Cổ phiếu ì ạch thanh khoản

Mục tiêu chính của doanh nghiệp (DN) khi lên sàn là tạo sự minh bạch và tăng tính thanh khoản cho CP. Thế nhưng, thị trường lại đang tồn tại khá nhiều mã CP ít người mua bán, mất thanh khoản
Cổ phiếu ì ạch thanh khoản

Mục tiêu chính của doanh nghiệp (DN) khi lên sàn là tạo sự minh bạch và tăng tính thanh khoản cho CP. Thế nhưng, thị trường lại đang tồn tại khá nhiều mã CP ít người mua bán, mất thanh khoản.

HOUSE - Khi kỳ vọng biến thành thất vọng

  • Mất thanh khoản vì DN

CTCP Đầu tư bất động sản Việt Nam (VNI) chính thức giao dịch trên sàn HOSE trong ngày trùng cửu (9-9-2009) với giá tham chiếu 25.000 đồng/CP. May mắn chào sàn trong ngày “đẹp” cộng với thời điểm TTCK đang khởi sắc nên mã VNI đã liên tục được kéo trần lên trên 6.0 vào thời điểm cuối tháng 9-2009.

Tuy nhiên, ngay sau mức giá khủng này, giá VNI đã đảo chiều giảm mạnh xuống dưới mức giá chào sàn. Hiện giá VNI chỉ dao động quanh mốc 2.0, nhưng cùng với giảm giá là sự sụt giảm thê thảm về thanh khoản, trừ một vài phiên giao dịch có khối lượng đáng kể (trên 10.000 đơn vị trong những phiên giao dịch VNI tăng giá). Thanh khoản của VNI kể từ thời điểm tụt dốc thường chỉ dao động dưới 10.000 đơn vị, thậm chí có phiên chỉ vỏn vẹn 200 CP được giao dịch. Riêng về những phiên có khối lượng giao dịch đáng kể của VNI, nhiều khả năng, đây chỉ là những lệnh mua với khối lượng lớn vào cuối phiên để giữ giá của một số NĐT lớn.

Sự sụt giảm về thanh khoản của VNI phần nào cho thấy kỳ vọng của NĐT với VNI đã không còn, thay vào đó là nỗi thất vọng về hiệu quả hoạt động của DN. Bởi mang tiếng là DN bất động sản nhưng hoạt động của VNI chỉ quanh quẩn trong việc môi giới bất động sản, trong khi các lĩnh vực đầu tư xây dựng bất động sản mang lại nguồn thu và lợi nhuận lớn lại rất hiếm.

Điều đáng nói là trong cáo bạch trước khi niêm yết, VNI công bố DN này hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như: đầu tư vào các dự án mua, tạo lập công trình xây dựng để bán và cho thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư công trình hạ tầng để chuyển nhượng và cho thuê; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp giao thông, thủy lợi, bến cảng, sân bay.

Cũng chính vì chỉ môi giới nên dù vốn điều lệ lên đến 105 tỷ đồng nhưng doanh thu và lợi nhuận của VNI rất thấp (lợi nhuận sau thuế năm 2009 là 1,5 tỷ đồng), thậm chí quý I vừa qua VNI lỗ trên 700 triệu đồng. Nghị quyết HĐQT của VNI chỉ đặt ra chỉ tiêu doanh thu trong năm 2010 là 23,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng xem ra với chỉ tiêu khiêm tốn này, VNI cũng khó đạt được trong bối cảnh thị trường bất động sản kém khởi sắc như hiện nay.

Thị trường đang tồn tại nhiều mã CP bị NĐT thờ ơ. Ảnh: LÃ ANH

Thị trường đang tồn tại nhiều mã CP bị NĐT thờ ơ. Ảnh: LÃ ANH

  • Mất thanh khoản vì thị trường

Mã VFMVFA của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Năng động Việt Nam chào sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 9-8-2010. Tuy nhiên, từ mức giá chào sàn 10.000 đồng/CP, giá VFMVFA đã liên tục giảm, hiện chỉ trong khoảng từ 0.7-0.8. Đặc biệt, dù mới lên sàn, lãnh đạo của VFMVFA đã phải giải trình vì có 5 phiên giảm sàn liên tục.

