thủ tướng còn yêu cầu xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân, người đứng đầu nếu cố tình trì hoãn, làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa DNNN, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, bảo đảm minh bạch và theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện nhanh việc thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng chú trọng kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, không để thất thoát, sai quy định. 

Thế nhưng, từ năm 2016 đến giữa năm 2017, mới chỉ có 65 DNNN, 5 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hóa. Đến thời điểm này mới công bố giá trị 38 doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa và đang xác định giá trị 107 doanh nghiệp. Qua nhiều hội nghị, các bộ ngành xác định tình hình cổ phần hóa từ năm 2016 đến nay vẫn diễn ra chậm. Nguyên nhân do chính sách bán cổ phần chưa thay đổi, rất nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên không thu hút được cổ đông bên ngoài vào tái cơ cấu sở hữu. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác do các doanh nghiệp sắp xếp cổ phần hóa hiện nay hầu hết là doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Trong khi đó, các quy định để hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về xác định giá trị thương hiệu, xác định lợi thế đất đai vẫn chưa được chính thức ban hành. Đó cũng là lý do khiến những người thực hiện sợ trách nhiệm nên chậm trễ.

Mục tiêu cao, hiệu quả thấp

Theo cam kết gia nhập nền kinh tế thế giới, các quốc gia phải tạo ra bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do vậy, Việt Nam từng bước tách việc quản lý nhà nước với tham gia làm kinh tế. Và để khuyến khích nền kinh tế phát triển, trong các nghị quyết của Đảng luôn đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sau nhiều năm, kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, mục tiêu đề ra là rà soát, xóa bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực xã hội, các yếu tố sản xuất, cơ hội kinh doanh, tham gia thị trường, cả việc tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn… Tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Và từ đó, nhà nước đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp để tập trung vào công tác quản lý nhà nước.

Theo thống kê, mục tiêu tái cơ cấu DNNN đến năm 2020 có 240 DNNN cần sắp xếp lại. Trong đó, hơn 30 DNNN chiếm cổ phần sở hữu chi phối (chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty) và 106 doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Nhà nước giữ dưới 50% vốn. 
Mặc dù Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra, nhưng tiến độ vẫn còn chậm. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2017, chỉ có 33 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa với giá trị được phê duyệt hơn 80.000 tỷ đồng. Trong đó, có 3 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa nằm trong danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; 4 doanh nghiệp tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo đề án cơ cấu giai đoạn 2011-2016; 44 doanh nghiệp (cả những doanh nghiệp được phê duyệt trước đó) phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2017. Thế nhưng, đến nay, việc thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp cũng như định giá những tài sản vô hình vẫn chưa có quy định thống nhất, đó chính là rào cản làm chậm tiến trình cổ phần hóa các DNNN hiện nay.

Bộ Tài chính vừa công bố danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giải trình lý do chưa niêm yết, các công ty cho rằng do chưa đủ số lượng cổ đông cần thiết để trở thành công ty đại chúng hoặc công ty có vốn điều lệ không đủ điều kiện… Thế nhưng, trong đó có nhiều tên thương hiệu lớn nhưng vẫn chưa tiến hành niêm yết như: 9 công ty thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; các công ty của Tập đoàn Dệt may Việt Nam; các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng số 1; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam… 

Tin cùng chuyên mục