Nguyên nhân khiến chứng chỉ quỹ này dao động trong biên độ hẹp một phần vì thanh khoản kém. Nếu so với 4 chứng chỉ quỹ còn lại là MAFPF1, PRUBF1, VFMVF1 và VFMVF4, thanh khoản của VFMVFA kém hơn hẳn. Kể từ khi chào sàn đến nay, chỉ duy nhất phiên ngày 20-9 có hơn 1 triệu chứng chỉ quỹ được giao dịch, các phiên còn lại thường chỉ có vài trăm hoặc vài ngàn đơn vị được giao dịch. Thậm chí có 2 phiên mã VFMVFA không có người mua.  

Đặc thù của VFMVFA là đầu tư vào rổ CP đại diện cho VN Index, cơ cấu danh mục đầu tư theo ngành nghề của quỹ, chủ yếu dựa trên cơ cấu ngành nghề của các CP có vốn hóa thị trường lớn. Trong quy chế hoạt động của mình, VFMVFA có đặc quyền bán cắt lỗ trong trường hợp giá CP xuống thấp.

Tuy nhiên, hoạt động của VFMVFA đang đứng trước rủi ro do sự giảm giá của các loại CP niêm yết trên TTCK mà VFMVFA đầu tư. Khi đó, NAV của quỹ này sẽ bị giảm sút và ảnh hưởng trực tiếp đến thị giá của chứng chỉ quỹ trên thị trường.

Thực tế, rủi ro có thể được giảm thiểu với cơ chế cắt lỗ trước khi thị trường giảm quá sâu; nhưng với thanh khoản đang ngày càng sụt giảm như hiện nay, việc thoát khỏi thị trường đúng thời điểm của quỹ này rất khó khăn. Với những khó khăn mà TTCK đang gặp phải, từ sự sa sút điểm số cho đến thanh khoản, tính năng động trong chiến lược đầu tư của VFMVFA sẽ khó phát huy hiệu quả. Do đó, VFMVFA đang trở thành nỗi thất vọng của NĐT, đồng nghĩa với việc thanh khoản ngày càng đi xuống.

  • Mất thanh khoản dây chuyền

Liên tục trong 4 phiên gần đây, mã IMF của CTCP Dược phẩm Imexpharm không có bất cứ giao dịch nào. Như vậy, trong cả 1 tháng, chỉ có hơn 25.000 CP IMP được giao dịch. Đây là con số hết sức bất ngờ đối với giới đầu tư nếu biết rằng IMP là một trong những biểu tượng thành công của các DN dược trong nước.

Đây là tình trạng chung của các DN dược khi thanh khoản của các mã như DHG của CTCP Dược Hậu Giang, DCL của CTCP Dược Cửu Long, POC của CTCP Dược phẩm OPC cũng không sáng sủa hơn. Việc các mã CP ngành dược không còn được ưa chuộng như trước có thể đến từ lý do tỷ giá USD/VNĐ tăng. Hiện phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất của các DN dược là nhập khẩu nên việc trượt giá tiền đồng khiến chi phí của các DN tăng cao và lợi nhuận cũng vì thế giảm đi.

Ngoài yếu tố chính này, lợi thế cạnh tranh của các DN trong nước so với các DN nước ngoài sẽ không còn khi sự bảo hộ của Nhà nước đối với ngành dược sắp đi vào hồi kết (sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, Nhà nước sẽ không còn bảo hộ cho các DN dược).

  • Mất thanh khoản cấp tính

Ngoài những mã CP có thanh khoản kém bởi sự thất vọng của NĐT, thị trường còn xuất hiện những mã CP bỗng dưng bị mất thanh khoản do sự xuất hiện của các “đội lái”, như trường hợp HTV của CTCP Vận tải Hà Tiên. Với sự xuất hiện của các “đội lái”, mã CP này bất ngờ có chuỗi tăng trần liên tục trong khi bối cảnh chung của thị trường rất ảm đạm. Từ mức giá hơn 3.0, HTV đã tăng trên 4.0 trong tháng 9 vừa qua, buộc DN này phải giải trình vì sao giá CP tăng trần 5 phiên liên tục.

Theo giải trình của HTV, hoạt động của DN vẫn bình thường không có gì đột biến, còn việc HTV tăng trần 5 phiên liên tục nằm ngoài tầm kiểm soát. Sau đợt đánh lên, giá CP HTV liên tục giảm sàn và DN này cũng phải giải trình vì có CP giảm sàn 5 phiên liên tục với lý do tương tự.

Điều đáng nói sau khi các “đội lái” đạt được kỳ vọng và “buông” HTV ra, thanh khoản của HTV suy giảm mạnh. Trong 3 phiên gần đây, chỉ có hơn 100 CP HTV được giao dịch vì không có người mua. Điều này trái ngược hoàn toàn với con số hàng trăm ngàn CP HTV được giao dịch trong mỗi phiên trước đó. Tuy nhiên, việc mất thanh khoản của HTV được xem là mất thanh khoản cấp tính chứ không mãn tính như những mã nêu trên.


HNX - Nỗi ám ảnh của NĐT

Trên sàn HOSE, mất thanh khoản của các mã CP chỉ là hiện tượng cục bộ. Trong khi đó, việc mất thanh khoản của các mã CP trên sàn HNX đang trở thành nỗi ám ảnh của NĐT.

  • Thanh khoản “đóng băng”

Tính đến thời điểm hiện nay, SGH của CTCP Khách sạn Sài Gòn là mã có thanh khoản kém nhất trên TTCK chứ không riêng gì HNX. Mã CP này mất thanh khoản trong thời gian dài và trở thành một hiện tượng bình thường trên sàn HNX. Cụ thể, hơn 4 tuần gần đây, có chưa đầy 8.000 CP SGH được giao dịch.

Đặc biệt, hơn 1 năm trở lại đây, chưa có phiên nào có hơn 10.000 CP SGH được giao dịch. Trong phần lớn các phiên giao dịch của SGH, hoặc chỉ vài trăm CP, hoặc không có CP nào được mua bán. Cùng với sự bất thường về thanh khoản, giá CP SGH cũng gần như bất động và “miễn nhiễm” với bất cứ sự thay đổi thất thường của TTCK. Thời điểm TTCK tăng mạnh năm 2009 hay tụt dốc trong những tháng gần đây, giá SGH vẫn dao động trong khoảng 6.0-8.0. 

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “đóng băng” thanh khoản của SGH có lẽ đến từ lịch sử của SGH. Ngay từ hồi niêm yết trên sàn HOSE, thanh khoản của SGH đã rất thấp. Chính vì vậy, dù SGH chuyển sang niêm yết trên sàn HNX (từ ngày 30-7-2009) nhưng trong tâm thức của NĐT, SGH vẫn là mã CP có thanh khoản kém.

Thanh khoản kém cộng với biên độ dao động hẹp khiến phần lớn NĐT, đặc biệt NĐT lướt sóng không bao giờ chọn mua SGH. Dần dần, SGH chỉ được NĐT xem là mã đầu tư dài hạn, mua vào để chờ hưởng cổ tức chứ không kỳ vọng bán được với mức giá cao hơn. Thực tế, cơ cấu cổ đông của SGH phần lớn là các tổ chức lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn như SCIC, Citigroup Global Market Ltd, Blackhorse Enhanced Vietnam Inc hay Merrill Lynch International.

Thanh khoản kém cộng với biên độ dao động hẹp khiến nhiều mã CP bị bỏ rơi. Ảnh: LÃ ANH

Thanh khoản kém cộng với biên độ dao động hẹp khiến nhiều mã CP bị bỏ rơi. Ảnh: LÃ ANH

  • Mất thanh khoản theo mùa

CP của các doanh nghiệp (DN) sách và thiết bị trường học là những mã CP kém thanh khoản nhất trên sàn HNX hiện nay. Các DN trong lĩnh vực này có vốn điều lệ thấp nên đa phần được niêm yết trên sàn HNX. Những phiên giao dịch gần đây, khi dòng vốn vào TTCK đang trong xu hướng giảm, thanh khoản của những mã CP này rất kém, thậm chí không có người mua khiến cho NĐT nắm giữ các CP sách và thiết bị trường học như ngồi trên lửa, vì muốn cắt lỗ cũng không xong.

Trên thực tế, CP sách và thiết bị trường học thường có sóng trong tháng 9, khi doanh thu của các DN này tăng mạnh mùa khai trường. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, sóng CP sách và thiết bị trường học vẫn không có, khiến cho thanh khoản của nhóm CP này gần như “đóng băng”.

Trong 1 tháng trở lại đây, chỉ có hơn 5.000 CP BDB của CTCP Sách và Thiết bị trường học Bình Định được giao dịch, trung bình mỗi tuần chỉ có hơn 1.000 CP BDB được giao dịch. Khá hơn chút đỉnh là mã BED của CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng, với hơn 20.000 CP được giao dịch trong vòng 1 tháng trở lại lại đây. Tuy nhiên, BED lại mất thanh khoảng trầm trọng trong những ngày qua với 10/23 phiên không có bất kỳ CP BED nào được mua bán. Thanh khoản của các DN sách và thiết bị trường học khác (BST, DAE, HBE, HEV, HST, HTP, LBE, QRT, SAP, ALT) cũng không khá hơn mấy.

Điểm chung của các CP ngành sách và thiết bị trường học là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là cổ đông nắm giữ lượng CP lớn, kế đến là cổ đông nội bộ của các DN, còn NĐT nhỏ lẻ nắm giữ rất ít.

Trong khi đó, cổ tức của các DN ngành này thường thấp khiến cho NĐT không mấy quan tâm. Cũng vì lý do này, phần lớn giao dịch của các CP ngành sách và thiết bị trường học trên sàn HNX thường là những lệnh đặt mua hoặc bán của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và cổ đông nội bộ. Tuy nhiên, chính sự khủng hoảng về thanh khoản lại khiến cho những mã CP này không bị mất giá nhiều trong thời điểm thị trường tụt dốc.

  • Mất thanh khoản vì thanh khoản

CP của các CTCK được xếp hàng “sao” về thanh khoản tốt trên sàn HNX. Tuy nhiên, mới đây, với sự xuất hiện mã GBS của CTCK Nhấp và Gọi, sàn HNX lại có thêm một “sao” không thể tỏa sáng. Dù mới giao dịch được 5 phiên nhưng GBS đã có 3 phiên có chưa đầy 10.000 đơn vị được giao dịch. Đặc biệt, trong 2 phiên 13 và 14-10, chỉ có 2.600 CP GBS được sang tên.

Việc GBS không có thanh khoản trở nên lạc lõng giữa hàng chục mã CP của các CTCK đang niêm yết trên HNX là hiện tượng lạ nhưng không có gì khó hiểu, bởi GBS còn là tên tuổi khá mới mẻ trong làng CK. TTCK Việt Nam hiện có gần 600 DN niêm yết nhưng có đến 105 CTCK tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường và tập trung chủ yếu vào nghiệp vụ môi giới CK. Trong khi đó, 44,33% thị phần môi giới trên HNX và 50,53% thị phần môi giới trên HOSE thuộc về 10 CTCK lớn, thị phần còn lại là sự tranh giành giữa các CTCK còn lại như GBS.

Trong bối cảnh TTCK hiện nay, nhiều khả năng kết quả kinh doanh năm 2010 của các CTCK hết sức ảm đạm. Do vậy, tiêu chí đầu tư của NĐT khi tham gia vào các CTCK là chọn những CTCK có doanh số môi giới cao và những CTCK có thị phần thấp gặp bất lợi (GBS hiện chiếm 1% thị phần môi giới).

Hơn nữa, khi thanh khoản của thị trường chung đang ngày càng đi xuống doanh số phần môi giới của GBS đã thấp nay càng thấp hơn. Đây cũng chính là lý do khiến những mã CP của các CTCK nhỏ như GBS không được nhiều NĐT quan tâm, dẫn đến sự đi xuống về thanh khoản dù CP được lên sàn.

HẢI HỒ

Tin cùng chuyên mục